Bên bờ hạnh phúc

Nhiều gia đình hiếm muộn có tâm lý lo lắng trong quá trình mang thai thụ tinh ống nghiệm, cho rằng thai IVF có nhiều nguy cơ hơn thai kỳ tự nhiên.

 

Theo ước tính, Việt Nam có khoảng 1 triệu cặp đôi trong độ tuổi sinh sản gặp phải tình trạng hiếm muộn và tỷ lệ phát hiện vô sinh đang có xu hướng tăng cao. Các phương pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó có thụ tinh ống nghiệm là phương pháp được nhiều người lựa chọn để có cơ hội mang thai và đón con yêu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều gia đình lo ngại về những nguy cơ khi thụ tinh ống nghiệm (IVF) và mang thai IVF.

Trong chương trình tư vấn trực tuyến “Thụ tinh ống nghiệm: Mang thai và Dưỡng thai” diễn ra vào tối 30/5 vừa qua, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khẳng định thai kỳ thụ tinh ống nghiệm và thai kỳ tự nhiên không có khác biệt, cả 2 thai kỳ đều có những nguy cơ nhất định, dựa trên các yếu tố độ tuổi, tiền sử bệnh của người mẹ, quá trình mang thai trước đó… Bên cạnh đó, những em bé thụ tinh ống nghiệm vẫn có đủ sức khỏe, quá trình phát triển không có khác biệt với em bé tự nhiên.

Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê – Bác sĩ cao cấp Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết thêm, bất kỳ quá trình mang thai nào, dù là thai IVF hay thai kỳ tự nhiên, đều có nguy cơ gặp phải những rủi ro như đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp khi mang thai, tiền sản giật… tùy theo các yếu tố nguy cơ như độ tuổi của người mẹ, tiền sử bệnh… Do đó, các sản phụ cần chú ý đảm bảo duy trì thăm khám đều đặn, đây là cơ sở để các bác sĩ theo dõi và kịp thời phát hiện các nguy cơ rủi ro để có những can thiệp kịp thời.

Bác sĩ Hiền Lê khuyến cáo các sản phụ cần chú ý thăm khám định kỳ trong suốt quá trình mang thai

Trong ba tháng đầu tiên, sản phụ mang thai thụ tinh ống nghiệm thường được kê thuốc nội tiết. Một khán giả gửi câu hỏi về chủ đề này: “Vợ em mang thai IVF được 8 tuần, giờ đang duy trì thuốc nội tiết nhưng lại nghén quá, mỗi lần uống đều kêu nôn nao cả người. Khi nào có thể dừng thuốc mà dừng có ảnh hưởng gì cho thai không?”.

Bác sĩ Lê Hoàng cho biết các loại thuốc hỗ trợ hoàng thể là bắt buộc đối với thai IVF sau khi chuyển phôi. Việc dừng sử dụng thuốc hoặc giảm liều dùng phải dựa trên thăm khám trực tiếp và các chỉ số xét nghiệm để tránh bất lợi cho sự phát triển của thai. Nôn nghén là hiện tượng khá thường gặp, tuy nhiên nếu nôn nghén nhiều có thể dẫn tới tình trạng mất nước, mất cân bằng điện giải và ảnh hưởng tới sức khỏe người mẹ. Trường hợp các sản phụ gặp tình trạng này nên tới bệnh viện thăm khám với bác sĩ để có chỉ định phù hợp.

Đối với người mẹ mang thai IVF trong 3 tháng đầu sử dụng thuốc nội tiết có thể gặp triệu chứng táo bón, do các thuốc nội tiết có tác dụng phụ làm giảm nhu động ruột. Bác sĩ Lê Hoàng khuyến cáo sản phụ nên ăn uống đủ chất, bổ sung nhiều chất xơ, uống đủ nước để tránh hiện tượng táo bón. Qua đó làm giảm áp lực ổ bụng, hạn chế co thắt tử cung và giảm ảnh hưởng tới thai.

Bác sĩ Lê Hoàng chia sẻ cách chăm sóc thai kỳ thụ tinh ống nghiệm

Một sai lầm khác nhiều gia đình hiếm muộn thường gặp phải là hạn chế vận động, tăng cường bồi bổ dinh dưỡng nhiều để thai nhi khỏe mạnh. Nhưng quan điểm này có thể khiến sản phụ tăng cân nhiều, kéo theo nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường… Một chế độ dinh dưỡng cân bằng và vận động nhẹ nhàng, vừa sức sẽ giúp người mẹ tăng cường sức khỏe, hỗ trợ cho quá trình sinh nở thuận lợi hơn, bên cạnh đó thai nhi cũng sẽ phát triển tốt.

Chia sẻ về vấn đề trầm cảm sau sinh, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê cho biết, không chỉ riêng với các sản phụ mang thai IVF mà những người mẹ mang thai tự nhiên cũng có thể gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên tâm lý mong con lâu năm cùng sự kỳ vọng của gia đình có thể khiến những người mẹ mang thai IVF có nguy cơ rơi vào trạng thái trầm cảm cao hơn. Để hạn chế nguy cơ trầm cảm sau sinh, người mẹ cần giữ tư duy tích cực, lạc quan; chia sẻ công việc chăm sóc em bé cho người thân; dành thời gian riêng cho người mẹ được nghỉ ngơi, thư giãn. Trường hợp người mẹ cảm thấy bế tắc, suy sụp cần tìm tới sự trợ giúp của bác sĩ sản khoa hoặc bác sĩ tâm lý.

                                                                                                                                                                              Khuê Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *