Không phải là một lục địa, Bắc Cực thật ra là vùng đại dương bị đóng băng nằm ở vùng cực Bắc của Trái Đất. Khu vực này được bao quanh bởi lãnh thổ phía Bắc của nhiều quốc gia gồm Canada, Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Nga, Iceland và Phần Lan. Bắc Cực được ví như biên giới cuối cùng của hành tinh. Hơn 10.000 năm trước, con người bắt đầu đặt chân lên vùng băng giá này. Sau đó, con người đã sống cùng băng tuyết và xem nơi đây như ngôi nhà của mình.
Theo thời gian, diện mạo Bắc Cực có nhiều thay đổi. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người có điều kiện đến với vùng băng tuyết này nhiều hơn. Nhiều người đến đây để nghiên cứu khoa học, khai thác tài nguyên và sinh sống. Bắc Cực bước vào một giai đoạn mới.
Khi nói đến Bắc Cực, nhiều người nghĩ ngay đến vùng băng tuyết trắng xóa trải rộng mênh mông. Tuy nhiên, băng ở vùng cực này đã có sự thay đổi. Điều đó không chỉ làm nên sự khác biệt về diện mạo mà còn ảnh hưởng đến nhiều thứ khác tại Bắc Cực và cả ở nhiều nơi khác trên thế giới. Dưới sự tác động của hiện tượng nóng dần lên trên toàn cầu, sắc trắng của băng tuyết Bắc Cực đang dần thu nhỏ lại với tốc độ rất nhanh, đồng thời sắc xanh của đại dương hiện ra ngày một nhiều hơn.
Âm thanh từ động cơ của chiếc máy bay đáp xuống đã phá tan bầu không khí yên tĩnh tại trại căn cứ Barneo. Tọa lạc ở 89 độ vĩ Bắc, đây là trại khởi điểm cho chuyến hành trình khám phá Bắc Cực. Nơi này còn cách điểm cực Bắc khoảng 110 km.
Trải nghiệm hoạt động nghỉ lại qua đêm dưới bầu trời giữa vùng cực Bắc quả địa cầu là điều mà không ít người mơ ước. Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện do sự khắc nghiệt của khí hậu nơi đây. Vì thế, đối với nhiều người, khám phá vùng đất lạnh giá ở cực Bắc Trái đất mãi mãi vẫn chỉ là mơ ước. Sau khi đến nơi, đoàn thám hiểm bắt tay vào việc dựng lều trại. Lều có tác dụng ngăn gió tuyết, giúp con người có được nơi nghỉ ngơi ấm áp.