Từ 2.000m2 canh tác dưa lưới trong nhà kính ban đầu, anh Nguyễn Trọng Nghĩa đã liên kết với nhiều nông dân khác tại địa phương thành lập HTX MeKong Green với 15 xã viên, diện tích sản xuất 1 hecta. Trung bình mỗi năm HTX này cung ứng ra thị trường hơn 60 tấn dưa lưới các loại, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.
Nhờ có vùng trồng lớn nên ngoài bán lẻ cho thương lái thì 70% sản lượng dưa lưới của HTX được 3 Doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu thu mua ổn định. Không chỉ sản xuất theo quy trình VietGAP, hiện sản phẩm dưa lưới của đơn vị đã đạt chuẩn Ocop 4 sao nên được thị trường rất tín nhiệm.
Đáng chú ý, hiện nay tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long có 1 Doanh nghiệp đầu tư gần 25 tỷ đồng xây dựng 17 nhà kính trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 4,5 hecta.
Đơn vị này cho biết: do không chịu nhiều những tác động của thời tiết nên bình quân 1 năm có thể sản xuất được 4 vụ dưa lưới (3 tháng/ vụ). Trung bình mỗi vụ, 1 nhà kính trồng dưa lưới có thể cho năng suất
từ 12-15 tấn, lợi nhuận từ 60-120 triệu đồng, tùy theo giá cả thị trường. Tính chung cả năm, lợi nhuận có thể thu được từ 3-4 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Vĩnh Long đã xây dựng được nhiều mô hình trên lĩnh vực trồng trọt. Riêng mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, trồng trong nhà kính có khoảng 10 mô hình với diện tích gần 6 hecta. Đây là điều kiện để Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 20% trong tổng sản phẩm nông nghiệp và đến năm 2030 đạt 50%.
Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, nhà kính, cho thấy nếu tổ chức sản xuất tốt, Vĩnh Long sẽ từng bước xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn trên nhiều loại cây trồng khác. Qua đó, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác, giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế Vĩnh Long phát triển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *