Bên bờ hạnh phúc
Ngày 1/12 hằng năm là ngày Thế giới phòng chống AIDS. Ảnh minh họa

Hôm qua (01/12), tại nhiều nước trên thế giới đã đồng loạt diễn ra các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS. Chặng đường 30 năm ngăn chặn HIV/AIDS của nhân loại – kể từ khi căn bệnh này được phát hiện – đến nay đã đủ để nhìn lại những kết quả đạt được. Theo giới chuyên môn, trong khoảng thời gian đó, mặc dù chưa có thuốc phòng ngừa và điều trị hữu hiệu, song cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ này đã có bước tiến đáng kể.

Theo báo cáo năm 2011 của Chương trình phòng chống HIV/AIDS của LHQ (UNAIDS), thế giới đã có những tiến bộ quan trọng về khoa học và nhiều lĩnh vực khác trong việc kiềm chế đại dịch HIV/AIDS. Cả số người nhiễm HIV lẫn số người chết liên quan tới AIDS đều giảm rõ rệt so với thời kỳ đỉnh điểm. Theo đó, các ca nhiễm mới HIV trên toàn thế giới giảm 21% so với năm 1997, số người chết liên quan đến AIDS giảm 21% so với năm 2005.

Theo UNAIDS một trong những thay đổi tích cực nhất giúp đạt được kết quả trên là số người được điều trị kịp thời tăng lên nhanh chóng. Hiện nay, khoảng một nửa trong số 14,2 triệu người cần điều trị AIDS ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình đã được tiếp cận các phương pháp điều trị. Con số 1,4 triệu người được điều trị HIV/AIDS thêm trong một năm qua cũng cho thấy tiến bộ to lớn trong cuộc chiến chống lại căn bệnh nguy hiểm này.

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay là thời điểm thuận lợi nhất để thế giới loại trừ thật sự căn bệnh chết người này. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều người lo ngại rằng, thế giới sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến chống lại đại dịch HIV/AIDS. Bởi lẽ, chính phủ tại các nước đang bị đại dịch AIDS hoành hành mong muốn triển khai những tiến bộ khoa học để đẩy lùi nó nhưng không thể thực hiện được khi thiếu nguồn tài chính. Trong khi đó, ngày 25-11 vừa qua, LHQ đã quyết định ngừng mọi chương trình mới chống HIV/AIDS ít nhất trong ba năm tới do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Những bất lợi trên đã khiến cuộc chiến chống AIDS trong ba năm tới càng trở nên khó khăn hơn.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc khôi phục tăng trưởng kinh tế và giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay, các nhà tài trợ trên thế giới cũng cần đưa những tiến bộ y học mới tới những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của AIDS. Nhưng cũng theo họ, mục tiêu quan trọng nhất của cuộc chiến chống lại căn bệnh AIDS vẫn sẽ là kêu gọi mọi người thay đổi hành vi, lối sống để đẩy lùi sự gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV.

Minh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *