Thấm thoát đã 50 năm kể từ ngày mở đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại (19/5/1959 – 15/5/2009). Chiến tranh đã đi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại, ký ức về một thời gian khổ và oanh liệt trên con đường ấy như hiện về trong lòng mỗi người con nước Việt. 50 năm, vẫn còn đó những sự kiện bi hùng, những khúc ca bất tử thể hiện ý chí và nghị lực của dân tộc đứng lên giành độc lập…

Đường Trường Sơn – Đường mòn Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo của dân tộc; Là hệ thống các tuyến đường từ Bắc vào Nam, vắt sang nước bạn Lào và Campuchia với chiều dài 16.790 km đường bộ, 1.500 km ống xăng dầu, 2.500 km đường giao liên, 1.200 km đường thông tin tải ba và 400 km đường sông. Trong suốt chiều dài ấy, chiến tranh diễn ra ác liệt nhất là hệ thống các tuyến đường và trọng điểm trên đất Quảng Bình. Trên dải đất hẹp của miền Trung này, không nơi nào là không có dấu vết của bom đạn kẻ thù…

Từ đất lửa Quảng Bình

Đường Trường Sơn – Đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình có vị trí trọng yếu trong hệ thống toàn tuyến đường Hồ Chí Minh. Từ nơi đây, đã vận chuyển vào miền Nam và chiến trường 2 nước bạn (Lào và Campuchia) trên 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, xăng dầu, thuốc men; Đón trên 4 triệu lượt Bộ đội, cán bộ thương bệnh binh vào ra. Bắn rơi 2.451 máy bay các loại; tiêu diệt, bắt sống hàng vạn tên địch…

Quảng Bình là nơi hội đủ 5 tuyến đường quan trọng trong hệ thống 5 tuyến đường Hồ Chí Minh. Đây là trung tâm hậu cần dự trữ vật tư chiến trường với nhiều kho dự trữ khối lượng lớn, sẵn sàng chi viện cho các chiến trường. Bên cạnh việc đảm bảo giao thông vận tải, chi viện vũ khí cho chiến trường, Quảng Bình còn là trung tâm sửa chữa kỹ thuật, an dưỡng điều trị thương bệnh binh cho toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, Quảng Bình là trung tâm Sở chỉ huy của Đoàn 559 trong nhiều thời kỳ. Đơn vị đã mở hàng chục nghìn kilômét đường chiến lược Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn, tiến hành hàng chục nghìn trận chiến đấu phòng không, bắn rơi nhiều máy bay; Vận chuyển hàng hóa, bảo đảm cho hàng triệu lượt người và binh khí kỹ thuật hành quân.

Quảng Bình là nơi ghi dấu những kỳ tích của quân và dân trong những tháng năm chiến đấu ác liệt nhất. Tại đây đã hình thành các trọng điểm giao thông mà kẻ thù ngày đêm đánh phá ác liệt. Nhưng cũng từ đây, hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa, 45 triệu tấn vũ khí và 5,5 triệu m3 xăng dầu đã được chuyển đến các chiến trường cùng hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân vào Nam và sang chiến trường nước bạn Lào. Trong đó, phải kể đến những “địa danh đỏ” như: Km 28 đường 16 Làng Ho – Điểm đầu tiên của đoàn 559, điểm xuất phát gùi thồ vượt khẩu bí mật “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”; Ngã ba Khe Ve – Điểm xuất phát của đường 12 A; Ngã tư Thạch Bàn – nơi bắt đầu của một con đường mang tên Nguyện Vọng và đặc biệt là Km 0, Đường 20 – Con đường huyền thoại về lòng quả cảm, anh dũng của hàng chục ngàn thanh niên mà mỗi khi nhắc đến ai cũng bùi ngùi…

Đến con đường huyền thoại của lứa tuổi hai mươi

Đường 20 – Nơi ghi lại ý chí mở đường chi viện miền Nam của 13.000 con người tuổi đôi mươi, phơi phới tuổi xuân, suốt 5 năm liền không ngại gian khổ, mưa bom bão đạn để hoàn thành nhiệm vụ. Hàng ngàn thanh niên trai gái đã ngã xuống, 700 người khác mang thương tật suốt đời.

Tại đồi Chạ Quang trên đường 12 A, sự tích về Đại đội 759 thanh niên xung phong Tuyên Hóa vẫn còn mãi. Nơi ấy vẫn vang lên khẩu hiệu: “Máu 759 có thể đổ nhưng đường 759 không thể tắt”. Và cũng chính nơi đây, một sự kiện bi hùng không thể nào quên: Ngày 3 tháng 7 năm 1973, trong một trận bom ác liệt, 11 chiến sĩ của Đại đội 759 đã hy sinh. Vì đoàn xe không thể tắt nên 7 chiến sĩ trong số họ phải nằm lại trong lòng đất để tiếp tục nâng bước xe lăn. Đường 20 Quyết Thắng, ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình – Con đường để lại nhiều dấu ấn trong những cung đường Trường Sơn. Đây là con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn.

Hành quân trên đường Trường Sơn năm xưa

Đường 20 Quyết Thắng kéo dài từ thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch đến ngã 3 Lùng Bùng giáp biên giới nước bạn Lào. Con đường 55 km này nằm gọn trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới – rừng quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng từng ghi dấu sự hy sinh của biết bao anh hùng liệt sĩ, mà nay đã đi vào huyền thoại. Gọi Đường 20 Quyết Thắng là huyền thoại, bởi hơn 5 nghìn thanh niên xung phong, hàng nghìn công nhân hỏa tuyến đã lao động liên tục trong 130 ngày đêm trên địa hình núi đá hiểm trở, có nơi dốc dựng đứng, khi hoàn thành, đã tạo nên con đường dài 125 km từ Xuân Sơn đến ngã 3 Lùng Bùng, giúp các chuyến xe tránh được túi nước Xiêng Phan, đảm bảo việc vận chuyển thông suốt giữa tuyến đường Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn.

Nơi đây còn nhớ mãi sự kiện tám cô gái trẻ bị bom vùi lấp trong hang đá giữa đại ngàn Trường Sơn vào ngày 14/11/1972. Hay Ngầm Trạ Ang, nơi vang mãi huyền thoại “Máu và xăng”. Đó là câu chuyện về binh trạm 14 tổ chức 4 đội chuyển tải kéo xăng ngược suối, địch phát hiện và ném bom. Tải được 30 phuy xăng đã có 29 chiến sĩ hy sinh, máu và xăng hòa trộn nhuộm đỏ cả dòng Trạ Ang…

Ở đất Quảng Bình, mỗi cung đường đều thấm mồ hôi và máu của Thanh niên xung phong và Bộ đội. Những nơi ấy đều đi vào lịch sử và gắn liền với những chiến công hiển hách của cả dân tộc. Những con người ấy đã làm nên huyền thoại và là nền tảng để con đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh cất cánh, đất nước giàu đẹp hôm nay. Một huyền thoại hào hùng mà các thế hệ trẻ Việt Nam trong thế kỷ 21 luôn ngưỡng mộ, tự hào.

Theo Phụ nữ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *