Những ca khúc Trịnh Công Sơn đã là một phần tuổi trẻ chúng tôi. Thật tự nhiên, bởi vì thế hệ chúng tôi đã cùng cảm nhận và chia sẻ bằng cả trái tim đầy u uẩn của mình những bài hát ấy. Nó là nỗi đau từ bên trong, sâu trong máu thịt, suốt tuổi ấu thơ và tuổi trẻ chiến tranh tang chế. Nó là lời than van, là câu kinh, là tiếng kêu khi con người đớn đau, thống khổ, hoạn nạn…

Nó cũng là điều giải tỏa, sự thoát lên, làm nhẹ đi nhiều thứ… Cho dù có thể ta chỉ nghe để đến mà không cần hiểu, không cần lời đáp, không muốn gọi tên.

Tiếng guitar rơi rơi, thống thiết, lời hát như có như không, cứ ngấm vào bên trong người nghe không cần một gắng sức nào. Đó là lời mách bảo, là lối đi không tên ngắn nhất từ trái tim đến trái tim, từ sự huyền nhiệm đến sự mầu nhiệm. Nó đánh thức trong ta điều gì đó chưa bao giờ được gọi dậy, có thể từ vô thức, từ tiền kiếp, mà cũng có thể ở tương lai.

Có vẻ như tình yêu đang lên tiếng. Tình yêu nam – nữ, tình yêu người – người. Gần và xa. Hư huyễn. Sắc không – không sắc. Rất đời, rất chói ngời kề cận nhưng cũng có thể chẳng có gì, chẳng là gì.

“Tình như nắng vội tắt chiều hôm/ tình không xa nhưng không thật gần/ Tình như đá hoài những chờ mong/ Tình vu vơ sao ta muộn phiền/ Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại/ ngỡ chỉ là cơn say/ Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời/ như một lời chia tay…” (Như một lời chia tay). “Có khi mưa ngoài trời/ là giọt nước mắt em/ Đã nương theo vào đời/ làm từng nỗi ưu phiền/ Ngoài phố mùa đông/ Đôi môi em là đốm lửa hồng/ Ru đời đi nhé/ cho ta nương nhờ lúc thở than/ Chân đi nằng nặng hoang mang/ Ta nghe tịch lặng rơi nhanh/ dưới khe im lìm…” (Ru đời đi nhé).

Thật lạ lùng khi lần đầu tôi nghe những bài hát ấy, trên chuyến xe đang băng băng trên quốc lộ 1, quãng địa đầu tỉnh Phú Yên chỉ núi đồi và cây cỏ. Tiếng guitar quá đầy, rơi từng giọt như mưa nặng hạt. Tiếng hát trầm ấm, thao thiết, tinh tế, như thoát ra từ bên trong một nỗi niềm rất đẹp rất buồn, nhưng lại khiến người ta thấy yêu nỗi buồn ấy thay vì trốn chạy, khước bỏ.

 Tất cả nhóm bạn trên xe đều hết sức bất ngờ khi người sở hữu chiếc đĩa CD tự thu cho biết, chủ nhân của giọng hát và tiếng đàn lạ thường ấy không phải ca sĩ, cũng chẳng phải một người bình thường mà là một tu sĩ tuổi bốn mươi, đã xuống tóc từ buổi hoa niên và đang trú trong một ngôi cốc nhỏ ở gần Ngã ba Thành – Ninh Hòa, đường dẫn vào thành phố Nha Trang.

Tôi đã nghe bao nhiêu người hát nhạc Trịnh Công Sơn, cả giọng nam lẫn giọng nữ, cả ca sĩ chuyên nghiệp lẫn người hát bản năng bất chợt…, nhưng hát “đến” được thế này thì đúng là chẳng có bao nhiêu.

Từng có những ca sĩ nổi tiếng hát nhạc Trịnh rất giỏi, nhưng thực ra họ chỉ phô diễn kỹ thuật qua giọng hát nhạc viện điêu luyện của mình chứ chưa hề chạm tới được tâm cảm của người viết nhạc. Khoảng cách giữa nhạc sĩ và ca sĩ vẫn là cả một chiều sâu văn hóa – tâm linh với nhân sinh quan, vũ trụ quan không thể chuyển đổi. Người ta không thể cố “trình diễn” cho hay những bài hát Trịnh Công Sơn, kể cả khi được hỗ trợ bằng những hòa âm phối khí sang trọng hay những danh hiệu phù du.

Nhạc Trịnh Công Sơn dành cho những nỗi buồn có thật, những khoảnh khắc con người tự khám phá mình, tự hiểu về mình, tự biết rõ những giới hạn của chính mình và của chung loài người. Nó thuộc về bản thể nội tại, không phải thứ tô vẽ hời hợt bên ngoài, là những gì thật nhất trong ta chứ không thể vay mượn của ai khác.

Phải chăng đó chính là sự “bình đẳng” của mọi người trước nhạc Trịnh Công Sơn? Sự bình đẳng không khước từ bất cứ ai có giọng hát và tâm hồn bắt được “tần số sóng” của người viết nhạc, để hát như thể chính mình ở trong bài hát. Sự bình đẳng cho phép tiếng hát của một nhà sư cũng “vô tội” như mọi con người thế tục khác trước cái đẹp của âm nhạc và ngôn từ.

Xin cảm ơn một tiếng hát lại nối dài thêm cuộc sống Trịnh Công Sơn.

Theo Ngô Thị Kim Cúc (Thanh Niên Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *