Quyết định của Nga duy trì lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc cho tới cuối năm 2011 một lần nữa làm tăng khả năng tái diễn cuộc khủng hoảng lương thực hồi năm 2008 và sau đó là tình trạng bạo lực và biến động trên khắp toàn cầu.

Ảnh minh họa

Trong khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin thông báo quyết định này trong một cuộc họp chính phủ ngày 2/9, ít nhất 6 người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn ở Mozambique do giá lương thực tăng. Hơn 100 người đã bị thương trong cuộc bạo loạn gây chết người ở Maputô, thủ đô của đất nước Nam Phi này, nơi giá một ổ bánh mỳ đã tăng tới 25%.

Quyết định của Nga có thể góp phần làm giá lương thực trên toàn cầu tăng cao hơn, điều khiến các nhà phân tích lo ngại cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007 – 2008 có thể trở lại và tình trạng bất ổn tương tự do giá lương thực sẽ sớm xảy ra ở những nơi khác trên thế giới.

Lo ngại của các nhà phân tích không phải là không có lý do. Trong cuộc họp chính phủ, ông Putin nói, Nga có thể gia hạn lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc cho tới cuối năm sau "để không tạo ra sự lo lắng không cần thiết, bảo đảm sự ổn định và khả năng dự báo kinh doanh cho tất cả các doanh nghiệp trên thị trường".

Quyết định của Nga, nước xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ tư thế giới, đã khiến giá lúa mỳ trên thị trường quốc tế tăng lên mức cao kỷ lục trong hai năm qua. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, tổ chức này mới đây đã hạ bớt dự báo sản lượng lúa mỳ của thế giới trong năm nay xuống còn 648 triệu tấn, giảm 5% so với năm ngoái song vẫn là mức cao thứ ba kể từ trước tới nay.

Theo tổ chức này, giá lương thực thế giới trong tháng 8 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2008. FAO tuyên bố trên trang web của mình: "Trong vài tuần qua, giá lúa mỳ trên thị trường quốc tế đã bất ngờ tăng do những lo ngại về thiếu nguồn cung".

Ngoài Nga, hạn hán nghiêm trọng và nắng nóng khắp thế giới cũng đã tàn phá mùa màng tại nhiều nước như Ukraina, Đức, Ba Lan, Hunggari và miền bắc nước Pháp, khiến sản lượng ngũ cốc ở những nơi này suy giảm. Hơn nữa, điều kiện thời tiết khắc nghiệt có thể có ảnh hưởng thậm chí là lâu dài hơn vì chúng có thể làm điều kiện gieo trồng mùa màng cho năm tới trong mùa đông năm nay trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, khả năng tái diễn cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 là ít, bấp chấp những dấu hiệu đáng ngại này. Chen Fengying, chiến lược gia cao cấp làm việc cho Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc phát biểu với hãng tin Trung Hoa xã: "Không có nhiều khả năng tái diễn cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008".

Theo Chen Fengying, có những sự khác biệt rõ rệt giữa tình hình giá lương thực hiện nay với mùa xuân năm 2008. Chen cho rằng, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008 là do đầu cơ trên thị trường, việc sản xuất nhiên liệu sinh học của Mỹ và giá dầu cao. Chen phân tích: "Đầu cơ trên thị trường lương thực toàn cầu hiện nay không tràn lan như năm 2008", đặc biệt sau khi Mỹ hồi tháng 7 ký ban hành dự luật cải cách quy định tài chính nhằm ngăn chặn đầu cơ.

Hơn nữa, bà cho biết thêm, sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai và thứ ba ở Mỹ hiện nay ít cần ngũ cốc hơn. Theo bà, thủ phạm chính dẫn tới giá lương thực tăng hiện nay là thiên tai. Bà nói: "Thiên tai trên toàn thế giới là những vấn đề chính", song cho biết thêm, thiên tai chưa ảnh hưởng lớn đến sản lượng ngũ cốc và nông sản ở Bắc Mỹ và châu Âu.

THVL
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *