Bên bờ hạnh phúc

Francoise Sagan là một hiện tượng độc đáo bậc nhất của văn đàn Pháp thế kỷ XX. Tác phẩm đầu tay "Buồn ơi chào mi" (Bonjour tristesse) được in ra khi bà mới 19 tuổi đã gây tiếng vang rộng khắp. Ngay năm đầu tiên sách đã được ấn hành tới cả triệu bản và nhanh chóng được dịch ra 15 thứ tiếng. Suốt mấy chục năm sáng tác sau đó, không khi nào Sagan còn gặt hái được một thành công tương tự.

Bị đánh giá là tác giả của loại văn chương giải trí, suốt đời mình, mặc dù là một trong những nhà văn Pháp nổi tiếng thế giới, song Sagan chưa bao giờ nhận được một giải thưởng văn học chính thức nào. Dẫu vậy, khi Sagan mất đi, Tổng thống Jacques Chirac đã dành cho bà những lời lẽ hết sức trân trọng. Ông khẳng định Sagan là "một nhân vật hàng đầu trong thế hệ của bà đã giúp nâng cao địa vị của người phụ nữ trong xã hội Pháp", là "một trong những văn sĩ có tài năng và sức ảnh hưởng bậc nhất"…

Francoise Sagan tên thật là Francoise Quoirez. Bà sinh ngày 21 tháng 6 năm 1935 tại Cajarc, một địa danh nằm ở Tây Nam nước Pháp.

Quoirez đến với văn chương từ rất sớm. Gia đình bà là một gia đình khá giả, có một thư viện lớn với đủ loại sách, kể cả những sách bị "cấm". Trong các tác giả mà cô bé Quoirez được đọc từ nhỏ, mặc dù không thuộc dạng dễ hiểu song cô vẫn rất mê các tác phẩm của Marcel Proust (tác giả của "Đi tìm thời gian đã mất"). Cô ngấu nghiến đọc tất cả những tác phẩm của nhà văn này mà cô có được.

Quoirez nhớ đến nằm lòng các nhân vật trong sách của Proust, nhớ từng pha diễn biến tâm lý, từng sự cố xảy đến với cuộc sống của họ. Giữa cô và Proust vô tình có nhiều điểm tương đồng: Cả hai gia đình cùng ở phố Malesaherbes. Nhà của Proust ở số 9, còn nhà Quoirez ở số 167. Cả Proust và Quoirez đều chung sở thích là mê đánh bài, cùng có lối sống tiêu tiền như nước. Họ đều yêu thích thiên nhiên của vùng Normandy và Deauville. Biết Proust có một cái giường bằng đồng, Quoirez cũng cất công tìm cho bằng được một cái tương tự. Năm 1954, khi chuẩn bị xuất bản cuốn truyện đầu tay "Buồn ơi chào mi", bởi bố mẹ Quoirez không muốn cô dùng tên thật (họ ngại điều tiếng vì chưa biết phản ứng của xã hội với cuốn sách của con gái mình ra sao), để chiều lòng các bậc sinh thành, Quoirez đã buộc phải chọn cho mình một cái bút danh và cái bút danh ấy nữ tác giả trẻ chẳng phải tìm đâu xa: Nó là tên một nhân vật trong tác phẩm "Đi tìm thời gian đã mất" của Proust. Francoise Quoirez trở thành Francoise Sagan từ đó. Theo người thư ký của Sagan sau này kể lại, từng có lúc nữ tác giả so sánh mình với Proust và thốt lên rằng: "Proust là một thiên tài, còn Sagan thì có tài".

Nữ văn sĩ Francoise Sagan.

 

Sagan bắt tay viết tiểu thuyết "Buồn ơi chào mi" trong kỳ nghỉ hè năm 1953. Cuốn sách được hoàn thành rất nhanh, chỉ trong vòng hơn một tháng. Tên cuốn sách "Bonjour tristesse" được trích từ hai câu thơ "Adieu tristesse/Bonjour tristesse" của thi sĩ Paul Eluard. Nội dung chính của cuốn sách kể về một thiếu nữ 17 tuổi tên gọi Cécile. Đó là một cô gái rất được nuông chiều, lại đang trong tâm trạng buồn chán vì trượt thi. Khi biết bố mình – một người đàn ông góa vợ – đang có ý định làm đám cưới với người bạn cũ của mẹ mình, Cécile – với sự giúp đỡ của một bạn trai là sinh viên luật – đã lập mưu ly gián hai người bằng việc bố trí để người đàn bà đó chứng kiến cảnh bố cô "thân mật" với một người phụ nữ khác. Kế hoạch thành công với kết cục là người đàn bà sắp làm lễ cưới với bố của Cécile đã lao xe vun vút trên đường và… tử nạn.

Sau khi tác phẩm hoàn thành, Sagan gửi bản thảo cho hai nhà xuất bản Plon và Julliard. Cuối cùng thì phần thắng đã thuộc về nhà xuất bản Julliard khi đại diện của nhà xuất bản chỉ đọc bản thảo trong một đêm và ngay sáng hôm sau thì quyết định đưa in.

Với số trang mỏng mảnh (chưa đầy 200 trang), cuốn sách ngay lập tức gây chấn động dư luận nước Pháp, nhất là giới trẻ. Song song với việc cuốn sách được phát hành với số lượng kỷ lục (tới cả triệu bản trong vòng một năm), nữ tác giả trẻ cũng đã bị một số nhà phê bình bảo thủ gán cho danh hiệu: "người phát ngôn của một thế hệ hư hỏng" và là "kẻ đề cao chủ nghĩa hưởng lạc".

Bởi vinh quang đến quá sớm và quá nhanh chóng (khi ấy nữ tác giả mới 19 tuổi) nên thoạt đầu có nhiều người không tin Sagan là tác giả đích thực của "Buồn ơi chào mi". Họ ngờ cuốn sách được ông bố của Sagan viết, hoặc thuê ai đó chấp bút. Bản thân Marie – Thérèse Bartoli, một thư ký riêng của Sagan cũng lấy làm ngạc nhiên tự hỏi: Không hiểu sao một người con gái ở tuổi ấy lại có thể viết một cách "xấc xược" và "trải đời" đến vậy. "Rõ ràng, ở vào tuổi 19, bà ấy chưa bao giờ biết đến những hộp đêm, đến ma túy, đến cờ bạc, đến chạy xe tốc độ cao, không biết những chuyện điên khùng và rượu Whisky…" – Marie – Thérèse Bartoli đã không ít lần nêu thắc mắc như vậy, để rồi sau đó tự tìm ra câu trả lời: "Sagan thông minh, lanh lợi và trưởng thành sớm hơn những cô gái cùng trang lứa".

Vốn được nuông chiều từ nhỏ, giờ lại sẵn bạc triệu nhuận bút trong tay, Sagan tha hồ phung phí vào việc tiêu xài, mua sắm các loại vật dụng đắt tiền. Cô thay xe như thay áo và bố mẹ cô dường như cũng cổ vũ cho sự tiêu pha bốc giời đó. Sagan thuộc típ người thích lối sống xông pha, mạnh mẽ. Cô thích đua xe, thích hút cần sa, uống rượu mạnh và đặc biệt thích tận hưởng thú vui của những cuộc bài bạc mang tính sát phạt. Đã có lần, vào năm 1960, Sagan chơi bạc thâu đêm cùng một số bạn hữu và thắng tới 8 triệu francs, số tiền đủ để cô mua ngay căn nhà mà cô đang thuê. Lại có lần, cô cùng chúng bạn lên máy bay sang tận Italia chỉ để dùng một… bữa cơm tối. Một lần, cùng Tổng thống Francois Mitterrand công du sang Colombia, vì sử dụng ma túy quá liều, Sagan phê thuốc và hút chết vì lúc ngất xỉu, chỉ có một mình trong khách sạn. Sagan từng phát biểu trước công luận: "Tôi sẽ sống rất cẩu thả nếu tôi không viết và tôi sẽ viết rất cẩu thả nếu tôi không sống".

Xinh đẹp và thông minh, nhưng với lối sống đầy cá tính, ưa thích "nổi loạn" của mình, Sagan đã gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống riêng tư. Năm 1958, Sagan kết hôn với Guy Schoeller – một người lớn gấp đôi tuổi cô và đang hoạt động trong lĩnh vực xuất bản. Hai năm sau họ ly dị. Năm 1962, Sagan tái hôn với nhà thiết kế đồ gốm người Mỹ Bob Westhof. Họ có với nhau một cậu con trai nhưng chỉ một năm sau, cuộc hôn nhân cũng lại kết thúc bằng một vụ ly dị. Khi chia tay người chồng đầu tiên, Sagan đã tâm sự với báo giới: "Thường thì phải 4 giờ sáng tôi mới lên giường, còn chồng tôi thì thức dậy lúc 7h. Chúng tôi đã suy nghĩ nhiều rồi. Nói chung không thể kéo dài cuộc sống thế này mãi được".

Với người chồng thứ hai, năm 1963, khi ra tòa, Sagan đã cho biết lý do họ chia tay nhau: "Ông ấy thích gốm hơn vợ".

Sau thành công của cuốn tiểu thuyết đầu tay, Sagan tiếp tục theo đuổi đề tài tình yêu, song độc giả không còn quá mặn mà với sách của bà như với "Buồn ơi chào mi" nữa. Những cuốn sách xuất bản những năm cuối đời của bà, có cuốn thậm chí chỉ phát hành được… vài trăm bản.

Cho tới thời điểm trước khi mất, Francoise Sagan đã sáng tác trên 30 cuốn truyện và 9 vở kịch. Có những tác phẩm đã được dựng thành phim, tuy nhiên, dù đã là một trong những nhà văn Pháp nổi tiếng trên thế giới nhưng chưa bao giờ Sagan đoạt bất kỳ giải thưởng văn học chính thức nào.

Francoise Sagan thường nói rằng, nhiều lúc bà cầm bút viết văn chỉ vì tiền. Bà cũng tự nhận mình là người ham vui và rất ngại viết, nhưng hễ đã cầm bút là viết rất nhanh, chỉ dăm bữa nửa tháng là xong một cuốn. Những năm cuối đời, Sagan sống khá chật vật. Bà phải thường xuyên xin các nhà xuất bản ứng trước nhuận bút để rồi viết trả nợ. Năm 2002, bà bị kết án 12 tháng tù treo vì tội gian lận thuế. Tài sản, nhà cửa không còn, Sagan phải trông cậy vào sự giúp đỡ của bạn bè. Bà từng thổ lộ về nỗi túng bấn của mình: "Đến mua một bao thuốc lá cũng phải ngửa tay xin…".

Francoise Sagan qua đời ngày 24/9/2004 vì bệnh suy tim tại một bệnh viện của thành phố cảng Honfleur thuộc vùng Normandy, miền Nam nước Pháp. Nhiều vị lãnh đạo chính quyền từ trung ương đến địa phương đã tới đưa tiễn bà về nơi yên nghỉ cuối cùng. Các chính khách cũng không ngần ngại bày tỏ sự tiếc thương. Điều này khiến siêu sao màn bạc lừng lẫy một thời Brigitte Bardot phải mỉa mai: "Chết thì thế, vậy mà khi bà ấy còn sống, nào có mấy ai động cựa ngón tay giúp đỡ đâu!"

Trần Trọng Nghĩa – Theo CAND Online
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *