Bên bờ hạnh phúc

Trương Vĩnh Ký là một trong những nhà văn hóa sáng chói của Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX. Ông vốn tên Jean Baptiste Trương Chánh Ký, sau mới đổi là Trương Vĩnh Ký, thường gọi là Pétrus Ký, hiệu là Sĩ Tài.

Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898)

Ông sinh ngày 6/10/1837, nhằm vào ngày 10 năm Đinh Dậu (Minh Mạng thứ 18), tại chợ Cái Mơn, làng Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc tỉnh Bến Tre). Ông là con thứ ba của quan lãnh binh Trương Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu.

Người chị gái đầu của Ký mất khi còn thơ ấu, người anh thứ hai là Trương Văn Sử học hành cũng thông minh, sau ra làm quan được thăng đến chức Đốc Phủ sứ.

Gia đình ông theo đạo Gia Tô. Do vậy, tuy làm quan võ ở tỉnh, nhưng cha ông thường bị vua quan triều đình nghi kỵ. Vào khoảng năm 1839 – 1840, Lãnh binh Trương Chánh Thi được lệnh lên trấn nhậm một vùng ở Nam Vang và mấy năm sau thì bị mất ở đó khi các con còn nhỏ tuổi. Gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, nhưng với lòng thương con, bà Nguyễn Thị Châu ngày đêm lam lũ, tần tảo quyết chí nuôi hai con ăn học.

Bước đường miệt mài học tập :

Lên 5 tuổi, Trương Vĩnh Ký bắt đầu học chữ Nho với cụ Đồ Học, đồng thời được linh mục Tám – một linh mục người Việt thường lui tới thăm viếng gia đình – truyền dạy quốc ngữ.

Lên 8 tuổi, Ký được Cổ Long – một linh mục người Pháp – đưa vào học Trường Dòng ở Cái Nhum. Ba năm theo học ở đây, Ký đã khiến thầy và bạn bè ngạc nhiên, nể phục vì trí thông minh và tính cần cù, hiếu học của mình. Nhưng hoạn nạn lại đến. Triều đình Huế tăng cường việc triệt hạ đạo, lùng sục những người theo đạo, nhất là các nhà truyền giáo. Cổ Long phải lẩn trốn, dắt theo ba tùy tùng, trong đó có học trò yêu là Trương Vĩnh Ký. Ròng rã mấy tháng trời băng rừng lội suối, thiếu ăn thiếu mặc, thầy trò Ký trốn sang được đất Campuchia.

Năm 1849, Cổ Long xin cho Ký vào học Trường Pinhalu, một trường có nhiều học sinh từ các nước Châu Á như Thái Lan, Miến Điện, Trung Hoa, Nhật Bản, Lào… đang theo học. Chính nơi đây, trí thông minh xuất chúng của Ký càng được nẩy nở. Ông mê say các môn học và môn học nào cũng đạt xuất sắc. Đặc biệt, ông tỏ ra có năng khiếu về khoa ngôn ngữ học. Cũng ở đây, ông học thêm được nhiều thứ tiếng như Khơmer, Lào, Thái, Miến Điện…

Năm 1851, Trương Vĩnh Ký nhận được một trong ba học bổng nhà trường cấp cho học sinh ưu tú tiếp tục sang học ở Trường đạo Pinang (Mã Lai). Cổ Long một lần nữa lại dẫn dắt học trò băng rừng lội suối, khi bằng voi, khi lội bộ về Sài Gòn, rồi tiếp tục bằng đường biển, lênh đênh gần 3 tháng nữa mới đến nơi. Năm 1852, ông vào Trường Thầy dòng của Hội truyền giáo Viễn Đông, tức là Trường Pinang (ở đảo Pinang Malaixia).

Ở Trường Pinang 6 năm (từ 15 đến 21 tuổi), Ký học các môn văn chương, khoa học, triết học, học chuyên ngữ La-tinh và Hy Lạp. Ông đã đạt được giải thưởng xuất sắc về môn luận văn La-tinh của vị Thống đốc nước Anh ở đảo này. Ngoài ra, ông còn học thêm được các thứ tiếng Anh, Pháp, Ấn Độ và Nhật. Năm 1858, Trương Vĩnh Ký ra trường. Còn đang phân vân giữa đường tu hành và đường đời thì nhận được tin thân mẫu qua đời, ông quyết định lên đường về quê cũ thọ tang mẹ và chấm dứt một quãng đời học sinh miệt mài sách vở và kết quả lại hết sức rực rỡ.

Hoạt động chính trị :

Hơn hai mươi năm dính vào “hoạn lộ”, làm việc với chính quyền thực dân Pháp, làm việc với triều đình Huế, Trương Vĩnh Ký chưa bao giờ là một “ông quan cai trị” chính cống, cũng chưa bao giờ là một nhà chính trị chuyên nghiệp. Ông cũng gặp nhiều trắc trở trên con đường chính trị bất đắc dĩ này.

Sau khi quyết định sống cuộc sống đời thường, Trương Vĩnh Ký cưới vợ là bà Vương Thị Thọ, ái nữ của ông Vương Ngươn, hương chủ tại làng Nhơn Giang (Chợ Quán) vào ngày 6/6/1861.

Trước đó, ngày 20 tháng 12 năm 1860, ông nhận lời của Giám mục Lefêbvre, làm thông ngôn cho viên Thủy sư đô đốc Rigault de Genouilly đang chiếm đóng ở Sài Gòn.

Năm 1862, với tư cách là thông ngôn, ông tham gia trong phái đoàn Simon ra Huế bàn việc cắt nhượng 3 tỉnh Miền Đông cho Pháp. Năm sau (1863), cũng với tư cách thông ngôn, ông theo Sứ bộ Phan Thanh Giản qua Pháp, ý để thương thuyết chuộc lại 3 tỉnh miền Đông, nhưng thất bại. Trong dịp này, ông đã tiếp xúc và kết bạn với văn hào Victor Huygo, với các ông Viện sĩ Hàn lâm Littré, Durny, Renan. Ông cũng đã đi thăm được các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…

Năm 1866, Trương Vĩnh Ký được Pháp bổ nhiệm làm Giám đốc Trường Thông ngôn (Collège de Interprètes) và dạy tiếng Đông phương tại trường này.

Ngày 16 tháng 9 năm 1869, Thủy sư Đô đốc Ohier ra nghị định bổ nhiệm Trương Vĩnh Ký toàn quyền trông coi tờ “Gia định báo” mà trước đó do người Pháp (Ernest Poteau) quản nhiệm.

Ngày 01 tháng 01 năm 1872, Trương Vĩnh Ký được chuyển qua làm Giám đốc Trường Sư phạm (Ecole Normale). Ông cũng có chân trong Hội đồng Châu thành Chợ Lớn, Hội đồng thành phố Sài Gòn.

Khi Paul Bert – một nhà văn hóa Pháp mà ông kết bạn từ năm 1863 – được cử sang làm quan Toàn quyền, sau nhiều lần được mời mọc, ngày 01 tháng 04 năm 1886, ông nhận lời ra gi&uacu
te;p việc cho Paul Bert với một ý nguyện “giúp hai bên Pháp – Việt cảm thông hòa hiểu nhau”. Ông cũng được vua Đồng Khánh vừa lên ngôi tin cậy sắc phong làm Hàn lâm Tự độc Học sĩ, sung Cơ mật viện (27/8/1885).

Sau khia Paul Bert mất (1886), ông chán nản việc chính trị, chán nản về sự đố kỵ của hai phía chính phủ, ông xin trở lại Sài Gòn làm giáo sư giảng dạy thổ ngữ Đông phương ở Trường Hậu Bổ (Collège des Administrateur Stagiaires) và Trường Thông ngôn (Collège des Interpretes). Từ giai đoạn này cho đến cuối đời, ông để hết tâm trí vào công việc nghiên cứu và trước tác.

Bình phẩm về đoạn đường tham chính của Trương Vĩnh Ký, một số cho rằng ông “ngây thơ” trong chính trị, dễ tin vào những chiêu bài “giáo hóa”, “dân chủ”, “văn minh” của bọn thực dân. Làm chính trị đối với ông là bất đắc dĩ. Ông không ham đường hoạn lộ dù ông được đắc dụng và đủ điều kiện để leo cao trong nấc thang danh vọng của chính quyền bảo hộ cũng như của triều đình Huế. Ông không vào dân Tây và suốt đời sống thanh bạch. Chưa có nhà bình luận nào kết tội ông là “tay sai”, là “Việt gian” như đã kết tội những người đồng thời như Tôn Thọ Tường ở Nam, Lê Hoan ở Bắc, Nguyễn Thân ở Trung; tâm trạng của ông được phơi bày trong bài thơ “tuyệt mạng” mà nhiều nguời đồng cảm :

Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai

Xô đẩy người vô giữa cuộc đời

Học thức giữ tên : con sách nát

Công danh rút cục : cái quan tài.

Dạo hòn lũ kiến men chân bước

Bò xối con trùng chắc lưỡi hoài

Cuốn sổ bình sanh công với tội

Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.

Một học giả tiên phong :

Từ khi còn ở trường Dòng Cái Nhum, Trương Vĩnh Ký đã là một học trò nhỏ thông minh xuất chúng. Qua học ở Pinhalu, học ở Pinang, Trương Vĩnh Ký trở thành một học sinh lỗi lạc, tài ba nhất về khoa ngôn ngữ.

Thông thạo hơn 25 thứ tiếng phương Đông và phương Tây(1), tâm trí lại say mê chuyên chú vào việc nghiên cứu học thuật, Trương Vĩnh Ký đã để lại một gia tài trước tác đồ sộ. Ông Khổng Xuân Thu trong cuốn “Trương Vĩnh Ký, 1837 – 1898” do Tân Việt xuất bản (không đề năm) đã liệt kê được 118 tác phẩm đã in ấn và 14 tác phẩm chưa in và đang soạn. Vũ Ngọc Phan trong bộ “Nhà văn hiện đại” (1942) đã viết “Sự nghiệp văn chương của ông thật lớn lao”. Trần Văn Giáp trong “Lược truyện tác giả Việt Nam” (1972) cũng thừa nhận tác phẩm của Trương Vĩnh Ký “còn lại rất nhiều”. Khi biên soạn “Tự điển văn học” (1984), giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã hệ thống hóa trước tác của Trương Vĩnh Ký thành 6 loại như sau :

1- Nghiên cứu về lịch sử, địa lý như sử ký An Nam, sử ký Trung Quốc, Tập giáo trình về địa lý Nam Kỳ…

2- Nghiên cứu về các bộ môn khác trong khoa học xã hội như : nghiên cứu so sánh tiếng nói, chữ viết, tín ngưỡng và tôn giáo của các dân tộc Đông dương; Tổng luận về các lối chữ tượng ý, tượng hình theo ngữ âm và theo vần a, b, c; nghiên cứu so sánh tiếng nói và chữ viết của ba ngành ngữ : phép lịch sự An Nam, Hát lý hò An Nam…

3- Biên soạn từ điển như Từ điển Pháp – Việt; Từ điển Pháp – Hán – Việt; Từ điển địa lý An Nam; Từ điển danh nhân An Nam.

4- Dịch sách chữ hán như: Tứ thư; Sơ học vấn tâm; Tam tự kinh; Tam thiên tự; Minh tâm bảo giám…

5- Sưu tầm, phiên âm truyện Nôm và tác phẩm cổ Việt Nam như Truyện Kiều, Phan Trần, Đại Nam quốc sử diễn ca, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc…

6- Sáng tác thơ như Bút ký ghi về Vương quốc Khơmer, chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi, thơ Tuyệt mệnh…

Với tài liệu lỗi lạc, kiến thức uyên bác, Trương Vĩnh Ký sớm nổi danh không những trong nước mà còn ở nước ngoài. Năm 1963, trong dịp theo Sứ bộ Phan Thanh Giản qua Pháp, ông đã tiếp xúc và kết tình thân hữu với nhiều nhà văn lớn của Pháp như Victor Hugo, Paul Bert, Littré, Renan… Dịp này, ông được nhận làm thông tín viên Hội nhân chủng học. Năm 1876, ông trở thành Hội viên Hội Á Châu (Societé Asiatique). Ông được tặng nhiều huy chương về văn hóa của nước ngoài, trong đó, Hàn lâm Pháp tặng Huy chương đệ nhị đẳng (1883) và đệ nhất đẳng (1887).

Với những hoạt động văn hóa kể trên, năm 1874, giới nghiên cứu Pháp đã liệt Trương Vĩnh Ký vào hàng một trong 18 nhà bác học danh tiếng nhất thế giới đương thời.

Trương Vĩnh Ký là người tiên phong trong việc sáng lập nền báo chí Việt Nam. Tờ “Gia Định báo” khi còn Ernest Poteau quản nhiệm chỉ là một bản tin, một bản dịch Việt văn của tờ Coarrier de Sài Gòn, nhưng khi đến tay ông quản nhiệm (ngày 16/9/1869) thì tờ báo khác hẳn. Về hình thức, tờ báo không thay đổi nhiều, nhưng về nội dung, ông đã tập trung vào 3 chủ đích : cổ động tân học, truyền bá quốc ngữ và giáo dục quốc âm. Tờ báo đã một mình tung hoành trên 30 năm cuối thế kỷ XIX và nơi tập hợp nhiều nhà báo nổi tiếng sau này như Trương Minh Ký, Huỳnh T
ịnh Của…

Trương Vĩnh Ký là một học giả tiên phong, có nhiều canh tân trong một số chuyên ngành văn hóa. Trên lĩnh vực này, ở nhiều điểm ông còn đi xa hơn Nguyễn Trường Tộ, nhà cách tân đồng thời. Ví dụ như Nguyễn Trường Tộ nhận thức rằng : “chữ Hán là thứ chữ chỉ có ai học mới biết, không học thì nghe như vịt nghe sấm”. Nhưng Trương Vĩnh Ký thì chủ trương : “Cứ lấy chữ Hán chuyển đọc ra quốc âm. Không cần học nghĩa” và ông đã cụ thể hoá, gộp hết tiếng ta lại, chia thành môn loại, làm tự điển, trước tiên ban hành trong các cơ quan chính quyền và trường học cho người học dễ dàng sử dụng. Hoặc đối với chữ quốc ngữ, Nguyễn Trường Tộ chưa dám dùng, nhưng Trương Vĩnh Ký lại trước tác bằng chữ quốc ngữ, chữ Pháp… Ông còn dịch nhiều sách Hán Nôm ra quốc ngữ, soạn tự điển hai, ba ngôn ngữ. Ông có công rất lớn đối với văn tự, chữ viết của nước ta, thứ chữ được phát triển càng ngày càng rực rỡ.

Trương Vĩnh Ký đã đóng một vai trò hết sức quan trọng : vai trò khai sáng đối với văn học nước nhà.

Trương Vĩnh Ký – một trong 18 nhà thông thái nhất thế giới đương thời, người đạt kỷ lục về làu thông ngoại ngữ (26 ngoại ngữ), một nhà cách tân văn hóa, một học giả mà số lượng trước tác đạt đến 3 con số (118 tác phẩm). Nhưng ông lại rất khiêm tốn và sống cảnh thanh bạch, thậm chí nợ nần và mất đi trong bệnh hoạn vào ngày 01 tháng 09 năm 1898, lúc còn 62 tuổi và giữa những công trình đang biên soạn dở dang.

Ông được an táng tại Chợ Quán, Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh).

Nguyễn Thái Hòa – Theo sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long vinhlong.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *