Bên bờ hạnh phúc
Tháp cổ Vĩnh Hưng nằm cách thành phố Bạc Liêu khoảng 20 km, thuộc xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Đây là ngôi tháp duy nhất ở Bạc Liêu có kiến trúc tương tự Tháp Chàm Ninh Thuận, Tháp Chàm Nha Trang. Từ lâu, tháp cổ Vĩnh Hưng đã trở thành một điểm dừng chân thú vị của du khách trong tỉnh Bạc Liêu và một số tỉnh lân cận.
 
Tháp cổ Vĩnh Hưng

Không biết tháp có từ bao giờ. Khi tôi lớn lên đã thấy tháp hiện hữu ở đây với tên gọi tháp cổ Vĩnh Hưng. Tuổi thơ của tôi đã gắn liền với tháp như hình với bóng. Những buổi trưa hè, tôi cùng đám bạn thường ra đây thả diều, đá banh, móc đất sét thi nắn những con vật mà mình yêu thích. Nào là trâu, gà, cá, chó, mèo… đủ kiểu dáng trông thật vui mắt, đứa nào nắn đẹp hơn sẽ được những đứa còn lại cõng một vòng quanh tháp. Đến  khi hoàng hôn xuống thì chúng tôi kéo nhau ra nằm bên thềm tháp, thả hồn ngắm nhìn mây bay mà tha hồ tưởng tượng. Mùa mưa thì ra đây bắt cua, bắt cá, nhổ hẹ nước, năn về ăn với mắm đồng… thật tuyệt. Nhưng có lẽ ăn sâu vào máu thịt của tôi cho đến ngày nay vẫn là những hôm đi lễ chùa đầu năm với má.

 
Nhà tôi cách tháp cổ chỉ vài cây số, nhưng phải đi đường vòng rất xa, nên năm nào cũng vậy, sau khi đón Giao thừa xong, cả nhà đi ngủ hết, chỉ còn mỗi mình má là thức. Má chuẩn bị nào là nhang, đèn, bánh mứt vào trong giỏ đệm, đợi gà gáy canh tư là má gọi tôi thức dậy. Khi tôi vừa rửa mặt xong thì má đưa cho tôi một bộ đồ mới thơm phức mùi vải, má bảo mặc nhanh lên (vì má sợ mấy đứa em tôi thấy sẽ đòi đi theo). Ngoài trời se se lạnh, hàng so đũa hai bên đường nở bông trắng xóa. Má nắm tay tôi đi băng qua cánh đồng đầy lúa chín và cứ vậy thẳng hướng đầu đất mà đi. Trên đường đi, má kể cho tôi nghe chuyện về ngôi tháp cổ. Má tôi nói : Không ai biết chính xác tháp cổ có từ bao giờ, mà chỉ được nghe người ta truyền miệng lại rằng : “Ngày xưa, vua Gia Long tẩu quốc có đem theo công chúa, khi đến đây thì ngã bệnh. Vì không thể đem xác công chúa nên truyền cho quân lính và nhân dân trong làng xây tháp để chôn cất công chúa. Sau khi lên ngôi, Gia Long mang xác công chúa về và còn lại cái tháp cổ này”. Dân làng tiếc thương công chúa nên dựng lên một ngôi chùa để tiện nhang khói cho đến ngày nay.
 
Đi thêm được một lúc nữa thì tôi đã thấy nhiều dáng người xuất hiện, trên tay ai cũng cầm giỏ đệm, má nói người ta đi lễ chùa. Khi mọi người đã nhìn rõ mặt nhau thì tiếng chuông chùa cũng bắt đầu ngân nga. Má nói  sắp đến chùa, rồi má và mọi người không ai bảo ai, nhưng tất cả ai cũng dừng lại đứng sau bờ tre sửa lại quần áo trang nghiêm để vào chùa lễ Phật.
 
Má xếp nhang, đèn ra mâm, dâng lên bàn Phật. Má bảo tôi ngồi xếp bằng, chắp hai tay lên trước ngực, khi nào nghe tiếng chuông thì lạy một lạy. Rồi má nói thêm, con muốn được gì thì cứ cầu nguyện điều đó. Chẳng hiểu có phải linh thiêng thiệt hay không mà năm nào tôi học cũng đứng đầu lớp, đúng như lời cầu nguyện….
 
Tháp cổ bây giờ khác xưa nhiều, nằm giữa một rừng cây bạt ngàn, cao vút, chim hót líu lo trên cành, thân thiện như đón chào du khách, nghe thật vui tai. Phía sau tháp là một cánh đồng lúa, với những dáng người đang lom khom gặt, nhìn như những bức tranh sơn thủy tuyệt vời. Ngôi chùa bây giờ cũng khang trang hơn và ấn tượng hơn. Sau khi tham quan vòng quanh ngôi tháp xong, du khách ghé vào ngôi chùa thắp hương và nghe người trụ trì nơi đây kể về huyền thoại của ngôi tháp này. Nếu có dịp về Bạc Liêu, mời bạn dành chút thời gian, bỏ xa thành phố ồn áo náo nhiệt sau lưng, ghé thăm Vĩnh Hưng, gối đầu lên cỏ ngoại thành và mơ màng cùng tháp cổ. 

Khởi Huỳnh – Theo SCLO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *