Bên bờ hạnh phúc

2/ Hệ thống tín ngưỡng dân gian của cộng đồng xóm – ấp

Trước sân đình ở Vĩnh Long đều có nhiều miếu thờ các vị thần dân dã như Ngũ hành Nương nương, Thổ thần, Bạch hổ Tướng quân. Nhưng thật ra không hẳn tất cả các miếu dân dã đều tập trung trước sân đình. Mỗi ấp, mỗi xóm, mỗi dòng họ hoặc mỗi hội đoàn đều có một ngôi miếu được xem như một ngôi đình trong lĩnh vực hạn hẹp, các vị thần linh được thờ trong miếu thường đa tạp. Ít có ngôi miếu nào thờ một vị thần. Nhìn chung, có thể hiểu được văn hóa của vùng đó. Thí dụ như vùng ven sông Tiền và sông Hậu có nhiều môn tược, vị thần thờ phổ biến là Thổ thần. Những xóm cư dân chuyên nghề làm ruộng thường thờ Chúa xứ Thánh mẫu, có nơi thờ Thần nông. Vùng ven thị tứ, cư dân thường thờ Ngũ hành Nương nương, Cửu thiên Huyền nữ. Người Minh Hương thường thờ Thất vị Nương nương (tục gọi Bảy bà). Dân vạn chài thường thờ Thủy long Thánh phi, cậu Trây – cậu Quý (tục gọi Bà cậu). Riêng tục thờ Thần nông ở Vĩnh Long cũng có nhiều điểm đặc biệt hơn những nơi khác. Thần nông có thể thờ trong miếu ở xóm – ấp, có khi miếu nằm bên cạnh đình. Có nơi Thần nông được thờ ở đàn lộ thiên, xây ngay trước đình, ở một góc đình hoặc ở ngay phía sau, dựa lưng vào vách hậu ngôi đình.

Tục thờ nữ thần phù hộ xóm – ấp và hội đoàn nghề nghiệp là tục lệ phổ biến ở Nam bộ cũng như ở Vĩnh Long. Trong thế giới thần linh ở Nam bộ, có lẽ nữ thần Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi đứng đầu tất cả. Nữ thần Thiên Y A Na được nhà Nguyễn phong Thượng đẳng thần (có 3 sắc phong cấp cho miếu Hội đồng Vĩnh Long). Vị nữ thần này gốc từ nữ thần U Mã, là một vị thần nhân từ nhưng lại là vợ của Thần Siva – vị thần phá hoại. Người Chăm đầu tiên tiếp nhận vị nữ thần Bà La Môn này, biến thành PoNagav – Bà mẹ xứ sở của bộ lạc Cau. Vị nữ thần này cũng được người Việt tôn thờ, gọi là Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi. Theo bia ghi sự tích nữ thần Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi do Phan Thanh Giản viết, hiện đặt tại Tháp Bà (Nha Trang) thì nàng là tiên nữ giáng trần ở tại xứ cù lao (Nha Trang). Nàng đã hóa ra khúc kỳ nam thả trôi theo dòng nước biển qua nước Bắc Hải (?), kết hôn với Thái tử nước này, sinh ra được 2 người con… Nàng là vị tiên nữ dạy dân lễ nghĩa, làm ruộng, chăn tằm… cùng nhiều nghề khác. Người Việt chúng ta đã tiếp thu tất cả các dạng tín ngưỡng xung quanh vị thần này.

Đầu tiên, tổ tiên chúng ta đã biến U Mã thành Ngung Mang nương (nàng Ngung Mang – phiên âm từ U Mã). U Mã được xem là nữ thần phù hộ người đi khai hoang, thần tiên chủ. Rồi cũng từ truyền thuyết do Phan Thanh Giản ghi, chúng ta có Thiên chúa xứ Thánh mẫu (Bà chúa xứ tức Bà mẹ xứ sở) – nữ thần phù hộ người làm ruộng (Bà chúa xứ Châu Đốc thực tế cũng xuất phát từ tín ngưỡng mang tính truyền thống nhưng do có điều kiện tích hợp thêm nhiều dạng tín ngưỡng khác nên trở thành vị thần đa năng, uy thế phát triển rộng rãi hơn).

Tín ngưỡng tích nữ thần Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi xuất phát từ vùng Nha Trang. Nếu phát triển đi vào Nam thì gọi là Chúa Ngọc nương nương (Bà chúa Ngọc). Còn nếu từ Nha Trang được đưa ra Huế rồi phát triển đi vào Nam thì gọi là Chúa Tiên nương nương (Bà chúa Tiên – chúa Ngọc). Trái với Ngung Mang nương nương hoặc Chúa xứ Thánh mẫu, 3 dạng tín ngưỡng vừa kể đều là tín ngưỡng bản mệnh, ít khi được thờ nơi công cộng.

Nét đặc trưng của nữ thần Thiên Y A Na là có hai người con. Lúc PoNagav ở tại xứ cù lao có lần đã hóa ra sóng gió nhận chìm đoàn tàu chiến do chồng nàng chỉ huy, định xâm lăng quê hương xứ sở nàng. Do đó, Thiên Y A Na được tôn làm nữ thần phù hộ cư dân xứ cù lao, hải đảo, thần Giông, thần sóng gió, thần phù hộ người đi biển. Thủy long Thánh phi và hai người con trai là cậu Trây – cậu Quý (tục gọi Bà cậu) được các miếu vạn Bình Khê (xóm Chài – TXVL), vạn Thủy Nam (xã Thiện Mỹ – Trà Ôn), vạn Tân Hưng (xóm Đáy – Tân Hòa Bắc)… tôn thờ chính là nữ thần Thiên Y A Na. Hiện nay, vùng Đồng Phú, Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ) còn truyền thuyết ngỗng thần gây sóng gió tại vàm Cái Muối chính là những truyền thuyết của người Chăm ở miền Trung được tổ tiên chúng ta đưa vào, truyền lại nhiều đời mà y như thật (Po Roack).

Đặc biệt nhất, tại Trà Ôn có rất nhiều miều thờ Cố Hỷ Tiên Phi. Cố Hỷ Tiên Phi là vị nữ thần cai quản núi rừng, thường ở trong hang sâu, núi thẳm (nên thường gọi là bà Thượng Động). Cố Hỷ Tiên Phi vừa mang tính thiện, vừa mang tính ác, có lẽ cũng là một dạng của nữ thần Thiên Y A Na. Đây là dạng tín ngưỡng ít có sức thu hút, do đó, những nơi thờ Cố Hỷ Tiên Phi (như miếu Thiên Kim ở Trà Ôn) phải tuần tự rất nhiều vị thần dân dã, mang đủ màu sắc văn hóa như Thủy long Thánh phi, Hồng Thiên tinh, Hồ Ly tinh, Chúa xứ Thánh mẫu, Cô Phạm, Cô Nguyên, Cô Hai, Cô Mười… Bên cạnh còn miếu thờ Phật Tổ Phật Thầy, Ngọc Hoàng Thượng đế, Thái thượng Lão quân, Bạch hổ Tướng quân, Tề Thiên Đại thánh, Thập điện Minh vương, Đại Càn Quốc vương (có lẽ Đại Càn Thánh nương vương?), Lục Kim (một sư Khmer, có lẽ sinh tiền là Tổ sư của phái bùa chú ngãi nghệ).

Ở Nam bộ cũng như ở Vĩnh Long, tín ngưỡng nữ thần Thiên Y A Na rất mạnh. Tập tục thờ cúng nữ thần Thiên Y A Na đã ảnh hưởng đến tập tục thờ cúng các vị nữ thần khác. Nhiều khi bên cạnh Thất Thánh nương, Cửu thiên Huyền nữ, Ngũ Hành nương… có tùng tự hai cô hoặc hai cậu. Hoặc trước kia, ngày vía các vị nữ thần mang màu sắc Hán Việt này lại có bà bóng đến rỗi mời.

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường – Sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *