Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

 

Về tính khả thi của Dự thảo Luật, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) khẳng định, dự thảo được xây dựng trên cơ sở tổng kết 8 năm thực hiện Luật BVMT năm 2005, đồng thời bổ sung một số nội dung mới phù hợp với tình hình thực tế của công tác BVMT.

Do vậy, về cơ bản nội dung của Dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi. Việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ đáp ứng yêu cầu của quá trình CNH-HĐH, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước, đáp ứng được sự hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường.

Góp ý hoàn thiện dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, dự thảo Luật, Ban soạn thảo cần tiếp tục so sánh, đối chiếu với các luật liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự… để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đối với các luật đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và ban hành mới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban soạn thảo trong quá trình xây dựng để đảm bảo tính thống nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa thì lưu ý, Luật cần mở rộng phạm vi không gian áp dụng, không chỉ trên “lãnh thổ” đất liền mà còn trên “thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế” của nước CHXHCNVN. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp với hệ thống pháp luật nói chung, nhất là Luật Biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về quy định “phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ trong giai đoạn báo cáo đầu tư”. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ông Đào Trọng Thi, cho rằng cần quy định có đánh giá tác động sơ bộ nhưng nên quy định quy trình thủ tục có sự phân loại đối với các dự án khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ksor Phước đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung và cụ thể hoá những quy định liên quan đến quyền hạn, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực hoạt động bảo vệ môi trường. Quy định của dự thảo Luật phải phát huy nội lực của nhân dân trong đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm môi trường.

Liên quan đến vấn đề khởi kiện môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, thiệt hại do ô nhiễm môi trường có thể phát hiện trong thời gian ngắn kể từ ngày xảy ra vi phạm, nhưng cũng có thể phát hiện sau nhiều năm.

Tuy nhiên, theo quy định tại Bộ luật Dân sự về thời hiệu khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại, chỉ được khởi kiện trong vòng 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân bị xâm hại. Trên thực tế, nhiều thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra khi phát hiện đã hết thời điểm khởi kiện. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Hiện đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định thời hiệu khởi kiện tính từ thời điểm lợi ích của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan soạn dự thảo Luật tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời sắp xếp lại các điều, khoản phù hợp, tránh trùng lặp, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; hoàn chỉnh thêm những nội dung đã qua kiểm nghiệm thực tiễn, sớm hoàn thiện dự thảo Luật để gửi các đại biểu Quốc hội trước khi trình tại Kỳ họp thứ 6.

Theo Bình Minh ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *