Trong bộ sưu tập của ông có đến vài chục tác phẩm lớn nhỏ của danh họa họ Bùi. Rồi tranh của Nguyễn Tư Nghiêm ông trân trọng và giữ cả bản thảo đến bản chính. Hay đó là bức Vũ trụ của Nguyễn Sáng ông phải “giành giật” với một nhà buôn người Nhật mới giữ được…

Căn phòng độ 20m2 trên gác 2 ngõ 93 phố Hàng Buồm có lẽ vẫn như mấy chục năm về trước. Ngõ vẫn tối và sâu hút hút, nhưng bậc cầu thang dẫn lên nhà ông Bổng đã thưa hẳn bóng những tài tử, văn nhân vang bóng một thời. Những nhà văn như Nguyễn Tuân, Phùng Quán, Trần Dần, Vũ Cao hay các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Trịnh Cung và đôi khi cả nhạc sỹ Văn Cao.
Con đường mà ông Phạm Văn Bổng đến với thế giới hội họa và văn chương hoàn toàn tình cờ. Thời cuộc kháng chiến chống Pháp, trong một trận thắng, quân đội ta tràn vào trận địa Pháp và thu nhặt những chiến lợi phẩm là khí cụ quân sự và những vật có giá trị. Không ai để ý đến vài bức tranh treo trên tường. Anh lính pháo binh Phạm Văn Bổng thấy hay hay nên gỡ chúng ra khỏi những tấm khung, cuộn lại cẩn thận rồi cất kỹ vào trong ba lô. Đấy là những bức tranh đầu tiên, và là hoạt động sưu tầm đầu tiên trong cuộc đời đắm đuối với thú chơi này của ông Bổng.

Cũng thật lạ. Ông Bổng không phải là nhà văn, họa sĩ hay nhạc sĩ vậy mà rất thân thiết với các văn nghệ sĩ, đến độ Nguyễn Tuân một người có tiếng là cá tính và “kén” bạn vậy mà vẫn nhớ gửi “cho ông Bổng chai nước mắm” thì quả thực… ngẫm ra họ đến với nhau vì cái tình. “Ông Bổng, chai nước mắm gửi ông đây, xin dùng ngay đi. Rồi ông cho biết cảm tưởng ngay. Chưa phải là thượng hảo nhưng hoàn cảnh này, thế cũng là được được. Cái vỏ chai lit, tôi lại thấy vui vui – Ký tên: Nguyễn Tuân”.

“Như vậy đấy! trong thời buổi khó khăn đến không có gạo mà ăn vậy mà các cụ lại có một niềm đam mê như vậy thì cũng đáng nể”. Anh Phạm Phú Tín con trai ông Bổng kể. Giới sưu tập Hà Thành kể cũng nhiều người “dị”. Ban đầu họ là một nhóm người đã có sẵn những món đồ cổ và họ vốn là những tay chơi đồ cổ, họ chỉ sành sỏi và hiểu về đồ cổ hoặc tiền cổ. Sau này khi tiếp xúc và học hỏi ở giới nhà văn, họa sĩ, nhiều người trong số họ đã trở thành những chuyên gia với con mắt xem tranh, trân trọng văn học thực sự chuẩn xác. Có thể nhắc đến những: Đức Minh, Bá Đạm, Lâm Toét, Trần Thịnh, Huệ Tóc Bạc, Tô Ninh… Con số những người sưu tập ấy, dẫu không nhiều nhưng thực sự có chất lượng và rất có “gu” và mỗi người tìm một lối để sưu tập.

Còn nhớ dạo trước, khi tôi đến thăm, ông yếu lắm nhưng vẫn nhúc nhắc đi lại được. Còn hiện tại, tôi chỉ được nghe con trai ông – anh Phạm Phú Tín – bình luận về bộ sưu tập của cha mình.

Ông Bổng quý họ, quý luôn cả những sản phẩm tinh thần của họ. Cái gì thuộc về văn nghệ sĩ là ông yêu quý, tình cảm giản dị đã khiến… ông trở thành một nhà sưu tập rồi đam mê lúc nào không hay. Đi kháng chiến về rồi làm bên Vụ Tuyên huấn (Bộ Nông nghiệp). Ông Bổng chưa một lần ngồi trên ghế trường nghệ thuật, nhưng bản năng thẩm mĩ tốt cộng với một ý thức “đam mê cái đẹp” dẫn đến khả năng phát hiện những họa sĩ, nhà văn và tác phẩm hơn người.

 
Bộ sưu tập của ông Nghiêm.

Trong bộ sưu tập của ông có đến vài chục tác phẩm lớn nhỏ của danh họa họ Bùi. Rồi tranh của Nguyễn Tư Nghiêm ông trân trọng và giữ cả bản thảo đến bản chính. Hay đó là bức Vũ trụ của Nguyễn Sáng ông phải “giành giật” với một nhà buôn người Nhật mới giữ được.

Nhưng có lẽ độc đáo hơn cả là bộ sưu tập những bản thảo của những nhà văn. Dường như tất cả bạn văn, bạn vẽ đều coi ông là người xứng đáng nhất để thẩm định những tác phẩm của mình. Có khi đó chỉ là mẩu giấy nhỏ ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của các họa sỹ trong quá trình sáng tạo như bức thư của Lưu Công Nhân viết năm 1974 khi họa sĩ bắt đầu suy nghĩ về hội họa trừu tượng.

Nhưng có lẽ bản thảo nhiều nhất mà ông sưu tập được là của nhà văn Nguyễn Tuân. Có khi ông Bổng tự đến lấy, có khi nhà văn tự cầm đến cho ông, cũng nhiều khi Nguyễn Tuân nhờ người cầm đến. Và không quên gửi cho ông Bổng đôi lời kiểu như: “Tuần báo người Hà Nội số sắp ra sẽ in một truyện ngắn “Đôi bướm Việt – Xô” tôi viết cho lứa tuổi từ 9-100 tuổi, xin thông báo” hay “một tập bản thảo để ông so sánh với bản thật xem có khác nhau không, xem thú vị ở chỗ nào”.

Rồi bản thảo của nhà văn Kim Lân, gần 20 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và mới nhất là của Nguyễn Thị Thu Huệ và Phạm Thị Hoài…, tất cả đều được ông cất giữ một cách có hệ thống.

Mỗi người có một cách khác nhau để thỏa mãn cho bộ sưu tập của mình. Nếu như ông Lâm cà phê đến với tranh dễ như người ta mua rau (bức tranh nào ông cũng nhận), nhà sưu tập Đức Minh (tên thật là Bùi Đình Thản) sưu tập một cách tỉnh táo như một nhà buôn (bản thân ông là một thương gia), thì ông Bổng lại có bộ sưu tập của riêng mình bằng tình bằng hữu nên bộ sưu tập của ông rất có “hồn”. Ông Bổng và hiện tại là anh Tín thưởng thức bộ sưu tập bằng cách… bảo quản. Thỉnh thoảng anh lại bỏ ra để lau rồi ngắm, chiêm nghiệm nhớ lại những gì đã qua.

Hiện tại, ông Đức Minh và ông Lâm cũng đã qua đời. Tài sản của họ để lại cũng có phần bị suy suyển, không còn được nguyên như trước. Anh Tín bảo: “Đạo sưu tập thì “nó” lạ lắm! Biết trân trọng nó thì quý vật ắt tự tìm quý nhân”. Và đương nhiên, anh sẽ tiếp tục giữ bộ sưu tập của cha mình như một bảo vật của gia đình. Nghe anh nói, tôi cũng mừng.

Theo Nguyễn Minh – Sức khỏe và đời sống
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *