Từ đầu thế kỷ trước lụa Nha Xá (Mộc Nam, Hà Nam) đã được mệnh danh là Á Hậu làng lụa của Việt Nam chỉ sau lụa Vạn Phúc, làng lụa này được hình thành từ đầu thế kỷ XIII gắn liền với tên tuổi vị Thành Hoàng Trần Khánh Dư, người đã có công dạy cho dân làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.

Từ đầu thế kỷ trước, các lái buôn hàng lụa thị trường Sài Gòn – Chợ Lớn đã tín nhiệm những súc tơ lụa nõn bóng, mượt mà của làng lụa Nha Xá. Nha Xá sản xuất nhiều mặt hàng như hàng đũi, hàng tơ se, hàng lụa hoa, hàng lanh… Từ Nha Xá, nghề dệt đã lan rộng đến nhiều vùng xung quanh như Lảnh Trì, Chuyên Ngoại, Hoà Mạc, Đồng Văn… tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm gia đình.

Mấy năm gần đây, làng nghề đã có sự phân công lao động tự nhiên mang tính chuyên môn hoá theo mặt hàng cũng như theo công đoạn sản xuất. Do vậy, đã rút ngắn được thời gian sản xuất, đồng thời phục vụ tốt yêu cầu của khách trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Quang Thoại, Trưởng thôn Nha Xá, cho biết: “Trước những đòi hỏi khắt khe của nền kinh tế thị trường, nếp sản xuất thủ công, năng suất thấp, mẫu mã sản phẩm đơn điệu không còn phù hợp nữa. Để lưu giữ và phát triển nghề cổ truyền của ông cha để lại từ nhiều đời (từ năm 1280), người dân Nha Xá đã từng bước thay thế phương thức sản xuất thủ công bằng phương thức sản xuất bán công nghiệp, đem lại lợi ích kinh tế rất cao”.

 

 





Giống như Làng lục Vạn Phúc, Hà Đông, chỉ đến đầu làng Nha Xá đã nghe tiếng máy thêu, dệt. Hiện làng dệt Nha Xá có 230 hộ, gần 800 nhân khẩu, trong đó có khoảng 350 lao động chính, vận hành gần 200 máy dệt. Nhiều gia đình đông lao động, tổ chức sản xuất hợp lý có tới 2-3 máy dệt trong nhà. Những hộ này thường khép kín các công đoạn sản xuất từ mua nguyên liệu đến bán thành phẩm.
Công đoạn nhuộm vẫn được làm thủ công. Nhiệt độ và thời gian nhuộm chính là bí quyết để tạo mầu đẹp và đảm bảo không bị phai bạc mầu. Ngoài ra những công đoạn tạo hoa văn khi nhuộm cũng là một bí quyết riêng luôn được các gia đình làm nhuộm giữ gìn.
Kho hàng của anh Hoạt tại làng Nha Xá, nhà anh là một trong những hộ sản xuất khép kín từ phần thô cho đến thành phẩm. Hàng hóa chủ yếu anh đem xuất lên Hàng Bông (Hoàn Kiếm – Hà Nội) để phục vụ nhu cầu của khách du lịch quốc tế và xuất khẩu đi các nước Đức và Áo.
Một số hình ảnh về phơi lụa ở Nha Xá. Những cánh đồng lụa thế này tạo cho vùng đất nơi đây một vẻ đẹp nên thơ hiếm có…

Theo Đất Việt
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *