Bên bờ hạnh phúc

Lịch sử 21 năm kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam gắn liền với sự chỉ đạo tài tình của cơ quan Xứ ủy Nam bộ (trước 1960) và Trung ương Cục miền Nam (từ 1961 đến 1975). Ông Phan Văn Đáng, mà anh em đồng chí thường gọi thân mật là anh Hai Văn, là một trong những nhà lãnh đạo có mặt xuyên suốt ở hai cơ quan đó từ buổi đầu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng.

Ông Phan Văn Đáng (1919 – 1997)

Phan Văn Đáng sinh năm 1919 tại xã Mỹ Lộc, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long – một trong những vùng quê giàu truyền thống cách mạng của đất Vĩnh Trà. Ở quê ông, vào đầu năm 1930, khi xã Mỹ Hòa chưa có chi bộ cộng sản, cha ông, cụ Phan Văn Hòa và nhiều nhân sĩ tiến bộ đã quyết chí bơi xuồng đi tìm Đảng. Họ trở thành những đảng viên cộng sản đầu tiên ở đất Mỹ Hoà và cũng là những người thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở đây. Gia đình Phan Văn Đáng xuất thân từ giai cấp nông dân, nhưng cha ông là người giỏi tiếng Tây, biết chữ Nho, giỏi thơ ca và thích làm các điệu hò, vè theo các làn điệu của dân ca Nam bộ. Nét đặc biệt trong gia đình Phan Văn Đáng là cả 5 người trong gia đình : cha, mẹ (tức bà Nguyễn Thị Ngân), em gái, em trai của ông đều tham gia cách mạng từ rất sớm. Có lần như năm 1940, cả 5 người trong gia đình ông, mỗi người bị bắt một nơi trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi vào nhà tù của thực dân Pháp, cả cha mẹ và ba người con đều bị thực dân Pháp kết án vì tội làm “quốc sự” và cả nhà gặp nhau từ trong nhà tù đế quốc. Cha ông đã hy sinh trong nhà tù và 4 mẹ con ông sau nhiều năm giam cầm, tra tấn được chúng thả ra rồi lại tiếp tục đi làm cách mạng.

Thuở nhỏ, Phan Văn Đáng được gia đình cho đi học. Ông phải lên tận Ngã tư Long Hồ để học chương trình tiểu học. Năm 11 tuổi, cậu bé Phan Văn Đáng, nhờ cha là một trong những cán bộ Đảng ở địa phương dẫn dắt, đã sớm có ý thức về những công việc mà cha ông và các bậc cách mạng tiền bối trong xã hội đang làm. Chính cha ông là người đã lập ra “Nam hiệp thành” theo nghĩa “Người Việt Nam phải liên kết lại tranh đấu thì mới có thành công”. Đây là một cơ sở bí mật của Đảng ở Tam Bình, về sau là trụ sở Huyện ủy Tam Bình. “Nam hiệp thành” bề ngoài là tiệm tạp hóa do cha ông làm chủ tiệm, nhưng bên trong là nơi hội họp, bàn tính công việc của tổ chức Đảng ở Tam Bình. Từ “Nam hiệp thành”, 3 anh em Phan Văn Đáng sớm ý thức và đi theo cách mạng.

Năm 1938, gia đình hỏi vợ cho ông. Cưới vợ xong, ông lên Sài Gòn học vẽ quảng cáo để tạo thêm nghề để kiếm sống. Phong trào Đông Dương đại hội bị cấm đoán, thực dân Pháp tiến hành bắt bớ, đàn áp các phong trào cách mạng. Ngày 9 tháng 9 năm 1939, cha ông bị bắt, địch truy nã cả ông. Ông phải xa vợ con, thoát ly đi hoạt động. Cũng trong tháng 9 năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, ông càng ý thức trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Ông và em gái (tức là bà Phan Thị Tốt) đã thay phiên nhau đi diễn thuyết ở nhiều nơi trong vùng. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ vào đêm 23 rạng sáng ngày 24 tháng 11 năm 1940, với sự nhạy bén tuổi 20, ông đã tham gia rất tích cực. Trong cuộc khởi nghĩa này, quê ông là một trong hai quận ở Vĩnh Long đã cướp được chính quyền về tay nhân dân.

Sau khởi nghĩa Nam kỳ, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng phong trào cách mạng ở Đông Dương. Cuối năm 1940, ông bị chúng bắt. Qua nhiều nhà giam, nhiều trận đòn và mua chuộc, chúng không khai thác được gì ở ông, cuối cùng, chúng kết án khổ sai, đày ông ra Côn Đảo. Trong tù, mặc dù sức yếu sau nhiều lần bị đánh đập khảo tra của bọn cai ngục nhưng ông vẫn luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, đấu tranh không khoan nhượng với địch và bảo vệ, giúp đỡ anh em cùng cảnh tù đày.

Cách mạng tháng Tám thành công, trong nhiều chiến sĩ cách mạng được đón rước ở Côn Đảo về có Phan Văn Đáng. Người gầy yếu sau 5 năm sống trong cảnh tù Côn Đảo, nhưng khi được trở lại với phong trào, gặp anh em, đồng chí, đồng đội, ông rất vui mừng và hoạt động trở lại ngay. Tại cuộc họp cán bộ tỉnh Vĩnh Long tổ chức tại Ngã tư Long Hồ, ông Phan Văn Đáng và Nguyễn Văn Cung vào Ban chấp hành Tỉnh ủy. Sau cuộc họp, ông được phân công về chỉ đạo quận Tam Bình, còn ông Nguyễn Văn Cung được phân công chỉ đạo quận Vũng Liêm.

Cuối tháng 10 đầu tháng 11, thực dân Pháp chiếm lại tỉnh Vĩnh Long. Cơ quan Tỉnh ủy Vĩnh Long dời về Tam Bình. Pháp đánh chiếm rộng ra ở miền Nam, Đảng chủ trương đưa các cơ quan Đảng tạm thời rút vào hoạt động bí mật. Ngày 16 tháng 2 năm 1946, dưới sự chỉ đạo của Phan Văn Đáng, một đoàn cán bộ đầu tiên trở lại hoạt động, Ủy ban Mặt trận Việt Minh lâm thời tỉnh Vĩnh Long được thành lập do ông làm Chủ nhiệm và ông Nguyễn Văn Cung làm Phó Chủ nhiệm. Ủy ban này tập hợp đủ các giới : phụ nữ, thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức… nhằm vận động nhân dân trong tỉnh tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Với sự hoạt động tích cực của Ủy ban đi đôi với xây dựng lực lượng vũ trang, mở rộng Mặt trận, củng cố bộ máy… đã có hiệu quả lớn trong phong trào trừ gian diệt tề, đưa khí thế cách mạng lên cao, đẩy kẻ địch lùi từng bước vào thế phòng thủ với ta. Để mở rộng lực lượng, Phan Văn Đáng, Nguyễn Văn Cung và nhiều cán bộ cốt cán trong Ủy ban đã vận động nhiều nhân sĩ, trí thức tham gia phong trào kháng chiến. Nhiều người về sau là những trí thức cách mạng nổi tiếng.

Tháng 7 năm 1946, Tỉnh ủy lâm thời Vĩnh Long được hình thành lập gồm 7 người, Phan Văn Đáng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời. Cùng với việc Tỉnh ủy lâm thời được thành lập lại, tổ chức Đảng ở các quận, xã, bộ máy chính quyền cách mạng, các đoàn thể cũng đã được tái thành lập. Sau khi Tỉnh ủy Vĩnh Trà thành lập (sát nhập Trà Vinh và Vĩnh Long), ông Phạm Thái Bường được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, ông Phan Văn Đáng được bầu Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, tình hình cách mạng hai miền Nam Bắc có thay đổi về chỉ đạo chiến lược. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ đang từng bước thay chân thực dân Pháp, dùng con bài Ngô Đình Diệm để cố tình ngăn cản việc thi hành những điều khoản của Hiệp định Giơnevơ. Trung ương Đảng quyết định thành lập Xứ ủy Nam bộ ở miền Nam để chỉ đạo sát tình hình cách mạng trong điều kiện mới. Vào năm 1954, Xứ ủy Nam bộ được thành lập do ông Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy, ông Phan Văn Đáng được bầu làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam bộ. Đến năm 1960, tình hình cách mạng miền Nam đã có nhiều bước chuyển biến về chất. Phong trào Đồng khởi lan rộng khắp miền Nam. Nghị quyết 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) như một luồng gió mới thổi vào làm bùng lên ngọn lửa cách mạng vốn đã âm ỉ lâu ngày trong nhân dân miền Nam. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp từ ngày 05 đến 13/9/1960 tại Hà Nội, ông Phan Văn Đáng và đoàn đại biểu của Đảng bộ miền Nam dự đại hội đã đưa tiếng nói của nhân dân miền Nam đang đấu tranh chống Mỹ – Diệm đến diễn đàn đại hội. Tại đại hội này, ông đã được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ sau Đại hội III của Đảng, với hai nhiệm vụ chiến lược “Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và xây dựng CNXH ở miền Bắc”, cách mạng miền Nam đã được Đảng xác định cụ thể, rõ ràng hơn, có phương châm, phương pháp và bước đi thích hợp. Từ năm 1960 trở đi, bộ máy ngụy quyền thôn xã tan rã hàng mảng, mâu thuẫn chống đối nhau trong nội bộ của bọn tay sai Mỹ và giữa Mỹ – Diệm cũng ngày càng tăng thêm. Phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam ngày càng lên cao. Trong khi đó, chính quyền Diệm bị cô lập, Mỹ ép Diệm cải tổ ngụy quyền nhằm xoa dịu phong trào đấu tranh của quần chúng và tập hợp thêm một số lực lượng phản động khác. Trái lại với khí thế của phong trào Đồng khởi, phong trào đấu tranh chính trị tiếp tục phát triển trong toàn miền Nam. Qua phong trào Đồng khởi và hai năm đấu tranh chính trị (1960 – 1961,) cách mạng miền Nam đã thu được 3 thắng lợi có ý nghĩa chiến lược là thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào ngày 20/12/1960, xây dựng được một lực lượng cách mạng tại chỗ và củng cố xây dựng được Đảng bộ miền Nam từ trên xuống cơ sở vững mạnh. Đó cũng là cơ sở mà Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam vào năm 1961, lúc đầu do ông Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, ông Phan Văn Đáng và ông Võ Chí Công là Phó Bí thư Trung ương Cục. Về sau, ông Phạm Hùng thay ông Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Trung ương Cục và ông Phan Văn Đáng vẫn giữ chức vụ Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam cho đến năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã thắng lợi hoàn toàn.

Sau khi đất nước thống nhất, từ năm 1975 đến 1976, ông được cử làm Phó Ban Đại diện Đảng và Chính phủ tại miền Nam (Trưởng ban là ông Phạm Hùng). Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976, ông Phan Văn Đáng lại được bầu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, về mặt công tác Đảng là Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Là một người rất sâu sát trong công việc, tôn trọng tính kỷ luật, tính khoa học, nhạy bén trong những công tác được Đảng giao trọng trách có tác động đến tầm cả nước trong công tác tổ chức và cán bộ, ông Phan Văn Đáng đã hoàn thành những công việc mà Đảng giao phó. Ở ông luôn luôn có sự gần gũi giữa Đảng với dân, “Đảng muốn tồn tại phải gắn bó với nhân dân như cá với nước”. Từ ngày sức khỏe yếu, được Đảng cho nghỉ hưu năm 1983, ông viết nhiều bài báo nói lên mối quan hệ máu thịt không thể tách rời giữa dân với Đảng cũng như xác định rõ vị trí quan trọng của công tác vận động quần chúng – vấn đề sống còn của một Đảng cầm quyền. Tuy được nghỉ hưu, nhưng với vị trí và uy tín của mình, ông đã được bầu làm Chủ tịch Câu lạc bộ Cựu Kháng chiến thành phố Hồ Chí Minh trong đợt đại hội củng cố tổ chức Câu lạc bộ vào tháng 4 năm 1980.

Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, Phan Văn Đáng đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng các Huân chương cao quý :

– Huân chương Hồ Chí Minh.
– 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
– Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc
– Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

21 giờ 30 ngày 9/5/1997, sau cơn bạo bệnh, ông Phan Văn Đáng qua đời tại TPHCM, hưởng thọ 79 tuổi.

Theo Phạm Bá Nhiễu – Sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long vinhlong.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *