Anh quay mặt vào tường, bàn tay ngoặc về sau lưng nằm yên trong tay chị. Năm ngón úp xuống, đầy những đường gân xám như muốn vò nát, làm tan đi những ngón xanh xao nằm dưới, ngửa lên, đang ngọ nguậy, yếu đuối bấu víu vào khoảng không. Cả hai nghe thấy dòng nham nháp chảy giữa những ngón tay, chẳng biết toát ra từ đâu, tâm trạng bần thần của anh hay thứ dịch tụ lại vào những giây phút cuối cùng của chị? Hai bàn tay trượt lên nhau tha thiết, bất chấp không khí đặc quánh những linh hồn đang lởn vởn xung quanh.

Ảnh: Hồng Nguyên

Chỉ còn 5 phút nữa thôi. Khi dì Út vào, chị sẽ nói ra điều mà họ đã bàn với nhau mấy tháng nay. Năm phút nữa thôi, chị và anh sẽ trở thành hai người khác trong mối quan hệ 15 năm.

Chị vào một ngày – có lẽ rất gần rồi, sẽ ngồi yên trong nhà của mình, nơi có nhang khói ấm áp cả ngày và đêm, như một người đã từng ở đây, bằng bức hình tươi tắn đã tự rửa sẵn. Anh sẽ đứng vài phút ở chỗ chị ngồi, mỗi sáng, mỗi tối đi làm về. Hai đứa nhỏ cũng vậy. Họ sẽ tiếp tục đi chung phần đời còn lại, không có gì thay đổi. Tất cả đã nói với nhau trong một bữa cơm tối sau khi chị nhận kết quả ung thư vú. Rằng sự vắng mặt của chị, nếu có, chỉ là những bữa cơm lúc nào cũng có cà chua thế này (chỉ có mình chị ăn món đó); những bộ quần áo được giặt bằng tay và ủi với thứ nước thơm mùi lavender hay lời những nhắc nhở mà anh hay dùng từ tính từ của dòng nước chảy để diễn tả như rỉ rả, rù rì… Chỉ có như vậy thôi. Chị sẽ đi lại lòng vòng ở đây, vô hình, cũng áp má hai con, cũng xoa tóc anh mỗi đêm và có lẽ chị sẽ vẫn giữ thói quen nhìn họ ra khỏi nhà mỗi sáng từ cái cửa rào bằng gỗ, loà xoà hai chậu ngọc lan…

Từ khi chị nằm viện, chẳng có thói quen mới nào là quá khó với ba cha con. Hơn năm tháng nay, họ đã tự lục đục vào bếp trong mỗi buổi sáng, lo cho mình một phần trước khi tới nơi làm, nơi học. An đã nhặt lấy áo của ba và em đi giặt sau giờ học sáng, Phúc đã ủi chúng một cách thẳng thớm bằng sự tỉ mỉ của nó khi chăm sóc những chậu lan rừng mà mẹ từng yêu mến…

Chị có vẻ hài lòng khi nghe lại điều đó.

Nếu không phải là dì Út, có lẽ chị cũng chẳng trao phần máu thịt của mình còn hiện diện trên trần đời này cho ai, làm gì. Chị đã lựa chọn hay nói đúng hơn là có được anh như một chiếc vương miện của thời con gái. Đám cưới của họ là sự đăng quang của tình yêu, bắt nguồn từ ai và ai trong hai người yêu nhiều hơn, điều đó không quan trọng. Chị đã nuôi dưỡng chiến thắng ấy, bắt đầu biết chắt chiu tất cả những niềm vui, cái đẹp, tinh tường… vào thứ được tạo ra chung với anh, hai bào thai. An và Phúc, có lẽ, chính là điển hình kết quả của hạnh phúc 15 năm.

Nên bây giờ, sự ra đi không có nghĩa là chấm hết. Cuộc sống không có chị vẫn tiếp diễn, với dì Út. Chị nói đùa với bạn bè dì là “cái bóng” trong căn nhà của ông bà ngoại hai đứa nhỏ. Ông bà nhiều khi lầm tưởng đó là chị. Dì, từ sau này, sẽ trang điểm ở cái bàn của chị, mặc những bộ đồ chị để lại, giặt đồ, rửa chén và cả ngủ ở chỗ của chị hàng ngày, hàng đêm. Dì cũng sẽ tiễn ba người đàn ông đi làm, đi học từ chỗ hàng ngọc lan…

Thuỷ nhìn những con chữ chạy trên màn hình, thấy thanh thản, dễ chịu. Nó tuôn ra dễ dàng, như chính cô đang viết tự truyện của mình. Thuỷ ước gì cô là thành viên trong gia đình ấy, ở vị trí nào cũng được, để được sống an lành như thế. Cái chết đến nhẹ nhàng, chứng tỏ họ cũng đã có một cuộc sống thật nhẹ nhàng. Cô có nghĩ một chút về Hoàng, về mái ấm, hạnh phúc và cái chết mà có thể cô sẽ có với anh, một ngày nào đó.

Thuỷ đồng ý, từ trường hợp của chị, chết chỉ là dấu chấm than, chứ không phải là chấm hết, nơi mà bắt đầu từ đó người ở lại và ra đi sẽ nhiều xúc cảm hơn để tiếp tục những chặng đường khác nhau của mình. Cô từng nghĩ, con người đều là nạn nhân, không, là quân lính trong trò chơi cờ người của thượng đế. Nhưng ở những nước đi quyết định này, giữa biên giới của trần gian và âm phủ hay thiên đường, họ lại làm chủ, không để ai sai khiến mình nữa cả. Đó là đặc quyền người ta chỉ có được khi đã sống đẹp với nhau trên đời.

Cũng như người phụ nữ ấy, Thuỷ hoàn toàn dễ chịu khi nghĩ đến cái nhắm mắt bình yên của bà ngoại, thậm chí là mũi tiêm cuối cùng chấm dứt cơn đau ung thư sáu tháng trời của dì Út. Cô cười với họ, suốt những ngày mà cả nhà chỉ toàn nước mắt. Cô cũng muốn như họ, nhận được những cái nhìn bình thường như đi đâu xa vài ngày rồi lại về, thậm chí là cái cười tiễn đưa cho cuộc ra đi ấy.

Thuỷ nghĩ chỉ khác ngoại hay dì Út ở chỗ, cô không muốn bất kỳ một sự lưu dấu nào. Ngày chết, Thuỷ sẽ nằm im đâu đó dưới lòng sông, trên bãi cỏ hoang, giữa trời đất… để bắt đầu hành trình tro bụi mà không cần biết có hàng trăm hàng triệu những con người sẽ khóc thương, tiếc nuối cho linh hồn không bao giờ trở lại của mình.

Điều đó thảng thốt với mẹ, nhưng tự nhiên, như những lẽ đời mà con người ta phải đối diện hàng ngày. Chắc chắn là như vậy. Cô đã vạch sẵn kế hoạch về cái chết từ năm 18 tuổi.

Thuỷ học từ mẹ đó chứ. Bà từng tếu táo: “Nhớ mua cho mẹ một cái hòm loại rẻ tiền nhất. Trên bảng cáo phó đề chữ to: chỉ nhận hiện kim, không nhận trái cây và vòng hoa”. Nhiệm vụ của con gái là mang tất cả số tiền đó cho người nghèo bị ung thư như dì Út và ngoại. Mẹ sợ cái nhìn đau đớn không phải vì bản thân ung thư mà vì họ không có cả tiền tiêm một mũi thuốc giảm đau.

Thuỷ phá tan câu chuyện, nháy mắt: “Mẹ có cho con xin trích một số để cưới chồng không?”. Mẹ bảo muốn làm gì thì làm, nhưng sau đó, cũng đừng nhang đèn làm gì. Bà muốn nằm im trong góc bàn trang điểm của cô, để âm thầm dõi theo những tâm sự buồn vui thầm kín nhất.

Mẹ cười ý nhị: “Khi nào có chồng, đêm về thì có thể xoay bức hình ra cửa sổ, để mẹ ngắm trời sao”. Thuỷ lắc đầu: “Sao mẹ không ra ngồi kế ba, để con tự do. Hàng ngày con đi ra đi vô cũng gặp mẹ mà”. Bà cũng chẳng vừa: “Mẹ sợ chết chỉ vì một lý do duy nhất, nghĩ đến ngày gặp ổng dưới kia”.

Bàn gì cũng được, nhưng nói đến chồng con là con lại ngại mẹ. Mẹ hối hoài, vụ Thuỷ rủ Hoàng về nhà chơi. Nhưng chỉ có Thuỷ mới biết chừng nào thì nên, và có nên không?

Chuyện chừng nào Thuỷ có chồng, chỉ có cô hiểu rõ nhất, cũng như người ta nghĩ đến trúng số hằng ngày, nhưng cái ngày đáng mơ ước đó ở khoảng nào trong đời thì có ông trời mới biết được.

Yêu thì cũng có yêu, cũng nhớ, nhưng mà mong thì dẹp rồi, vì từ lúc quen nhau, Hoàng không bao giờ ở nhà quá hai ngày. Anh tới chỗ rừng, biển hun hút, thăm thẳm… nào không biết nữa, chỗ thường xuyên mất sóng điện thoại. Hoàng vác balô theo những đoàn khảo sát môi trường thiên nhiên, khi của Tây, lúc đến từ Tàu, hoặc Phi… Họ chịu khó dùi mài xứ mình cho những công trình trọng đại gì đó của riêng mình, đã đành. Với Hoàng, người chẳng được thứ gì cụ thể trong chuyện này, Thuỷ chỉ mong sự nhiệt tình của anh bằng nửa họ thôi, thì cô đã dễ thở hơn.

Hai ngày còn lại trong tuần khi về thành phố, thường Hoàng dành một cho mẹ của mình, một ngày cho con chó. Thuỷ có hai đêm gặp mặt, trao đổi nhiệt tình với nhau về chuyện rừng biển và thành thị và… về ngủ. “Vậy mà yêu nhau được cũng hay”, Thuỷ nghĩ, mình giống như hòn vọng phu, khác cái tượng hồi xưa là lâu lâu được đắp cho thêm một miếng đất, để không lụn xuống cùng sóng biển âm thầm nuốt chửng mình từ bên dưới. Sống thêm để mà đợi chờ.

Mỗi chuyến đi của Hoàng, Thuỷ có thể biết anh ở chỗ đó, làm công chuyện đó, gặp ai đó. Thuỷ nghe người ta nói Hoàng tằng tịu với một con nhỏ từ rừng này qua biển nọ. Hỏi “Cô đó là ai mà thiên hạ hỏi em nhiều vậy?”, Hoàng nhẹ nhàng: “Đồng nghiệp. Lúc nào cũng đi chung. Sao họ không ai hỏi anh ta?”. Thuỷ sẽ làm gì bây giờ, cấm “anh không được đi chung với cổ” chắc? Hay cô sẽ xách gói làm thám tử điều tra “vụ án tình yêu?”. Cô luôn thấy Hoàng hợp lý, hợp lý vô điều kiện. Ngay cả khi anh rủ hai người đi chơi chung, làm quen với nhau như chị em một nhà.

Hoàng đã nói rất rõ ràng, công việc là công việc, tình cảm là tình cảm. Không dính lẹo, rắc rối. Thuỷ cũng nghĩ cần phải vậy.

Chỉ có đêm nằm khóc ướt gối, Thuỷ mới giật mình: “Ủa, mình còn cái chi mơ ước Hoàng làm chồng không?”.

Lâu lâu Hoàng lại nhỏ nhẹ: “yên tâm”. Anh chẳng hứa hẹn gì cả. Ngày gọi về hai lần, lần chưa đầy hai phút, luôn trống trải ở những giây cuối và luôn có “yên tâm” với những thứ từ linh tinh như “nhớ ăn sáng trước 8 giờ, dùng thuốc đau bao tử sau đó 10 phút”, cả những chuyện trọng đại như “sao chẳng khi nào thấy anh nói nhớ em”…

Thuỷ nghĩ, bây giờ còn chẳng có chuyện gì để nói với nhau, thì sau này về chung sống biết làm gì với 24 tiếng đồng hồ trôi qua trong một ngày, chưa kể phải nhân nó với số ngày, số tháng, số năm.

Cô dừng lại rất lâu trước màn hình, lại hí hoáy gõ. Nghĩ về Hoàng luôn cho cô sự sôi sục trên trang viết thế này. Đúng là như vậy…

Cô miên man nhớ về cái dáng ngồi thiểu não của người đàn ông trên chuyến xe đò hôm ấy. Đó chính là hình mẫu đầu tiên về sự đau đớn của đàn ông mà Thuỷ thấy. Mẹ có nói ba đã gục đầu, đã cúi xuống chân xin bà tha thứ vì tội ngoại tình, nhưng Thuỷ vẫn chưa tưởng tượng được nó như thế nào, vì cô chưa bao giờ biết đến ba. Nhìn những người đã đi qua mình, cô nghĩ, mẹ đúng, họ quá mạnh mẽ, dị thường so với sự mong manh của đàn bà, để bị thương. Giả vờ đau đớn vì bị thương thì càng kệch cỡm.

Nhưng với anh, không hiểu sao Thuỷ chỉ thấy được mỗi phần yếu đuối khi đàn ông gục ngã. Cô nhìn thấy ở anh thần thái của một con người phương phi, có nét sần sùi kinh điển của phái mạnh. Và cô nhìn thấy mái tóc run run che một con mắt khoé mắt đỏ hoe, đã tràn nước, bàn tay run run trong tay cô…

Tội. Thuỷ cứ nghĩ đến từ ấy, ém nó lại trong đầu mình vì biết rằng nói từ đó với một người đàn ông như anh thì như lấy cái vạt áo bụi bám đầy của cô dụi sâu vào con mắt kia. Anh thì liên tục lặp lại cái từ mà Thuỷ nghĩ trong đầu, khi nói về chị, mấy đứa nhỏ trong nhà. Anh xúc động đặc biệt khi nhắc đến dì Út, người đã tự nguyện hy sinh buồng trứng để là “mãi mãi là người phụ nữ chung thuỷ bên anh, là hình bóng của chị và chỉ là mẹ những đứa con của chị mà thôi”. Thuỷ nghĩ: “Dì Út từng chỉ là cái bóng…”, cũng không sai.

Anh nói chuyện với cô, người tình cờ đi chung một chuyến xe, như một khối thuốc nổ được châm ngòi khi Thuỷ không dưng nhắc đến cái chết. Nó ngắc ngứ, cay xè, rồi xì ra không phanh trên chuyến xe vắng người hôm ấy. Anh nắm tay cô, bùi ngùi, nấc lên từng hồi theo nhịp của chiếc xe đò giật cục. Cái nắm tay của anh yếu đuối cần được siết chặt trở lại, dù chỉ trong khoảnh khắc nào đó.

Thuỷ đã không phản ứng gì. Cô suy nghĩ nhiều điều từ cái nắm tay của anh. Và cô thực sự chỉ muốn biết đàn ông như anh sẽ như thế nào trong suốt phần đời còn lại của mình…

“Anh sẽ sống như anh đã từng sống và chịu tất cả hậu quả mình đã gây ra”. Thuỷ giật mình vì tiếng nói ấm áp lan tỏa trong căn phòng, thấm sâu vào cô. Thuỷ không thể tìm thấy nó phát ra từ bất kỳ nơi nào, và tại sao lại có thể trả lời câu hỏi chỉ ở trong đầu của cô.

Thuỷ từng nghĩ cái chết thì ma cỏ hay những gì ngu ngốc nhất mà con người từng tưởng tượng ra để hành hạ bản thân mình chỉ là một lớp màu vui vẻ trong mắt cô. Cô cũng muốn đáp lại bằng sự điềm đạm như cái cách giọng nói ấy phát ra: “Hậu quả nào?”.

Sau tràng cười thất thanh, tiếng nói bắt đầu chắc lẽm, cao ngạo: “Cô 24 rồi mà còn ngây thơ vậy sao cô bé?”.

Đó là từ mà bạn bè của cô vẫn thường nói. Và cô chẳng có gì ái ngại với chúng, thậm chí là một vũ khí mạnh mẽ mà cô chinh phục những đối tượng mình cần: “Cô định cho tôi biết điều gì, cô người lớn?”.

Giọng nói có vẻ ngả chiều cảnh báo: “Hoàng đang đi chơi với một con khác. Cô biết. Và cô giống một con khùng ngồi đây chờ nó”.

Thuỷ càng nhẹ nhàng hơn: “Thì sao nào, cô bạn, có dính dáng gì đến chuyện tôi và cô đang nói đến à?”.

“Có chứ. Mà cô cũng muốn biết sao? Trên chuyến xe đò, anh ta đã nắm tay cô để làm gì, cô cũng muốn biết sao?”. Giọng cười thích thú vang lên, rồi lặng thinh, mặc cho Thuỷ mơ màng đi tìm trong cái không gian im phăng phắc vừa chứng kiến cuộc đối thoại của cô. “Hèn”, cô mắng cái thứ không dưng hiện ra giữa đêm khuya, tiếp tục nghĩ đến câu chuyện người đàn ông trên chuyến xe. Sau cái nắm tay…

Cái bóng của dì Út lởn vởn đâu đó trong cuộc đời chị, chẳng phải vì chị và dì là chị em sinh đôi. Dì học trường của chị học, ăn món ăn của chị thích, mặc cùng màu xanh két mà chị hay chọn… Và cũng dễ giải thích khi chính dì từng thừa nhận, yêu cùng người mà chị yêu. Cả chị và dì đều không có sự lựa chọn khác hơn trong quyết định mà năm phút nữa chị sẽ nói ra.

Người không hiểu trong chuyện này không phải là anh, mà là hai đứa nhỏ. Chúng sẽ không bao giờ giải thích được tại sao mình lại cần có một người mẹ khác, tại sao lại là dì, và tại sao lại không phải ở một lúc nào khác sau khi mẹ nó đã ra đi?

Họ không nói gì với nhau trong căn phòng âm u của bệnh viện. Chỉ có niềm thương cảm dâng tràn giữa hai người, bởi đến phút cuối cùng họ không thể giải thoát cho sự thật mà suốt quãng đời sống chung, họ đã dối trá nhau một cách thậm tệ. Cả anh hay chị đều làm sao dám nói ra cái sự thật, rằng anh đã làm dì Út mang bầu trước khi chị có An, rằng dì Út đã đi phá thai ở tuần thứ 12 rồi tự dẫn mình đến vô sinh trọn đời, rằng chính chị là người dẫn dì đi bệnh viện để phá thai… Và rằng từ đó, chị không có đủ dũng khí, tinh thần để sống tiếp cuộc đời thanh thản…

Vợ chồng họ có thứ gì trong giây phút ấy, tình yêu hay lòng hận thù đang bao trùm hai người vào những giờ phút cuối cùng?

Đó không phải là sự thật. Có ai đó đã mách cho Thủy, cầm lấy tay cô gõ cái thứ “ma xui quỷ ám” này. Đầu óc của Thuỷ là thứ chuyên bôi nhọ, xé nát những bi kịch đẹp đẽ, nhiều người đã nói điều đó khi đọc văn của cô… Nhưng cô không định viết ra như thế.

Thủy đọc lại những dòng chữ đó, cô tiếp tục suy nghĩ từ cái nắm tay yếu đuối của người đàn ông trên chuyến xe đò…

Thôi, cô sẽ nghĩ đến những thứ khiến mình có thể nhẹ nhàng hơn. Hoàng của cô ở một nơi nào đó sẽ trở về trong một ngày đẹp trời, cô sà vào lòng anh, dẹp tan những tưởng tượng hoang đường. Chỉ có một sự thật là họ ở bên nhau. Nó đẹp đẽ hơn bất kỳ một tương lai mơ hồ nào.

Nhưng Hoàng tại sao lại mang gương mặt của anh, người đàn ông đã nắm lấy tay cô trong một lúc. Ông đã nói gì? Câu chuyện thương cảm của cuộc đời mình với một cô gái xa lạ như Thuỷ. Và chờ mong gì ở cô?… Cô không giải thích được nó.

Hoàng chỉ nhún vai, mỉm cười…

Hoàng lại nắm tay cô, ập vào ngực cô, như bù đắp…

Nhưng anh lại hiện hình là ba của cô, người đàn ông khiến mẹ Thuỷ ghét cả việc nhỏ nước mắt của mình…

Gương mặt của Hoàng biến dạng, đủ sắc màu, nhạt nhoà giữa những người đàn ông mà Thủy từng đi qua. Anh là ai đó mà cô không còn nhận ra nữa…

Thuỷ thấy mệt mỏi trong ngổn ngang những suy nghĩ. Cô thực sự phiền lòng.

Con trỏ nhấp nháy chờ đợi những gì sẽ diễn ra tiếp theo. Nó thách thức, trêu ngươi người viết như cô. Thủy thấy ghét kinh khủng, “Chờ cái gì chứ? Chán rồi”. Tất cả. Thủy mò đến chữ delete trên màn hình.

“Sao phải tốn thời gian chuyện đi tìm lời giải cho những thứ bán tín bán nghi từ đàn ông, kiểu này?”. Thuỷ tắt máy.

Cô chìm vào một giấc ngủ có mùi của cây ngọc lan, không biết cái cây đó mọc từ lúc nào bên khung cửa sổ bằng gỗ, toả vào căn phòng của Thuỷ.

Truyện ngắn của Phan Thiên Vũ – SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *