Bên bờ hạnh phúc

Phan Văn Trị, sinh năm 1830 (năm Canh Dần) dưới triều vua Minh Mạng. Quê ông – làng Hưng Thịnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (cũ), nay là xã Thạnh Phú, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông thông minh, học giỏi, thi đỗ cử nhân khoa thi Hương năm 1849. Tên thường gọi của ông là Cử Trị bắt nguồn từ đó.

Dù đỗ đạt, song ông không chịu ra làm quan. Phan Văn Trị đã tham gia nhóm Bạch Mai thi xã, bao gồm nhiều nhà thơ nổi tiếng bấy giờ như Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông, Hồ Huân Nghiệp, Tôn Thọ Tường.

Nhóm này gây được tiếng vang mạnh mẽ vào khoảng giữa những năm 50 của thế kỷ XIX. Xu hướng chung của nhóm là ca ngợi thiên nhiên đất nước, đề cao thú vui của kẻ sĩ. Khi quân Pháp đánh chiếm vùng này thì Bạch Mai thi xã cũng tan rã luôn.

Phan Văn Trị (1830 – 1910)

Phan Văn Trị trước hết là một người yêu nước. Tuy ông không có khí phách hiên ngang như “Bình Tây Đại Nguyên soái” Trương Định, không đánh nhận chìm tàu giặc trên sông Nhật Tảo khói lửa như Nguyễn Trung Trực, không để lại cho đời sau câu nói bất hủ : “Bao giờ nước Nam hết cỏ thì mới hết người đánh Tây” (Nguyễn Trung Trực)… ông vẫn là một ngôi sao trên vòm trời các nhà thơ yêu nước ở Nam Bộ giữa và cuối thế kỷ thứ XIX. Trước khi quân Pháp xâm lược đánh chiếm Gia Định, ông đã sáng tác thơ văn chống bọn quan lại nhà Nguyễn đàn áp, bóc lột nhân dân. Về sau, thơ ông thấm đượm lòng yêu nước thương dân, căm thù quân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước.

Thơ Phan Văn Trị có thể phân làm nhiều mảng, thể hiện nhiều mặt của bầu nhiệt huyết của một con người sôi nổi, bộc trực, cao thượng, nhưng cũng chịu bất lực trước hoàn cảnh thực tế. Tính chất chung sự nghiệp thơ ông là yêu nước. Ông đau xót cho cảnh nước mất, quan lại hủ bại, dân chúng xơ xác tiêu điều. Ông cũng có một số bài thơ ngụ ngôn răn đời, một số ít bài mang cái hơi thở thoát tục trong niềm vui của người nho sĩ phần nào thất thế.

Khi quân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Đông và buộc triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862), Phan Văn Trị về quê cũ ở Phong Điền (Cần Thơ) tỵ nạn. Năm năm sau (1867), thực dân Pháp đánh chiếm nốt ba tỉnh miền Tây, cả Nam Kỳ rơi vào tay giặc. Bài Mất Vĩnh Long của ông ra đời vào thời kỳ đau đớn này.


Uốn khúc sông rồng mù mịt khói
Vắng hoe thành phụng ủ sầu hoa
Tan nhà cám cảnh câu ly hận
Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa
Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ
Ngậm ngùi hết nói nỗi quan ta.

Bài An Giang phong cảnh cũng mang một màu sắc buồn thảm như thế (Châu Đốc bị mất ngày 22/6/1867).


Có rau nội quanh dân xanh mặt
Không trái bần khô khỉ bạc đầu
Xem hết cảnh tình rồi nghĩ ngợi
Thú vui chỉ có một thuyền câu.

Tự viết về mình những nỗi vui buồn xưa nay đâu có hiếm. Nhất là khi gặp những uẩn khúc, những bất bình trong đời, nhiều áng văn thơ đã được sáng tác để lại, vẫn luôn tươi màu roi rói. Phan Văn Trị chưa đạt đến đỉnh cao như Khuất Nguyên với Ly Tao hoặc thắm thiết như công chúa Ngọc Hân với Ai tư vãn, nhưng ông có nỗi “Cảm hoài” qua mười bài thơ liên hoàn thật là xúc động, chân thật. Đọc “Cảm hoài” của ông, chúng ta càng thấy cảm thông và quý trọng ông hơn.

Nhìn non nước suy vong, ông thốt lên :

Nhìn Nam chạnh tưởng nhành hoa ủ
Ngó Bắc ngùi thương khóm bạch vân.

Nhưng tỏ nổi lòng với ai bây giờ, ông cảm thấy cô đơn :

Phong trần lắm lúc luống sầu riêng
Biết mượn tay ai gỡ mối phiền
Áo mũ ba đời ơn rất trọng
Binh qua một cuộc nghĩa chưa tuyền.

Từ cô đơn, bất lực, ông lại càng tự thấy buồn cho mình, vì không giúp được gì cho dân, cho nước :

Cung kiếm cầm thi cam hổ phận
Sao cho tỏ rạng bậc tài năng.

Tuy thế, Phan Văn Trị vẫn không hoàn toàn thất vọng. Ông tin tưởng quy luật “hết bỉ lại thới”, hết buồn lại vui”.

Tạo hóa một bầu xoay khí vận
Đông qua xuân lại trở màu tươi.

Hoặc :

Nhà nước một mai xoay vận thới
Cỏi Nam chung hưởng hội thăng bình.

Ông còn để lại mấy bài thơ mang tính răn đời, tương tự loại thơ ngụ ngôn (fable) của Lafontaine (Pháp). Ông đã mượn tên một số loài vật để đặt tên bài thơ, chẳng hạn các bài Con trâu, Con mèo, Con muỗi, Con rận, Con cua… Mảng thơ này có tính chất châm biếm, mỉa mai, đả kích; ông chửi khéo bọn Việt gian theo Pháp – trước hết nhắm vào Tôn Thọ Tường cũng như bọn tham quan ô lại ở trong vùng.

Chẳng hạn :

Mài sừng cho lắm cũng là trâu
Gẫm lại chàng Va thật lớn đầu
Trong bụng lơ thơ ba lá sác…

(Con trâu)

Chửi bọn thăng quan nhanh chóng như mèo, ông viết :


Mấy tầng đài các sải chơn leo
Nhảy lẹ chi cho bằng giống mèo…

Còn con muỗi thì :

Béo miệng chẳng thương con trẻ dại
Cành hông nào đoái chúng dân nghèo.

 
Con rận cũng bị ông lên án gay gắt :

Lúc nhúc trong chăn cứ gục đầu
Khuấy ngứa gầy dân chi khác mọt.

Mảng thơ thứ ba của Phan Văn Trị không nhiều, đó là mảng thơ “nhàn” của một nhà nho sinh bất phùng thời, bó tay trước tình thế, cố tìm cái “nhàn” để khuây khỏa :

Thú vui chỉ có một thuyền câu.
(An Giang phong cảnh)

Hình như Phan Văn Trị không mê cầm, kỳ, thi, tửu như Nguyễn Công Trứ, mà chỉ mê say câu cá do tình thế đưa lại cho ông :

Lỗi phải thây ai chẳng lụy cầu
Sao bằng thong thả một cần câu.
(Thú đi câu)

Hoặc :

Nửa cần thú vị trời trời nước
Một sợi phong lưu gió gió trăng
(Đi câu)

Nói về lập trường tư tưởng của Phan Văn Trị, không có chứng cứ hùng hồn nào bằng căn cứ vào trận bút chiến giữa ông và Tôn Thọ Tường. Nó không kém phần nảy lửa, quyết liệt và trí tuệ, được người đời sau nhắc nhở như cuộc bút chiến giữa Phan Đình Phùng và Hoàng Cao Khải hay giữa Nguyễn Quang Bích và bọn thực dân Pháp. Nhưng cuộc đấu tranh này có điểm khác là sự hưởng ứng, tham gia rộng rãi của nhiều sĩ phu yêu nước mà Phan Văn Trị là tiêu biểu nhất chống lại tên Việt gian họ Tôn.

Một vài nét tiểu sử Tôn Thọ Tường : Tường là một nhà nho, được tiếng học giỏi thơ hay, gia đình bốn đời làm quan triều Nguyễn. Khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, trong đám sĩ phu có người tham gia nghĩa binh chống giặc, có người tỵ địa (tản cư khỏi vùng giặc chiếm), có người dùng thơ văn kêu gọi nhân dân kháng địch, biểu lộ lòng yêu nước, không hợp tác với giặc Pháp. Tường lại chọn con đường ra đầu hàng, hợp tác với giặc Pháp, sau làm đến Đốc Phủ sứ. Tôn Thọ Tường từ được người ta hâm mộ về thơ văn trở thành mục tiêu lên án và bị khinh rẻ của đồng học và đồng bào.

Tường bắt buộc làm thơ để tự thanh minh. Tường làm hai bài thơ Từ Thứ quy TàoTôn phu nhân quy Thục. Tường dụng ý cho mình theo Pháp là chuyện cực chẳng đã (bất đắc dĩ), là quyền biến v.v… Sau đó, Tường lại “cho ra” một lúc 10 bài Tự thuật cũng để tự chống đỡ trước búa rìu dư luận.

Tham gia trận bút chiến với Tôn Thọ Tường, ngoài Phan Văn Trị là chủ súy có mấy người nữa như Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Chiếu, Hồ Huân Nghiệp… Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Phan Văn Trị và bài được công chúng lưu truyền nhất cũng là của ông hoạ lại bài Tôn Phu nhân quy Thục của Tường.

Tôn Thọ Tường :

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ lòng
Ngàn năm rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm râu bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng.

Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Chu Công Cẩn
Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng.

Phan Văn Trị đã “họa” lại, nói phản bác thì đúng hơn :

Cài trâm sửa trấp, vẹn câu tòng
Mặt giả trời chiều biệt cõi đông
Ngút tỏa vần Ngô, in sắc trắng
Duyên về đất Thục, đượm màu hồng.

Hai vai tơ tóc bên trời đất
Một gánh cang thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền, anh có biết
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng!

Sử sách hiện vẫn còn đầy đủ 10 bài Tự thuật của Tôn Thọ Tường song song có 10 bài “họa” của Phan Văn Trị. Thật là một cuộc giao tranh lý thú, về mặt văn chương, công bằng mà nói thì tài sức ngang nhau. Nhưng Tường ở phía phi nghĩa, còn Phan Văn Trị hơn hẳn đối phương do sức mạnh lòng dân gom lại. Tường giở trò gì thì Phan bẻ ngay trò đó; Tường ngụy biện bao nhiêu thì Phan vạch rõ bấy nhiêu. Bao nhiêu phù phép yêu ma của tên Việt gian Tôn Thọ Tường đều bị Phan Văn Trị sạch sành sanh phá hủy. Chẳng hạn, Tôn Thọ Tường dọa :

Xăng văng thầm tính thương đòi chỗ
Khấp khởi riêng lo sợ những ngày.
(Bài I)

Phan Văn Trị đập lại :

Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở
Bủa lưới săn nai cũng có ngày.

Tường lên mặt dạy đời :

Thày lay lại muốn chuốc danh nhơ
Ai mượn mình lo việc bá vơ
Trẻ dại giếng sâu lòng chẳng nỡ
Đàng xa ngày tối buổi không chờ.
(Bài II)

Phan Văn Trị bác bỏ :

Lung lay lòng sắt đã mang nhơ
Chẳng xét phận mình khéo nói vơ
Người trí mảng lo danh chẳng chói
Đứa ngu luống sợ tuổi không chờ.

 
Qua trận bút chiến lịch sử, Tôn Thọ Tường bị lên án nào là “đứa ngu”, “đứa dại già đời cũng dại”, “kẻ mất thanh danh”, “thằng hoang”. Tường cũng bị cảnh cáo “đừng mượn hơi hùm”, “đáy giếng trông trời” và họ Phan cũng khẳng định :

Một trận gió đưa siêu ngã cơ
Hơn thua đã quyết đó cùng đây.
(Họa bài 10)

Những năm cuối đời, cụ Phan Văn Trị sống bằng nghề dạy học và hốt thuốc. Cụ mất ở làng Phong Điền – Cần Thơ, thọ 80 tuổi.

Nhìn chung, cụ là một nhà nho cao khiết, một nhà yêu nước, một nhà thơ tâm huyết với vận mệnh nhân dân. Thơ cụ làm ra là thơ “có thép” bên trong, đầy tính chiến đấu. Tuy vậy, cụ cũng không thể không mang dấu ấn của thời thế, cho nên có đôi chỗ, đôi lúc ngậm ngùi. Thi nghiệp cụ gồm 54 bài theo thơ Đường, trong đó có 10 bài liên hoàn và 24 bài riêng biệt.

Nguyễn Thông

Theo sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *