SGTT- Có những nhà khoa học có thể gọi là “bà đỡ” của động vật hoang dã bởi khi loài nào có nguy cơ tuyệt chủng, họ sẽ tìm cách thuần hoá, nuôi giữ và bảo tồn nguồn gien quý giá của chúng. Phạm vi hoạt động của họ trải rộng từ biển đến sông, hồ, rừng, núi… và bất kể thời gian, miễn sao có thêm một loài mới không chỉ được đưa ra khỏi tình trạng báo động, mà còn mang lại giá trị kinh tế cao.

Đỏ mắt tìm cá trong Sách Đỏ

Hệ thống hồ nhân tạo của Trung tâm quốc gia Giống hải sản miền Trung nằm biệt lập trên một khu đất cao, cách bờ biển Nha Trang (Khánh Hoà) khoảng 1 km. Trong đó có những loài hải sản thuộc dự án Bảo tồn lưu giữ nguồn gien và giống các loại thuỷ sản nước lợ mặn, gồm: cá mú cọp (33 con), cá song da báo (26 con), cua huỳnh đế (50 con)… Nhìn những con cá giống, có con nặng cả trăm ký thong dong bơi lội, ít người biết rằng các nhà nghiên cứu đã phải vất vả như thế nào để “gom” được chúng về đây.

Anh Nguyễn Văn Dũng, phó phòng công nghệ sinh học kiểm tra tình trạng sức khoẻ của ấu trùng cá giống 

Lặn ngụp tìm cá

 

Phó Giám đốc Trung tâm quốc gia Giống hải sản miền Trung Nguyễn Văn Hùng gọi vui công tác thu thập nguồn gien cá bố mẹ mang về làm giống là “mót cá”, bởi “để thu được cá, chúng tôi phải đi nhiều nơi, mỗi nơi gom được vài con và mất nhiều năm mới có được đàn cá như bây giờ”.

Anh Hùng mô tả: “Loài cá nào đã được xác định cần bảo tồn sẽ được đưa vào danh mục dự án. Chúng tôi phải nghiên cứu kỹ môi trường sống, địa điểm phân bố, tập tính của chúng. Thời gian đầu, chúng tôi bám sát ngư dân, đặt hàng họ loài cá cần tìm, nhưng nhiều chuyến đi chỉ thu được cá chết. Có khi cá chết trong lúc đánh bắt hoặc trên đường vận chuyển vào bờ”. Hay người dân cũng bắt được cá sống, nhưng không đủ tiêu chuẩn về kích cỡ, trọng lượng… nên nhiều khi, “chúng tôi ra khơi cùng ngư dân, lênh đênh trên biển cả tháng trời”, anh Hùng kể. Trong những chuyến ra khơi như thế, khi tàu “đóng” nơi nghi có cá, các nhà nghiên cứu sẽ phối hợp thợ lặn để khảo sát. “Có những chuyến đi “trắng tay toàn tập”. Nhưng nếu bắt được con nào thì tìm cách bảo quản trong bể chuyên dụng. Những chuyến đi ngắn ngày, cá sẽ được gây mê để đưa vào bờ. Nuôi khoảng mười ngày, nếu cá ăn được mồi chết thì bắt đầu đưa vào nuôi vỗ”, anh Nguyễn Văn Dũng, Phó Phòng Công nghệ sinh học của trung tâm cho biết.

Thức, ngủ cùng cá

Anh Hùng nói thêm: “Dự án bảo tồn nguồn gien được thực hiện theo hai hình thức là bảo vệ nguồn gien trong môi trường sinh thái tự nhiên và trong môi trường nhân tạo. Dự án của chúng tôi thuộc hình thức thứ hai, được triển khai từ năm 2005”. Đối tượng dự án là những loài hải sản quý hiếm và có thể mang lại giá trị kinh tế, bởi sau khi hoàn tất công tác bảo tồn nguồn gien của loài nào, loài đó sẽ được nhân giống rộng rãi, đưa ra khỏi danh sách “báo động” để trở thành thương phẩm. Một đối tượng được đưa vào diện bảo tồn sẽ được hoạch định thời gian nghiên cứu, ra con giống từ bảy đến mười năm. Và trong ngần ấy thời gian, các nhà nghiên cứu gần như thức, ngủ cùng từng loài cá mà mình theo dõi…

“Mỗi người một cuốn sổ, trong đó ghi lại các đầu việc phải làm trong ngày, các thông số theo dõi… Làm công việc này thì không kể thứ bảy hay chủ nhật, ngày hay đêm”, Lại Đức Lương Bình – nghiên cứu viên thuộc trung tâm Giống hải sản miền Trung – nói. Cá giống khi đã quen với môi trường nuôi nhân tạo sẽ sinh sản. Thời gian đầu, mười chuyên gia của trung tâm sẽ túc trực để gom trứng giống. Sau này, khi các thiết bị tiên tiến được đưa vào, các nghiên cứu viên có thể “ép” cá đẻ theo lịch bằng cách tiêm kích dục tố.

Cách khu vực hồ cá giống không xa là hệ thống khép kín gồm các hồ dùng để ương cá giống, nuôi tảo làm thức ăn cho cá… Cứ mỗi khu vực như vậy, bao giờ cũng có hai, ba nghiên cứu viên túc trực. Nghiên cứu viên Nguyễn Khắc Đạt múc lên một chén nước từ hồ, rọi đèn pin vào để chúng tôi nhìn thấy những chấm đen li ti trong nước: ấu trùng cá. “Thời gian ấu trùng càng dài thì quản lý càng khó. Không phải bắt tay vào làm là ra được con giống liền. Chỉ cá biệt là cá chẽm, dự tính bảy năm nhưng hai năm chúng tôi đã hoàn thiện được quy trình và chuyển giao, còn những loài khác như cá mú cọp, cá cam, cá song da báo… dù đã thực hiện bốn, năm năm nhưng vẫn phải tiếp tục”, anh Hùng nói.

Các nghiên cứu viên cho biết, cái khó trong việc sản xuất giống là cố làm sao hiểu thật nhanh tập tính của cá con. Những thông số chính xác về nồng độ nước, kích cỡ thức ăn cho mỗi giai đoạn quyết định sự thành bại của cả quy trình. Vậy mà họ đã có những phút lặng người khi chỉ tích tắc, cá con chết nổi trắng bể. Anh Dũng nhớ lại: “Ấu trùng cá mú cọp cực kỳ khó tính. Dù chúng tôi đã tạo ra dòng luân trùng cực nhỏ để cá ăn nhưng vẫn không thành công. Do bệnh môi trường? Chất lượng cá bố mẹ không tốt? Cuối cùng, chúng tôi phát hiện đó là do thức ăn”. Một lần khác, cá mú chấm cam con tự dưng dính chùm chết hàng loạt. Không ai bảo ai, nhóm nghiên cứu lại phân công nhau thức trắng và cuối cùng phát hiện nguyên nhân là gai cá đâm vào nhau tiết ra chất nhờn khiến chúng dính lại và chết.

Thuần dưỡng từ năm 2004, đến nay nhóm nghiên cứu đã tạo được bốn vạn con giống, cứ mỗi con (nuôi khoảng 70 ngày) sẽ bán với giá 9.000 đồng. Ngoài bảo tồn cá, những loài hải sản khác như cua huỳnh đế, tôm mũ ni… cũng đang được bảo tồn tại đây. Thời điểm này, công việc lai tạo các giống cá với nhau để tạo ra giống mới, mang lại giá trị kinh tế cũng đang được trung tâm triển khai…

Bài và ảnh : Trung Dũng – SGGT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *