Nhu cầu sử dụng loại gạo thơm ngon cơm trong nước khá lớn nhưng nguồn cung trong nước lại hạn chế nên những ngày cuối năm, lúa sóc Campuchia được nhập về nhiều.

Một góc chợ lúa ngoại sôi động ở cửa khẩu Dinh Bà, Tân Hồng (Đồng Tháp).

 

Hàng ngày, từng tốp xe tải chở lúa từ bên Campuchia lần lượt đổ về phía cửa khẩu Dinh Bà, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). Loại xe tải trọng trên 20 tấn thường rẽ xuống bãi đất rộng bên kia sông Sở Thượng, còn xe tải trọng nhỏ hơn thì qua cầu rồi ghé cạnh khu siêu thị miễn thuế. Trên sông ghe tàu từ các tỉnh lên mua lúa đậu lớp lớp. Số ghe nào đầy lúa vừa rời bến thì liền có ghe khác ghé đến. Sớm chiều chúng tôi thấy xe tải chở lúa cứ liên tục đổ về.

Sôi động chợ lúa nhập khẩu

Ông Nguyễn Văn Hoàng, trưởng ban quản lý khu vực chợ cửa khẩu, cho biết bến sông này vốn là nơi dân Campuchia đem lúa qua bán nên thường gọi là bến lúa. “Mỗi ngày có từ 500 – 700 tấn lúa nhập về, phần lớn là lúa sóc, lúa thơm. Dọc biên giới của Đồng Tháp, lúa ngoại cũng được nhập tiểu ngạch qua các cửa khẩu phụ như Thông Bình, Bình Phú. Chưa bao giờ lúa ngoại nhập về nhiều như vào đầu năm nay”, ông Hoàng nói.

Từ cửa khẩu Khánh Bình, huyện An Phú (An Giang) nhìn sang Chraythom, Kohthom, Kan Dal (Campuchia) sớm tối đều thấy xe tải chở lúa đậu nối đuôi dọc bờ sông hàng cây cây số. Rảo qua các cửa khẩu Bắc Đai, Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Xương, trên các nhánh sông biên giới đều gặp ghe tàu các tỉnh lên mua lúa.

Giữa cánh đồng xã An Nông, huyện Tịnh Biên (An Giang) gần đây hình thành một khu mua bán lúa ngoại khá tấp nập. Ngày đêm, từng đoàn xe tải chở lúa từ Campuchia lần lượt đổ xuống chạy thẳng vào tận các dãy nhà kho cất dọc bờ kinh Vĩnh Tế. Dòng kinh lúc nào cũng đầy ắp ghe tàu từ các tỉnh lên neo đậu chen chúc. Còn trên bờ tấp nập thương lái hai nước tụ lại ngã giá, mua bán. “Mấy dãy nhà kho này là nơi tập kết, trung chuyển, làm trung gian cho việc mua bán lúa giữa bên Campuchia với hàng xáo trong nước. Hơn tháng nay ngày nào lúa cũng nhập về rất nhiều, chủ yếu là lúa sóc, lúa thơm. Hiện giá mua bán trung bình 5.200 đồng/kg”, ông Trần Thành Háo, chủ một cơ sở kinh doanh tại đây cho hay.

Từ đây vào tới Hà Tiên, trên kinh Vĩnh Tế và sông Hà Giang còn có nhiều chợ mua bán lúa sôi động như thế. Bà Trần Thị Nga, một thương lái từ Tiền Giang đang mua lúa ngoại tại Tân Khánh Hoà, Giang Thành (Kiên Giang) bảo rằng do chợ lúa ở An Nông ghe tàu các tỉnh tập trung quá đông, để có hàng kịp giao cho vựa nhiều ghe đành vào tận trong này mua lúa.

Giá rẻ

Lâu nay, người dân Campuchia ven biên và người dân Việt qua Campuchia thuê đất canh tác vẫn đưa nông sản qua Việt Nam tiêu thụ. Giới kinh doanh lúa gạo ở biên giới cho biết từ cuối năm 2010 bắt đầu có đông thương lái qua Campuchia đặt mua lúa để cung ứng cho cánh hàng xáo, các vựa gạo trong nước. Theo một số thương lái ở trung tâm Nông sản Thanh Bình (Đồng Tháp), ngoài các lúa sóc đặc sản Campuchia còn có cả loại lúa thơm lài như Khaodakmali, Homali của Thái Lan.

Chị Nguyễn Thị Phụng, nhà cạnh cửa khẩu Dinh Bà (Tân Hồng, Đồng Tháp), kể chừng tháng nay có nhiều đơn hàng, nên vợ chồng chị thay nhau qua Campuchia mua lúa về cung cấp. Gần đây, khách tự đi thu mua, có ngày nhập về gần 200 tấn lúa sóc. “Rất đông thương lái bên mình, bên bạn đi thu mua tận các tỉnh giáp với Thái như Battambang, Siem Reap…”, chị Phụng nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, lúa ngoại ở biên giới Tây Nam phần lớn là lúa sóc đặc sản, giá luôn thấp hơn lúa thường trong nước 1.000 đồng/kg. Cánh thương lái khẳng định lúa nhập về chủ yếu để tiêu thụ nội địa. “Nó ngon cơm, hiện được đông đảo người tiêu dùng biết đến, ưa chuộng. Tụi tui mua đem về xay đem bỏ mối cho vựa. Dịp tết, mỗi vựa ở các tỉnh, TP.HCM đều đặt hàng chục tấn”, ông Nguyễn Thành Na, chủ ghe sang mua lúa ở Angkor Prey, Takeo, Campuchia, kể.

Ông Nguyễn Chí Linh, trưởng phòng nông nghiệp huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), cũng cho rằng gần đây lúa sóc Campuchia nhập đường tiểu ngạch qua các ngả biên giới thuộc địa bàn huyện để đưa về các tỉnh thành với số lượng lớn chưa từng thấy. “Hiện nay không riêng ở đồng bằng sông Cửu Long mà rất nhiều người tiêu dùng ở TP.HCM biết và chọn mua lúa đặc sản này để ăn hằng ngày”, ông Linh nói.

Gạo ngoại phổ biến ở chợ

Ghi nhận ở nhiều chợ tại đồng bằng sông Cửu Long, đều có bán đủ loại gạo Thái, gạo Campuchia. Tại khu vực biên giới mỗi bao gạo 50kg bên ngoài có hiệu bông sen, bông hồng, con phụng… của Thái Lan bán trung bình 650.000 – 700.000 đồng; còn gạo hiệu con bò đỏ, con chim, con phụng, bông hồng có kèm hình bông lúa của Campuchia rẻ hơn khoảng 50.000 đồng. Nếp Thái Lan 1,2 triệu đồng/bao…

Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *