Không phải lần đầu, con cá tra nuôi ở Việt Nam đối mặt với hàng rào do nước nhập khẩu dựng lên. Năm 2003, lần đầu tiên cá tra Việt Nam hầu kiện chống bán phá giá ở Mỹ. Liên tiếp các năm sau, vừa theo toà hầu kiện, cá tra còn đối mặt với các chiến dịch “bôi bẩn” của các hiệp hội đại diện cho người sản xuất và đánh bắt thuỷ sản nội địa ở châu Âu, Đông Âu và Ai Cập.

Sau hai năm xuất khẩu sang Mỹ, năm 1998, lượng cá lát catfish không xương đông lạnh của Việt Nam xuất sang đây mới chỉ có 260 tấn. Đến cuối năm 2001, con số ấy đã vọt lên 7.746 tấn nhờ giá rẻ hơn từ 0,08 đến 1 USD/pound và chất lượng không thua kém catfish Mỹ. Tổng giá trị catfish bán ra của hiệp hội Các nhà nuôi cá nheo Mỹ (CFA) giảm mạnh, từ 446 triệu USD năm 2000 xuống còn 385 triệu USD năm 2001. Giá bán mỗi pound giảm từ 0,74 USD xuống còn 0,58 USD, thậm chí có thời điểm còn 0,2 USD. Và đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc con cá tra bị kiện và phải chịu áp mức thuế bán phá giá lên đến 36,84 – 63,88% vào cuối 2003. Mới đây, bộ Thương mại Hoa Kỳ lại nâng thuế 130% vì cho rằng doanh nghiệp vẫn bán giá thấp.

Xung đột lợi ích

Cũng giống như Mỹ, trong vòng bốn năm, sản lượng cá tra xuất sang EU tăng 211% nhưng giá bán giảm 21%. Trong ba năm từ 2007 tới 2009, lượng cá tra xuất sang EU lần lượt là 172.800 tấn, 223.300 tấn và 224.073 tấn, song kim ngạch không tăng. Tổng kim ngạch tương ứng trong ba năm đó lần lượt là 469,5 triệu USD, 581,5 triệu USD và 538,8 triệu USD. Năm nay, tổng sản lượng dự kiến 538.200 tấn với giá trị trên 1,15 tỉ USD, trong đó thị trường EU chiếm 36,8% tổng giá trị.

Sức ép cạnh tranh từ cá tra Việt Nam khiến giới truyền thông Ai Cập vào năm 2009 mở hẳn chiến dịch bôi bẩn hình ảnh con cá tra vì cho rằng, loài cá này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến kế sinh nhai của hàng trăm ngàn hộ nông dân sống bằng nghề nuôi cá rô phi đỏ trên sông Nile.

 

Liên tiếp bị bôi xấu

Hai năm 2003, 2004, thuỷ sản Việt Nam bắt đầu đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá cá tra, tôm.

Đầu năm 2009, bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) triển khai dự luật Nông nghiệp 2008 (Farm Bill), trong đó có điều khoản liên quan tới cá tra và cá tra rơi vào danh sách quản lý chặt chẽ như sản phẩm thịt nhập khẩu vào Mỹ.

Năm 2009, cá tra Việt Nam bị truyền thông bôi bẩn từ Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy, Ý, Ai Cập, Mỹ, Trung Đông, Bắc Phi… Từ ngày 26.3.2009, Ai Cập ngưng nhập các lô hàng philê cá tra của Việt Nam để điều tra.

Tháng 5.2010, hiệp hội Chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA) mở chiến dịch truyền thông cáo buộc Việt Nam nuôi cá tra trong môi trường nước ô nhiễm.

Đầu tháng 12.2010, quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ trong “cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thuỷ sản 2010” tại một số nước châu Âu.

Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agrifish An Giang cho biết, xu hướng tiêu dùng tại châu Âu trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, tìm sản phẩm thuỷ sản rẻ hơn, vì vậy, con cá hồi tuy ngon nhưng giá quá đắt nên người tiêu dùng tìm đến các loại cá như cá tra Việt Nam hay rô phi của Trung Quốc. Một ký cá hồi đánh bắt bán lẻ tại châu Âu lên tới 7 – 8 USD, trong khi nhiều người tiêu dùng có thể chọn mua cá tra chưa tới 3 USD.

Thách thức từ rào cản mới

Nhìn lại quãng đường mà con cá tra xuất khẩu đã đi, ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agrifish An Giang, đơn vị đứng trong tốp 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cho rằng, tuy tên tuổi con cá tra vươn xa tới 120 quốc gia, nhưng hình ảnh tốt đẹp về nó cũng không còn như trước. Ông Ký đánh giá việc hàng loạt quốc gia dựng hàng rào kỹ thuật bằng các tiêu chuẩn chất lượng hay áp thuế cao không đáng ngại bằng cách sử dụng thói quen và chuẩn mực tiêu dùng của các nước phát triển như sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường để ngăn cá tra Việt Nam.

Ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, các cơ quan chức năng cũng sẽ xây dựng quy trình nuôi cá riêng cho Việt Nam, bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật, các thông số chứng minh cá nuôi trong môi trường như vậy sẽ đảm bảo chất lượng chứ không thể cứ chạy theo các tiêu chuẩn của nước ngoài mãi nữa.

“Chúng ta phải chứng minh chất lượng cá tra cho người tiêu dùng thế giới biết bằng con số cụ thể chứ không thể nói chung chung như trước” – ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký Vasep nói. Ngoài ra, để ổn định sản lượng, theo tính toán khoảng 1 triệu tấn cá là vừa, thì nông dân và doanh nghiệp muốn nuôi cá tra phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nuôi trồng thuỷ sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp. Nơi nuôi phải nằm trong quy hoạch của địa phương, cơ sở nuôi phải đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, giám sát dịch bệnh và phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi cá tra. Với những trại nuôi lớn, có quy mô trên 100 tấn cá/năm còn phải chứng minh có hợp đồng bao tiêu cá với nhà máy. 

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *