Người ta dùng đủ cách bẫy bắt chim để bán cho thương lái kiếm tiền mưu sinh vì nghèo, trong khi họ biết vậy là vi phạmNghề bẫy chim đã trở thành “cần câu cơm” của nhiều gia đình nghèo ở các vùng sâu, biên giới khu vực ĐBSCL. Có rất nhiều cách để bắt chim trời, bên cạnh kiểu thủ công, người ta còn sử dụng công nghệ “nhái” tiếng chim từ máy thu băng.

Đủ kiểu bẫy bắt

Một thủ thuật từng được rất nhiều người dùng là thổi trái dừa điếc. “Trái dừa điếc chỉ cần khoét lỗ thổi là có thể nhái được tiếng của một số loài chim” – ông Bảy Khanh ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn – An Giang, cho biết. Theo ông Bảy Khanh, trước đây, sáo trâu, cu đất, cu ngói, cúm núm… nhiều vô kể lại dạn dĩ, vì thế người ta bắt mà không cần tới chim mồi.

Vào mùa nước nổi, đêm đêm, người miền Tây chỉ cần bơi xuồng ra đồng lấy trái dừa điếc thổi tạo tiếng kêu “cum… núm…” là lũ cúm núm lũ lượt bay tới. Lúc ấy, chỉ cần dùng cây sào quơ đại cũng trúng, bắt chim dễ như chơi.

Là nông dân sống ven bờ kênh Vĩnh Tế hàng chục năm nay, ông Tư Quang biết rõ tập tính kiếm mồi, ăn, ngủ của một số loài chim trời. “Nhiều loại chim, nhất là cúm núm, ban đêm thường rút xuống ruộng ngủ nên người ta nghĩ cách đuổi cho chúng giật mình bay lên rồi dùng vợt lưới chụp.

Chỉ cần cột 1-2 cục đá vào lon sữa bò rồi giăng các lon này trên một sợi dây, hai người nắm hai đầu kéo. Tiếng đá va chạm vào lon kêu leng keng làm lũ chim hoảng loạn bay lên. Lúc đó, chỉ cần cầm vợt lưới chụp là bắt được” – ông Tư Quang tiết lộ.

Tuy nhiên, những kiểu đánh bắt chim như trên hiện đã lỗi thời. Hiện nay, nhiều người đã sử dụng công nghệ nhái tiếng kêu của chim để dụ bắt chúng. Ông Phan Văn cũng như nhiều người nghèo khác ở xã Lương An Trà chuyên sống bằng nghề bẫy chim cho biết chỉ với chiếc máy thâu băng và cái loa nhỏ cùng tay lưới là họ có thể “hành nghề” dễ dàng.

Hằng ngày, cứ xế chiều là ông Văn và những người khác bắt đầu dong xuồng vào tận đồng sâu để chuẩn bị bẫy chim. Khi trời tối sẫm, họ bắt đầu giăng lưới. Những tấm lưới được giăng cách mặt ruộng hơn 3 m.
 

Chim trời được bày bán ven Quốc lộ 91

 

Xong, ông Văn lôi ra cái loa nhỏ và chiếc máy thâu băng rồi kẹp dây điện vào cọc bình ắc quy. Chiếc loa phóng thanh dựng ngửa lên trời liên tục phát tiếng kêu “cum… núm…” vang vọng.

Ông Văn giải thích: “Cuốn băng này tôi phải nhờ người mua ở Sài Gòn, giá gần 300.000 đồng/cuốn. Cái hay là âm thanh của nó rất giống tiếng kêu của cúm núm hoang dã, mà có cả tiếng con trống, con mái nữa. Nghe được những âm thanh này, lũ cúm núm sẽ bị dụ vì tưởng tiếng gọi đàn, liền bay tới rồi đâm đầu vào lưới”.

Quả nhiên, chỉ vài chục phút sau, tay lưới của ông Văn đã rung bần bật vì lũ cúm núm lũ lượt bay tới va vào. Ông Văn cười sảng khoái: “Đầu hôm thì lai rai thôi, chứ cỡ nửa đêm về sáng là chúng bay đến có đàn, gỡ mỏi tay luôn!”.

Từ quán nhậu đến chợ trời

Ông Văn bảo bây giờ các cánh đồng gần hầu như không còn cúm núm nữa vì có quá nhiều người bắt bán cho bạn hàng hoặc quán nhậu. Vì thế, để mưu sinh, có khi nhóm của ông phải sang tận Tam Nông – Đồng Tháp hoặc miệt Kiên Lương – Kiên Giang. “Hiện bạn hàng mua cúm núm đồng với giá 70.000 – 80.000 đồng/kg. Họ đặt hàng nhiều lắm, tụi tôi bắt được bao nhiêu họ cũng mua hết” – ông Văn cho biết.

Theo ông Tư Châu, một người chuyên bẫy chim ở kênh Vĩnh Tế, hiện nhiều người đã sang Tràm chim Tam Nông để hành nghề. Ông Tư Châu cho biết: “Khu vực này chim nhiều lắm, có khi khỏi mở máy thâu băng, chỉ cần giăng lưới bên ngoài bìa rừng đón đường chúng bay thôi”.

Hiện nay, có rất nhiều điểm tập kết chim trời do người dân đánh bắt như: chợ đầu cầu Lò Gạch (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn), bờ kênh Vĩnh Tế (xã An Nông, huyện Tịnh Biên), khu vực gần cầu Cồn Tiên (thị xã Châu Đốc) và các chợ biên giới huyện An Phú – An Giang. Mỗi sáng, khu vực cặp bờ kênh Vĩnh Tế ở xã An Nông có hàng chục thương lái mua chim trời chực sẵn. Vừa thấy chiếc xuồng nào cập bến là họ đổ xô xuống ngã giá xôn xao. Từ đây, các đầu mối thu gom sẽ tuồn chim vào quán nhậu hoặc đem bán lại tại các chợ trời.

Xuôi theo Quốc lộ 91 từ Châu Đốc về Long Xuyên và đến tận TP Cần Thơ, chúng tôi thường bắt gặp cảnh nhiều người bày bán các loại chim trời giữa chợ trời, nhiều nhất là cúm núm đồng. Tại KCN Bình Hòa (xã Bình Hòa, huyện Châu Thành – An Giang) cũng xuất hiện nhiều điểm bán đủ loại chim, cò, cu đất, cúm núm hoang dã.

Bà Lê Thị Nhanh, một thương lái chuyên thu mua chim trời giao cho các quán nhậu, cho biết loại hàng này giờ đắt như tôm tươi. “Nhiều quán nhậu ở Cần Thơ đặt hàng mỗi ngày vài chục đến cả trăm ký nhưng tôi không dám nhận vì sợ chẳng có đủ để giao” – bà Nhanh cho biết.

Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *