Vào cuối thế kỷ 16, khoai lang – một loại củ có nguồn gốc từ khu vực Nam Mỹ – đã được vận chuyển đến Trung Quốc thông qua các con đường giao thương quốc tế.
Khoai lang nhanh chóng trở thành một loại thực phẩm quan trọng của người dân xứ Vạn Lý Trường Thành, nhờ vào khả năng thích ứng với nhiều loại đất và khí hậu khác nhau, cũng như giá trị dinh dưỡng cao.
Từ đó, khoai lang trở thành một phần quan trọng trong nền nông nghiệp Trung Quốc và góp phần làm nên sự phong phú của nền ẩm thực địa phương.
Tại thị trấn Hoàng Nham thuộc huyện Đài Châu, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, khoai lang sau khi hấp chín được nghiền nhuyễn. Sau đó người ta tạo thành một loại bột mềm mịn và sử dụng làm vỏ bọc cho một hỗn hợp rau củ. Họ chỉ việc đem các viên khoai đi hấp chín rồi thưởng thức.
Bên cạnh đó, người dân địa phương còn vo tròn bột khoai lang thành từng viên nhỏ, lăn đều với hạt mè, rồi đem chiên cho đến khi lớp mè bên ngoài trở nên giòn tan, bên trong vẫn giữ được độ mềm mịn và vị ngọt tự nhiên của khoai lang.
Bột khoai lang còn được trộn chung với đường nâu, bột gạo nếp, trái cây sấy khô và hấp chín. Bánh khoai lang là một món ăn vặt đơn giản và là biểu tượng văn hóa ẩm thực của tỉnh Chiết Giang, gợi nhớ đến truyền thống và lịch sử lâu đời của vùng đất này.
Người dân thị trấn Hoàng Nham còn lựa chọn những củ khoai lang tốt, sau đó rửa sạch và nghiền nhỏ để thu được hỗn hợp bột khoai. Tinh bột trong khoai lang sẽ được tách ra khỏi bã khoai qua công đoạn lọc.
Tinh bột khoai lang sẽ được phơi khô giúp bảo quản được lâu. Tinh bột khoai lang được sử dụng trong nhiều việc khác nhau, từ chế biến thực phẩm đến làm nguyên liệu trong công nghiệp.
Với nhiều tên gọi khác nhau, khoai lang là một nguyên liệu thực phẩm phổ biến và được yêu thích ở xứ Vạn Lý Trường Thành, với sự đa dạng trong cách chế biến và sử dụng.
Ở khu vực ven biển phía Đông tỉnh Chiết Giang, khoai lang được bào sợi và phơi khô. Đây là nguyên liệu để nấu thành món cháo khoai, một món ăn sáng phổ biến của người dân địa phương.