Những người không nghèo sống trong một quốc gia giàu có thì lại chăm chỉ tự nguyện, đối xử với tiền bạc thận trọng, điềm tĩnh lo toan đến tương lai một cách chủ động. Còn những nông dân nhiều tiền do bán đất của ta có phần hơi khác : dễ dãi với tiền bạc, và tương lai là khái niệm xa vời…

Một miền quê ở Na Uy (Ảnh nguồn : Internet)

Chuyện thứ nhất : Những người không nghèo trong một đất nước giàu

Na Uy là một đất nước xa xôi nằm ở vùng Bắc Âu, có diện tích nhỏ hơn nước ta một chút (307.860 km2), tổng thu nhập quốc nội (GDP/PPP) tới 194,7 tỷ USD (2005). Đất nước này có GDP bình quân đầu người đứng thứ 3 châu Âu (43.574 USD), chỉ sau Luxembourg (80.471 USD) và Ireland (44.038 USD). Ít ai biết rằng, Na Uy là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí thiên nhiên đứng vào hàng thứ ba trên thế giới (chỉ sau Ả-rập Xê-út và Nga).

Chúng tôi đến Na Uy vào tháng 9/2005. Năm ấy, từ tháng 3 đến tháng 9, giá dầu thế giới tăng vùn vụt từ 23 USD/thùng lên gần 70 USD/thùng, khiến quĩ tiền để dành thu được từ dầu mỏ của nước này tăng thêm 30 tỷ USD, đạt 1.000 tỷ NOK, (tương đương ~ 156.2 tỷ USD, ~ 2,5 nghìn nghìn tỷ VND).

Với dân số 4,6 triệu người, trung bình mỗi người có 36 nghìn đô-la. Nhân dân Na Uy lo lắng về viễn cảnh một ngày nào đó trong hai thập niên tới, nguồn dầu mỏ của họ sẽ bị cạn kiệt và nền kinh tế của họ sẽ xuống dốc.

Chính vì thế, trong một thời gian dài, Na Uy đã để ra một phần thặng dư ngân sách và lập nên quỹ dầu mỏ chính phủ. Sau đó, đem tiền từ nguồn này đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù vậy, người Na Uy vẫn làm việc thật chăm chỉ và sinh hoạt rất tiết kiệm.

Cuộc sống thường nhật của một ông chủ…

Ngôi nhà tự xây của ông Finne – Ảnh nguồn : Hanoi Data

Ông Finne là Chủ tịch Công ty Vianova System, một công ty phần mềm máy tính, có chi nhánh trên hàng chục quốc gia, doanh số hàng năm 20 – 25 triệu USD. Ông ở trong một ngôi nhà nhỏ gần Drammen, cách nơi làm việc chừng 50km.

Hàng ngày, ông dậy sớm với bữa sáng tại nhà, kiểm tra thư từ các nơi gửi đến. Sau đó, ông đi bộ gần 1 km từ nhà ra ga xe lửa. Trên tàu, ông soạn thư trả lời.

Đến văn phòng công ty ở Sandvika, ông gửi thư và bắt đầu công việc đến trưa. Hình ảnh các ông chủ và nhân viên mang cả suất ăn trưa vào phòng họp vừa ăn, uống, vừa thảo luận công việc là hết sức bình thường.

Mỗi ngày làm việc từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, riêng ngày thứ 6, ông Finne đi làm sáng bằng ô-tô bán tải, chiều chở bộ cửa, các thiệt bị điện hay các bao xi-măng từ thành phố về nhà – các vật dụng cần thiết để tự xây ngôi nhà của mình.

Ông Finne là Chủ tịch một công ty phần mềm máy tính, có chi nhánh trên hàng chục quốc gia, doanh số hàng năm 20 – 25 triệu USD. Ông ở trong một ngôi nhà nhỏ gần Drammen, cách nơi làm việc chừng 50km. Hàng ngày, ông dậy sớm với bữa sáng tại nhà, kiểm tra thư từ các nơi gửi đến. Sau đó, ông đi bộ gần 1 km từ nhà ra ga xe lửa. Trên tàu, ông soạn thư trả lời. Đến văn phòng công ty ở Sandvika, ông gửi thư và bắt đầu công việc đến trưa. Hình ảnh các ông chủ và nhân viên mang cả suất ăn trưa vào phòng họp vừa ăn, uống, vừa thảo luận công việc là hết sức bình thường. Mỗi ngày làm việc từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, riêng ngày thứ 6, ông Finne đi làm sáng bằng ô-tô bán tải, chiều chở bộ cửa, các thiệt bị điện hay các bao xi-măng từ thành phố về nhà – các vật dụng cần thiết để tự xây ngôi nhà của mình.

Một "ông Tây" (trên nóc nhà) đang tự xây nhà mình – Ảnh nguồn : Hanoi Data

Ở Na Uy, thuê được nhân công rất khó do tỷ lệ thất nghiệp là 0%. Mặt khác, khi trả tiền thuê nhân công, người thuê còn phải trả tiền thuế. Khoản tiền này khá, chiếm gần 30% thu nhập. Đây cũng là thí dụ về sự chặt chẽ của hệ thống thuế khoá.

Ngôi nhà của ông tự xây dựng vào các ngày nghỉ trong 4 năm mới xong, có trị giá (cả tiền mua đất) là gần 400.000 USD. Trên khắp các nẻo đường vào ngày thứ bảy, chủ nhật, cảnh các "ông Tây" hì hụi cưa đục, tự xây nhà rất phổ biến. Tự xây nhà cũng từ đó trở thành một thú vui của người châu Âu.

và của… một nhân viên

Một con suối trong rừng ở Na Uy như thế này có thể trở thành một trạm thủy điện nhỏ – Ảnh nguồn : Hanoi Data

Anh Hollyz* là một nhân viên Công ty Vianova System –  một kỹ sư CNTT, nhưng cũng là một nông dân. Hollyz chỉ làm nửa ngày ở công ty. Buổi chiều, anh ở nhà trồng khoai tây. Trang trại của anh chừng 1 ha nằm ở sát núi.

Phía sau trang trại có con suối nhỏ, Hollyz đã mua luôn con suối và đầu tư 200.000 USD để làm một trạm thuỷ điện nhỏ, vừa cấp nước cho trang trại, vừa bán điện cho lưới điện quốc gia. Trạm thuỷ điện của Hollyz trông giống một cối xay gió… không có cánh quạt.

Những cánh đồng không chia lô, ngăn thửa ở Na Uy – Ảnh nguồn : Hanoi Data

 
Sau mỗi ngày làm việc tất bật (tất nhiên có máy móc hỗ trợ), Hollyz bật máy tính lên xem Công ty Điện lực tự động trả tiền vào tài khoản của mình bao nhiêu. Riêng khoản này, mỗi năm anh ta cũng thu được khoảng 25.000 USD.

Hai con người trên chưa phải là người giàu, nhưng chắc họ không nghèo, thu nhập tại Công ty Vianova System (sau thuế) của họ khoảng 2.000 – 5.000 USD/ tháng tuỳ theo vị trí trong công ty, nhưng ta có thể thấy họ chăm chỉ làm việc như thế nào.

Theo thống kê của Cục Thống kê Lao động Mỹ thì người lao động tại Na Uy là những người lao động có năng suất cao nhất thế giới. Tính trung bình mỗi giờ làm việc, người lao động tại đây đóng góp tới gần 75 USD cho GDP của nước này.

Chuyện thứ hai : Những người nhiều tiền trong đất nước chưa giàu

Trong cùng một bảng phân hạng quốc gia trên, Việt Nam ta đứng thứ 123 trong tổng số 179 quốc gia (cùng một cách tính thì thu nhập bình quân của Việt Nam bằng 1/14 Na Uy).

Trên thế giới còn tới 56 quốc gia vùng lãnh thổ nghèo hơn ta, tuy vậy, nước ta vẫn là nước chưa giàu.

Nhà nhà thi nhau xẻ đất để bán, để… xây nhà – Ảnh nguồn : Hanoi Data

Nhưng có một thực tế là ở nước ta lại có không ít người đã giàu lên rất nhanh, giàu hơn lúc nghèo nhiều lần. Đó chính là những người nông dân ở Hà Tây bán đất trong thời gian gần đây. Từ khi có thông tin Hà Nội “ôm” toàn bộ tỉnh Hà Tây, thì giá đất (kể cả đất nông nghiệp mua bán trao tay) bị thổi lên vùn vụt, cao đến mức chóng mặt.

Người dân chỉ cần nhượng lại một vài sào đất ruộng, một mảnh đất vườn là đã có hàng trăm triệu đồng, thậm chí có bạc tỷ. Cũng vì một chốc bỗng được đổi đời như thế nên nhà nhà, người người thi nhau xẻ đất để bán.

Có làng chỉ có 500 – 600 hộ, nhưng đã có tới hơn 100 gia đình đang xây dựng nhà cửa kiên cố. Người nông dân nghèo khó, lam lũ bỗng hoá thành “tỷ phú” trong chốc lát.

Nhiều người sung sướng vì không còn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cắm từng cây mạ, thấp thỏm lo từng vụ gặt… nữa. Một người dân ở xã Kim Chung tự hào chỉ tay vào ngôi nhà vừa mới xây xong và nói : “Làm nhà, mua sắm tiện nghi…tất cả nhờ vào bán đất đấy anh ạ”.

Chiếc ô tô này được mua từ tiền bán đất ruộng ở nông thôn An Khánh, Hà Tây – Ảnh nguồn : Hanoi Data

Xã An Khánh còn có không ít nhà mua ô-tô, thậm chí ô-tô đẹp đằng khác. Chúng tôi gặp các bác nông dân hết ruộng đang là chủ một chiếc ô-tô láng cóng, bác tâm sự : “Không mua lúc này thì không bao giờ có ô-tô được, vì trước đây làm gì có tiền mà mơ, sau này tiêu hết rồi thì lấy gì mà mua."…

Có nhiều băn khoăn lo lắng cho tương lai của những ngưòi nông dân bán hết ruộng cày, nhưng chuyện họ có ngay một lúc nhiều tiền là có thật.

Cũng không biết là nên mừng hay trách họ đây khi thấy bà con đang vung tay mua sắm tiện nghi đắt tiền, hưởng thụ những vật dụng mà có lẽ không biết bao đời làm lụng vất vả mà chẳng thể có được.

Buôn tầu bán bè, không bằng ăn dè hà tiện

Người Việt Nam lạc quan… (Ảnh : Minh Trường)

 
Từ hai câu chuyện, ta thấy những người không nghèo sống trong một quốc gia giàu có, họ là những người chăm chỉ tự nguyện, đối xử với tiền bạc thận trọng, họ điềm tĩnh lo toan đến tương lai một cách tự giác và chủ động. Họ gắn trách nhiệm cá nhân với cộng đồng một cách chặt chẽ qua việc đóng thuế và từng hành vi liên quan đến bảo vệ thiên nhiên, môi trường.

Mặt khác, kỹ thuật quản lý xã hội phát triển cao cũng rèn luyện họ thành những công dân có trách nhiệm : không có công lao nào bị bỏ sót, không có thiếu sót nào mà không bị điều chỉnh xử lý.

Những nông dân nhiều tiền do bán đất của ta có phần hơi khác : đối với tiền bạc có phần dễ dãi, tương lai với họ là khái niệm có thể xa vời vì hai khả năng : nó quá phức tạp đối với bản chất đơn giản chất phác, hoặc giả không thể định liệu gì vì rất bị động, do phụ thuộc vào rất nhiều thứ không có tên gọi cụ thể.

Tuy vậy, hầu hết họ vẫn là những người lạc quan, luôn chờ đợi nhiều thứ không biết sẽ từ đâu đem tới : "Làng tôi sắp có đường đi qua, dự án về làng nhiều lắm, nghe đâu nước ngoài đầu tư nhiều tỷ đô-la, mai kia có nhà máy, nghĩa trang, bãi đổ rác, chợ v.v… ". Nhiều bài báo gần đây nhắc đến cụm từ thiệt thòi, bất ổn, thiếu định hướng v.v… khi đề cập tới cuộc sống vật chất và tinh thần của bà con ở nông thôn.

Nhưng ngay trong lúc này, họ thực sự hồ hởi trong không khí đổi đời trong "chớp mắt" này. Ở quy mô lớn của nền kinh tế, các thống kê cho thấy, trong khi hiệu quả đầu tư thấp, năng suất lao động cũng không cao thì tiêu dùng ở khu vực công lẫn tư nhân lại tăng, đang hình thành một tâm lý tiêu dùng vượt quá khả năng thu nhập.

Trong giai đoạn khó khăn về tài chính như ở nước ta hiện nay, các vấn đề liên quan đến lạm phát và tốc độ tăng trưởng không chỉ giúp các nhà quản lý nhận rõ : “Ở Việt Nam tồn tại một nghịch lý là nước nghèo nhưng lại lãng phí trong sử dụng nguồn lực, đặc biệt là tài nguyên thiên nhiên. Hệ số sử dụng tài nguyên so với tăng trưởng GDP lớn hơn nhiều so với các nước giàu".

Giảm lạm phát, tăng cường tiết kiệm, hạn chế đầu tư tràn lan kém hiệu quả còn là cơ may cho bà con ta có thời gian chuẩn bị tốt hơn trước làn sóng thu hồi đất ruộng để làm đô thị và công nghiệp.

Trần Huy Ánh – Vietnamweek

———————————

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *