Sở hữu những ngọn núi cao nhất phía Đông khu vực Bắc Mỹ, Vườn quốc gia Dãy núi Great Smoky được biết đến như một thế giới cổ tích với hệ động thực vật vô cùng phong phú, đặc trưng. Ngày nay, dãy núi này đã trở thành một khu dự trữ sinh quyển quốc gia và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới vào năm 1983.
Vườn quốc gia Dãy núi Great Smoky là nơi thường xuyên có mây mù giăng phủ nên còn được gọi là Dãy núi Khói. Người Cherokee – một dân tộc bản địa châu Mỹ – gọi những làn mây mù nơi đây là khói xanh. Đôi khi, mây mù phủ kín hết các ngọn núi. Các nhà khoa học cho rằng, trong những khu rừng bên dưới làn mây mù này là nơi sinh sống của hàng trăm ngàn loài động thực vật.
Trong chương trình hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng đến Vườn quốc gia Dãy núi Great Smoky ở nước Mỹ để khám phá hệ động thực vật và ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên tuyệt vời nơi đây.
Đầu mùa Hè là thời điểm nhiều du khách đến Vườn quốc gia Dãy núi Smoky để xem một hoạt động về đêm thú vị của một loài côn trùng nơi đây.
Đây là thời điểm đom đóm bay ra khỏi những làn mây mù để chuẩn bị cho sứ mệnh thiêng liêng trong đời. Vườn quốc gia này có đến 19 loài đom đóm, trong đó có những loài đặc biệt mà ngay cả những khu rừng nhiệt đới cũng không có được.
Bộ phận phát sáng dưới bụng của những con đom đóm đực được ví như “đèn lồng”. Ban đầu, nhiều người cho rằng loài bọ cánh cứng này phát sáng nhấp nháy để cảnh báo các thành viên khác về sự hiện diện của những kẻ săn mồi nguy hiểm. Tuy nhiên, thật ra, đây là cách thức tìm bạn đời của chúng.
Đom đóm sống phổ biến ở những khu rừng nhiệt đới và hoạt động giao phối của chúng diễn ra quanh năm. Tuy nhiên, ở khu vực Bắc Mỹ, đom đóm sống chủ yếu tại Dãy núi Great Smoky và thời gian giao phối của chúng rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng 2 tuần lễ mỗi năm. Vì vậy, trong khoảng thời gian này, đom đóm ở Dãy núi Great Smoky sẽ phát quang đồng loạt trong đêm, tạo nên cảnh tượng kỳ diệu.
Sau mùa sinh sản, các con đom đóm cũng kết thúc vòng đời. Sự phát sáng ở đom đóm là sự phát quang sinh học, nhờ vào một loại phản ứng hóa học diễn ra bên trong cơ thể chúng.
Ngoài động vật, một vài loài thực vật cũng có khả năng tự phát quang. Vào mùa này, nấm sò đắng ở Dãy núi Great Smoky phát triển mạnh trên những khúc gỗ mục. Việc nấm sò đắng phát quang được xem là điều bí ẩn ở vườn quốc gia đầy mây mù này.