Ngoài làm thơ, Vũ Cao còn viết truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết. Cuốn "Tuyển tập Vũ Cao" do NXB Hà Nội ấn hành năm 2002, phần văn xuôi của ông dày gấp 4 lần phần thơ. Vậy nhưng, đã nói đến Vũ Cao là người ta nói đến thơ; người ta gọi Vũ Cao là nhà thơ.  

Kể cũng dễ hiểu: Ở lĩnh vực này, ông đã để lại cho đời một thi phẩm có sức sống vượt thời gian. Năm 2000, nhân "Giao thừa thiên niên kỷ", nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình đã làm cuộc phỏng vấn một số nhà thơ quân đội: Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Lê Thành Nghị, Vương Trọng, Hồng Thanh Quang, Nguyễn Hồng Hà. Câu hỏi đặt ra là: Nếu chọn 5 bài thơ hay nhất viết về anh bộ đội Cụ Hồ để mang vào thế kỷ XXI thì các nhà thơ sẽ chọn những bài nào? Kết quả: Gần 30% người được hỏi cho biết, một trong 5 bài họ chọn là bài "Núi Đôi" của Vũ Cao; gần một nửa số người còn lại nói nếu cho họ chọn nhiều hơn con số 5 một chút, họ cũng sẽ chọn "Núi Đôi". Với các nhà thơ chuyên nghiệp thì vậy, còn với đông đảo bạn đọc, có thể nói không ngoa rằng, "Núi Đôi" luôn nằm trong số những bài được họ chép sổ tay nhiều nhất. Các tuyển tập thơ tình được soạn từ nhiều chục năm nay cũng rất hiếm khi vắng cái bóng dáng lừng lững đầy ngùi ngẫm của… "Núi Đôi".

Thật ra, có đọc toàn bộ mảng thơ của Vũ Cao, ta mới thấy ông mang tư chất của một nhà văn nhiều hơn là một nhà thơ. Và "Núi Đôi" chính là một hiện tượng phá cách đột xuất, rất độc đáo của ông. Tuyệt đại đa số các bài thơ của Vũ Cao đều là thơ kể chuyện, có tả cảnh, tả việc rõ ràng. Hồi còn trẻ ông từng viết: "Cách đây mười năm, tôi có lần qua hang Cốc Xá/ Những xác giặc nằm bên nhau nghiêng ngả/ Râu tóc bơ phờ dưới những lùm cây/ Những khẩu súng duỗi nòng bên những cánh tay/ Những con mắt nhìn lên khủng khiếp" (bài "Cốc Xá"), thì khi có tuổi rồi, ông vẫn viết: "Nhiều lần tôi thấy bên công viên/ Mấy người đàn bà nằm/ Chân thõng gầm ghế đá/ Mắt nhắm nghiền/ Tóc xõa/ Những người đàn bà đói nghèo đi kiếm ăn/ Áo quần đẫm sương/ Thân phận vật vờ/ Đã bao đêm không biết nằm đâu/ Ghế đá lùm cây tạm ngủ" (bài "Nhiều lần tôi thấy"). Đó là những đoạn gọi là thơ nhưng thực chất đã phải làm thay nhiệm vụ phản ánh hiện thực của các thể tài văn xuôi. Và sự thực, chỉ cần ta bỏ đi chút vần nối ở cuối mỗi câu, hẳn người đọc sẽ thấy nó như thể những đoạn, những mảng… cắt ra từ một truyện ngắn (hoặc một bài bút ký, một cuốn tiểu thuyết) nào đó.

Đọc thơ Vũ Cao, ta có cảm tưởng ông viết khá nhọc nhằn. Có bài kể chuyện một anh bộ đội nhỡ độ đường được một cô gái miền sơn cước tiếp rượu, mấy khổ thơ cuối thật hào sảng:

Tôi trông màu rượu
Màu tím hoa cà
Lại nhìn đôi mắt
Sáng tròn như hoa

và:

Lên ngang dốc núi
Chợt thấy mình say
Người ơi hoa tím
Đầy rừng hoa bay.

Nhưng mấy ai biết rằng, bên cạnh việc giữ "nguyên trạng" mấy khổ thơ này, tác giả còn cẩn thận làm hai phần "vào đề" khác nhau (có bối cảnh, không gian và thời gian khác nhau) và cho in thành hai bài cùng đứng trong một tập (một bài tên gọi "Hành quân đêm", một bài tên gọi "Ngang dốc núi") để bạn đọc so sánh và tùy ý… lựa chọn. Làng thơ Việt Nam thật hiếm trường hợp như vậy. Tất nhiên, sự kỳ công ở bài "Ngang dốc núi" so với bài "Hành quân đêm" viết ra trước đó có thể đem lại hiệu quả cảm xúc mạnh hơn, song việc làm "dàn bài", xây dựng bối cảnh kiểu ấy thiết nghĩ không phải là cách sáng tác của một nhà thơ.

Với bài thơ "Núi đôi", Vũ Cao cũng có cách xây dựng theo kiểu một nhà văn. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong tập "Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ" (NXB Hội Nhà văn, 2001) đã kể lại xuất xứ bài thơ mà anh nghe được từ chính tác giả: "Bài "Núi Đôi" ông viết tháng 12/1956. Hồi 1955-1956 ông về công tác ở sư đoàn 312 đóng quân ở Sóc Sơn, cạnh đấy có núi Đôi. Một hôm, theo mấy người dân đi chợ, ông nghe họ kể về cô gái du kích trong làng yêu một anh trai làng, rồi anh đi bộ đội. Anh bộ đội trở về thì cô gái đã hy sinh. Vũ Cao tìm đến thăm mộ cô gái đó. Và cuối cùng là bài thơ "Núi Đôi" ra đời, đúng như câu chuyện có thật, kể cả tên làng tên chợ, tên người và quang cảnh đều hoàn toàn có thật. Mộ cô gái hiện nay vẫn còn. Chỉ có anh bộ đội là ông không gặp được". Như vậy, "Núi Đôi" là tác phẩm được xây dựng trên một cái sườn cốt truyện có thật. Song không giống với những bài thơ khác của cùng tác giả, ở thi phẩm này, Vũ Cao không quá thiên về phản ánh sự việc mà ông chú ý hơn đến phần tâm tình, đến tiếng vọng dội lên từ trong sâu thẳm tâm hồn mình.

Nói một cách hình tượng thì nếu như nhiều bài thơ trước đó của Vũ Cao chỉ như bầy gia cầm lò cò trên mảnh đất hiện thực chật chội, đáp ứng nhu cầu "phục vụ tức thời" thì với "Núi Đôi", nó đã hóa thiên nga sải cánh bay cao trên bầu trời rộng rênh của nền thơ kháng chiến. Nó đã kết hợp được một cách hài hòa, nhuần nhị giữa cái ảo và cái thực; giữa hình ảnh và giai điệu; giữa tình riêng và lẽ sống chung… Bởi thế mà "Núi Đôi" là bài thơ có thể đáp ứng được nhiều đối tượng bạn đọc và cũng là thi phẩm có sức khái quát cao.

Nếu như trước đây, thơ Vũ Cao thường nặng về tả, thậm chí tả rất kỹ, thì ở bài này, ông không làm như vậy. Nói đúng hơn, cảnh chỉ được điểm xuyết và là cái cớ để ông bộc lộ tình cảm của mình. Những chỗ tả kỹ nhất, rõ nhất chính là mấy chỗ ông nói về tội ác của giặc. Đó là: "Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau" (một hình ảnh có tính đại diện, và rất biểu cảm. Yên bình như cây cau ở chùa mà cũng phải chịu cảnh bị đốt cháy đỏ); là: "Sân biến thành ao, nhà đổ chái/ Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay". Còn thì ông chỉ chạm nhẹ, lướt qua, kiểu như "Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi", như "Sương trắng người đi lại nhớ người", chứ không kỹ càng tô vẽ khiến tâm trí bạn đọc bị phân tán vào cảnh trí. Ông muốn bạn đọc như ông, nhập hồn vào từng cung bậc tình cảm của nhân vật…

Âm hưởng chung của "Núi Đôi" là buồn. Có chỗ buồn tê tái, buồn đến thẫn thờ:

Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen.

Cứ nhìn vậy mà hoài nhớ và rồi cái nhìn ấy đã nhòa đi. Câu thứ ba là một câu thơ nhòe nước mắt, còn câu cuối là một tiếng nấc:

Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em.

Khổ thơ thứ 15 trong bài thơ là một khổ đặc biệt trầm lắng:
 

Ai biết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau, anh gọi: em, đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng

Tác giả như thủ thỉ nói với người đã mất. Chữ "đồng chí" trong câu thơ bình thường sẽ bị cho là lên gân, song ở đây, ở trường hợp cụ thể này, nó lại tạo hiệu quả cảm xúc rất mạnh, khiến trái tim ta thắt lại. Trước Vũ Cao, vào những năm đầu chống Pháp, Nguyễn Đình Thi cũng đã từng dùng hai chữ "đồng chí" để gọi cô bé trong một bài thơ của mình: "Chiều mờ gió hút/ Nào đồng chí – bắt tay/ Em/ Bóng nhỏ/ Đường lầy". Thật không sao nói hết tấm lòng yêu thương vô bờ bến của các tác giả được dồn nén trong mấy chữ "đồng chí" đầy ngọt ngào mà đắng đót ấy, tưởng như các ông đang thay lời non nước bày tỏ sự âu yếm, tri ân đối với bao phận nữ nhi hy sinh trong thời chiến…

Kể thì bài thơ cũng có thể kết thúc ở khổ thơ trên. Song nếu vậy dễ bị quy là "reo rắc sự bi quan". Chẳng gì thì trước đó mấy năm, bài thơ "Ngò cải đơm hoa" của nhà thơ Lưu Trọng Lư, chỉ vì cái kết nêu hình ảnh một cô gái có tâm trạng buồn khi không thấy chồng trở về trong đoàn quân chiến thắng, đã bị quy kết là "ủy mị, thiếu tinh thần xây dựng" và có nhà phê bình thẳng cánh đòi "đuổi bài thơ hiu hắt này ra khỏi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Có thể là do Vũ Cao không muốn rơi vào tình cảnh tương tự, cũng có thể là do khí chất “nhà thơ mặc áo lính” mà ông thấy bài thơ cần phải được nối thêm 4 câu:

Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm

Bình thường, hình ảnh sao trên mũ được ví với sao sáng dẫn đường, nói vậy dễ bị cho là sáo, là cương. Song chính giọng thơ không giấu được sự bùi ngùi của tác giả khiến ý thơ trở nên dễ tiếp nhận hơn. Chưa kể, kết hợp với một hình ảnh ví von vừa khoáng đạt vừa dung dị ở hai câu dưới, khổ thơ càng thêm xúc động. Người đọc không thương cảm sao được khi từ đây, họ biết người lính ấy sẽ sống, chiến đấu với một loài hoa ngát thơm trong tâm tưởng và ý chí của một ngôi sao lấp lánh ánh sáng cô đơn…

Theo Phạm Khải ( CAND.COM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *