Liên tiếp trong những ngày qua, giá dầu thô giao dịch trên thị trường thế giới đã giảm mạnh. Và tới đêm 5/5, dầu thô đã chính thức rời ngưỡng 100 USD/ thùng. Biến động mạnh mẽ trên thị trường năng lượng này, theo các nhà phân tích, phần nào bắt nguồn từ thông tin về cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden, nhưng nguyên nhân quan trọng hơn chính là từ những dấu hiệu không mấy lạc quan về tình hình kinh tế của Mỹ và Liên minh Châu Âu.
Từ đầu tuần này tới giờ, giá dầu thô quốc tế liên tục sụt giảm. Chốt phiên hôm kia (5/5), giá dầu thô trên sàn New York giảm 9,44 USD/ thùng xuống còn 99,80 USD/ thùng, thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2011.
Còn nhớ trước đó, vào ngày 2/5, ngay sau thông tin được phát đi cho biết trùm khủng bố Osama bin Laden đã chết, thị trường kim loại, chứng khoán và dầu thô quốc tế bỗng biến động mạnh mẽ. Chứng khoán tăng điểm trong khi giá vàng, bạc và dầu rớt thảm hại. Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư tăng cường bán ra các loại hàng hóa này là vì họ phần nào rũ bỏ được mối lo ngại về những rủi ro địa chính trị trên thị trường.
Tuy nhiên, đây chưa phải là nhân tố lớn lắm, bởi lẽ ngay sau sự phấn khích về cái chết của bin Laden, Mỹ và các nước đã nâng cảnh báo lên cao độ vì lo sợ các vụ tấn công trả đũa.
Theo các nhà phân tích, giá dầu giảm liên tiếp trong những ngày qua chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo ngại về nguy cơ nhu cầu co lại. Giới đầu tư đang lo ngại về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ cũng như Trung Quốc. Hiện vẫn có những dấu hiệu cho thấy kinh tế tại các nước nhập khẩu nhiều dầu thô, như Trung Quốc và Mỹ, tăng trưởng chậm lại có thể kéo nhu cầu của thế giới giảm xuống.
Bên cạnh đó, các số liệu yếu kém trên lĩnh vực kinh tế tại châu Âu càng củng cố thêm mối quan ngại của giới đầu cơ dầu về đà phục hồi của kinh tế thế giới.
Tăng thêm sức ép trên thị trường còn là những thông tin về dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng mạnh. Theo thống kê từ Bộ Năng lượng Mỹ đưa ra vào hôm kia, dự trữ dầu thô của nước này đã tăng thêm 3,4 triệu thùng, trong khi con số dự báo mà giới phân tích đưa ra là 3,2 triệu thùng. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu năng lượng đang yếu đi tại quốc gia tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất thế giới này.
Tâm lý của các nhà đầu tư cũng bị đè nặng bởi những thông tin không mấy lạc quan về thị trường lao động và lĩnh vực dịch vụ của Mỹ. Trong tháng Tư vừa qua, khu vực tư nhân của nền kinh tế số 1 thế giới này chỉ tạo được 179.000 việc làm, so với mức 207.000 việc làm của tháng 3.
Ngoài ra, áp lực đối với giá dầu còn đến từ thông tin của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC. OPEC đang xem xét có thể nâng mức trần sản lượng tại cuộc họp vào tháng 6 tới nhằm thể hiện rằng tổ chức này muốn góp phần ngăn chặn mọi tác động của sự gia tăng chi phí nhiên liệu lên đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Thanh Tâm