Tiếng Việt đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, chịu ảnh hưởng từ những thay đổi to lớn của đất nước trong sự nghiệp đổi mới toàn diện. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường cùng với việc mở cửa, hội nhập với thế giới đã tác động mạnh đến tiếng Việt, trong đó có cả tác động tích cực, tiêu cực và nguy cơ lệch chuẩn là mối lo có thật .

 

Sự pha trộn khó tránh

TS Đinh Văn Thông, ĐH Kinh tế (ĐH QGHN) cho rằng, những năm qua, số người di cư ngày một gia tăng. Nếu năm 2009, số người nhập cư đến Hà Nội là 4,8 vạn thì năm 2010, con số này là 5,2 vạn người. Sự dịch chuyển của một bộ phận lớn cư dân đến từ các vùng phương ngữ khác nhau đã làm cho tình hình sử dụng tiếng Việt, nhất là tiếng Hà Nội có những thay đổi đáng kể. Đấy là chưa kể đến yếu tố số người Hà Nội gốc, những người sống tại Hà Nội từ năm 1954 tại 4 quận nội thành của Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng đến nay chỉ còn khoảng 4-5%.

Sự phát triển kinh tế – xã hội, sự xuất hiện của các công ty xuyên quốc gia đến từ các nước phát triển và các ngành nghề mới làm xuất hiện các phong cách mới trong tiếng Việt. Mặt khác, sự mở rộng giao lưu kinh tế, xã hội với các nước khiến cho một bộ phận dân cư ở các vùng biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai… có nhu cầu và điều kiện học tiếng nước ngoài và ở họ hình thành các song ngữ: tiếng Việt – tiếng Hán (ở Quảng Đông, Quảng Tây), Việt – Khơmer (Campuchia), Việt – Lào… Nhiều người sử dụng tam ngữ: tiếng Việt – tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam và tiếng các nước trong khu vực. Những yếu tố này cũng khiến cho tiếng Việt có những thay đổi ít nhiều.

Mặt khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế, việc tiếp thu và sử dụng tiếng Anh ngày càng phổ biến. Hiện tại, ở Việt Nam, có thể thấy nhiều khu vực song ngữ hình thành: khu vực đối ngoại ở các cơ quan nhà nước; tại các công ty xuyên quốc gia; cơ quan báo chí – truyền thông… Ngoài ra, tại các trường đại học và cơ quan nghiên cứu, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chính được sử dụng. Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia ngôn ngữ gần đây đã chỉ ra rõ sự "trộn mã" tiếng Anh và tiếng Việt trong giao tiếp của giới trẻ, đặc biệt là sinh viên. Hàng loạt từ tiếng Anh như "chat", "makerting", "ok"… được giới trẻ dùng thường xuyên, thậm chí là xuất hiện trên báo chí, khẩu hiệu tuyên truyền. Tiếng Anh ngày càng phổ biến ở Việt Nam khi Nhà nước thực hiện "Đề án dạy ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020". Với đề án này, việc giảng dạy tiếng nước ngoài cho học sinh phổ thông được đề cập cụ thể, như từ lớp 3, học sinh bắt buộc học ngoại ngữ. Từ năm 2010-2011 phấn đấu có 20% số học sinh lớp 3 theo chương trình tiếng Anh mới, sau đó sẽ mở rộng phạm vi dạy đến nhiều trường để đạt được tỷ lệ 70% vào năm 2015-2016. Điều đáng nói là mặc dù Bộ GD-ĐT đưa ra chương trình học các ngoại ngữ khác như Pháp, Nga, Trung nhưng trong thực tế, phần lớn các trường phổ thông chọn tiếng Anh để giảng dạy. Với sự phát triển mạnh mẽ của tiếng Anh trong tương lai, tiếng Việt chắc chắn còn nhiều thay đổi.

Giữ gìn tiếng Việt thế nào?

TS Nguyễn Huy Cẩn, nguyên Trưởng phòng Thông tin khoa học ngữ văn, Viện Thông tin Khoa học Xã hội cho biết công cuộc bảo vệ và phát triển tiếng Việt đã được đẩy mạnh vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, điển hình là phong trào "Bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" do Thủ tướng Phạm Văn Đồng khởi xướng. Tư tưởng chủ đạo của việc bảo vệ và phát triển tiếng Việt trong thời kỳ đó là chống lạm dụng từ ngữ nước ngoài (tiếng Hán, tiếng Pháp), đề cao vai trò của tiếng Việt, tiến hành cải tiến chữ Quốc ngữ, chuẩn hóa tiếng Việt… Trên bình diện lý thuyết, các nhà nghiên cứu đã thống nhất, chuẩn ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở tiếng Việt toàn dân, trong đó tiếng Hà Nội và vùng phương ngữ Bắc bộ được xem là nền tảng. Thực hiện phong trào này, công việc chuẩn hóa tiếng Việt đã gặt hái được một số thành tựu, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. Chẳng hạn như cần phải Việt hóa đến mức nào về phương diện chính tả, phát âm từ ngữ tiếng nước ngoài. Hay vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ vài thập kỷ đã trôi qua nhưng đến nay vẫn còn chưa thống nhất về cách viết hoa. Tình hình chuẩn hóa tiếng Việt còn gặp những bất cập khi mỗi cơ quan, mỗi ngành có thể tự mình ra những quy định riêng nên công việc chuẩn hóa thêm phức tạp, thiếu tính thống nhất…

Trước tình hình trên, nhiều nhà khoa học đã đề xuất Nhà nước cần ban hành Luật Ngôn ngữ, trong đó có những điều khoản quy định về những trường hợp làm ảnh hưởng đến sự trong sáng và gây "nhiễu" đối với sự phát triển của tiếng Việt, kể cả những điều khoản "mạnh", xử phạt những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng biên soạn các loại sách công cụ có tác dụng trực tiếp cho việc chuẩn hóa tiếng Việt như từ điển tiếng Việt, ngữ pháp tiếng Việt hiện đại, các loại từ điển song ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài cần thiết. Công cuộc bảo vệ, phát triển tiếng Việt hiện nay không chỉ được thực hiện bởi các cơ quan chức năng và chuyên ngành mà cần được xem là một nhiệm vụ chung, quan trọng của đất nước.

Theo Lâm Vũ (Hà nội mới)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *