Ấp Chông Nô, thuộc xã Hoà Tân – huyện Cầu Kè, một trong những địa điểm trong chiến dịch Cầu Kè, là nơi từng in đậm chiến công của Tiểu đoàn 308 và những đơn vị bạn. Hôm nay, chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, những cánh đồng vàng đã xoá mờ vết tích chiến tranh, nhưng những cái tên đã góp phần làm nên chiến dịch ngày nào luôn là niềm tự hào của người dân địa phương và của cả những người lính từng có mặt nơi nầy.
Trước Nhà Truyền thống huyện Tam Bình hiện nay là tượng đài bắn rơi máy bay của tiểu đội trưởng Ngô Tùng Châu, thuộc Tiểu đoàn 308. Ngày 26/12/1949, khi Tiểu đoàn 307, 308 và các đại đội của Trung đoàn 111 về Mỹ Thạnh Trung để liên hoan Tết và chuẩn bị xuất quân thì máy bay địch ném bom rồi lượn lờ trinh sát nơi khu vực đóng quân của chủ lực ta. Không bỏ qua cơ hội, Ngô Tùng Châu mượn súng của một đồng đội hạ ngay máy bay địch. Đây là chiếc máy bay đầu tiên của giặc Pháp bị bắn rơi ở chiến trường Vĩnh Long và cũng là chiến công đầu của Tiểu đoàn 308 sau 2 tháng được thành lập. Chiến công nầy đã động viên rất lớn chiến sĩ Tiểu đoàn trước ngày làm lễ xuất quân. Ngô Tùng Châu được đúc tượng đồng và được đặt trang trọng trong Nhà Truyền thống huyện Tam bình.
Khi nhắc về chiến công của Tiểu đoàn 308, ông Võ Đoàn Khương, nguyên cán bộ tham mưu tác chiến của Liên Trung đoàn 109 – 111 và đại tá Lê Công Phát, nguyên Chánh trị viên trung đội thuộc Tiểu đoàn 308 đều có chung nhận xét khi đánh giá về trận đánh lớn ở Chắc Tức – Sóc Trăng. Đây là trận đánh gây tiếng vang lớn của Tiểu đoàn bên bờ Nam Sông Hậu, khẳng định sự trưởng thành của quân chủ lực, đem lại niềm tin trong quần chúng nhân dân. Sau chiến thắng nầy, Tiểu đoàn 308 được nhân dân khen tặng là “những con hùm xám miền Tây”.
Đối với những cựu binh của Tiểu đoàn 308, thì mỗi một trận đánh, mỗi một địa phương đã đi qua đều để lại trong lòng những kỷ niệm khó quên.
Anh hùng Lê Văn Chữ, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Trà Vinh, đại tá Sư đoàn trưởng Sư đoàn 868, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 308 từ năm 1951 – 1954, là người đã có mặt ở hầu hết những trận đánh vang dội của Tiểu đoàn 308 trong kháng chiến chống Pháp như chiến dịch Cầu Kè Trà Vinh, chiến dịch Bến Tre, bẻ gãy kế hoạch càn quét với qui mô lớn của địch ở Xẻo Dời – Sa Đéc… Đặc biệt, ông là người đã bắn rơi chiếc máy bay địch đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long tháng 3/1946. Trong trận đánh ở Cổ Cò – Tiền Giang, ông được Tổng bộ Việt minh tặng Huy hiệu Tổ quốc ghi công cho người còn sống kèm theo những ưu tiên đặc biệt như được ngồi ghế danh dự bất cứ hội nghị nào, được hưởng mọi chính sách ưu đãi của nhà nước v.v… Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, sau đó lại vượt Trường sơn trở về Nam chiến đấu. Trung tướng Đồng Văn Cống từng tuyên dương ông là một “chiến sĩ cự phách trong làng chiến đấu Nam bộ”.
Sau năm 1954, một bộ phận nhỏ của Tiểu đoàn được phân công ở lại miền Nam bám đất gầy dựng cơ sở, còn phần lớn tập kết ra Bắc. Về sau, nhiều người trong số họ đã trở về Nam chiến đấu và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào năm 1960. Những người còn lại được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện học tập tốt và đã trở thành những cán bộ chủ chốt của các ban – ngành.
Đại tá Phan Phong Thu – nguyên Trưởng Phòng Dân quân tự vệ Quân khu 7 là một trong những người đóng góp tích cực cho mọi hoạt động của Ban liên lạc Tiểu đoàn. Những kỷ vật hay những chiến lợi phẩm thời chiến tranh luôn nhắc nhở ông nhớ về một thời sống đẹp, luôn thắm tình đồng đội và rực lửa chiến đấu, nhớ những đồng đội đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường. Tất cả những điều đó tạo cho ông thêm sức mạnh, lòng nhiệt tình vào công việc nhiều ý nghĩa của mình.
Hàng năm, ngoài chuyến về nguồn, Ban liên lạc của Tiểu đoàn còn tổ chức họp mặt truyền thống ở thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm chiến trường, đồng thời tìm hiểu, hỗ trợ, giúp đỡ những cựu binh có hoàn cảnh khó khăn. Tình đồng chí giữa họ không chỉ được thể hiện trong chiến đấu, mà luôn toả sáng giữa đời thường.
Trải qua quá trình chiến đấu và công tác và trưởng thành, Tiểu đoàn 308 đã có 6 cán bộ cấp tướng, 122 cấp tá, 7 cán bộ cấp Tổng cục, 7 tiến sĩ, 13 Tổng giám đốc, 72 cấp uỷ, 18 cấp uỷ viên từ quận – huyện, tỉnh – thành và Quân khu uỷ, có 28 bác sĩ, đạo diễn, nhà văn và đặc biệt trong Tiểu đoàn còn có 6 chiến sĩ quốc tế gồm nhiều quốc tịch như Pháp, Đức, Tây Ban Nha v.v… Bên cạnh đó, Tiểu đoàn cũng đã gánh chịu những mất mát to lớn, có 229 chiến sĩ ưu tú đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Tiểu đoàn 308 là niềm tự hào của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, là niềm tin của các đơn vị bạn mỗi khi kết hợp tác chiến, đồng thời là nỗi kh
iếp sợ của quân thù. Tiểu đoàn đã lập nên truyền thống quí báu “liên tục chiến đấu và chiến thắng, đi dân nhớ, ở dân thương”.
Để giữ gìn và phát huy truyền thống 308 oai hùng, những buổi lễ kết nạp đoàn viên mới hay đưa tiễn tân binh ở địa phương thường được tổ chức ở tượng đài. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo huyện Trà Ôn còn kết hợp với Đảng bộ và chính quyền xã Vĩnh Xuân tổ chức định kỳ đêm văn nghệ “Vầng trăng 308” vào những đêm rằm hàng tháng. Hoạt động nầy là sân chơi bổ ích cho các cựu chiến binh và thanh niên trong xã, đồng thời cũng là cách thiết thực để giáo dục truyền thống một cách có hiệu quả.
Có lẽ hơn ai hết, những cựu binh 308 thấy ấm lòng khi tạm biệt nơi nầy.
Tuyết Mai