"Một khi tôi qua đời, tên gọi của con phố này sẽ không còn có ý nghĩa gì nữa. Lò Rèn sẽ chỉ còn là một cái tên gọi vô hồn”.

Phóng viên Justin Mott của tạp chí The New York Times đã có một bài viết thú vị về ông Nguyễn Phương Hùng, người thợ rèn cuối cùng trên phố Lò Rèn của Hà Nội.

Số phận của người thợ rèn cuối cùng

Là con trai và cháu nội của những người thợ rèn, ông Nguyễn Phương Hùng lớn lên khi khu phố của mình vẫn còn vang lên âm thanh chát chúa của các lò rèn, nơi chuyên sản xuất thiết bị nông nghiệp và vật dụng sinh hoạt. “Tôi vẫn còn nhớ ngày xưa, vào tiết trời mưa phùn, đường phố rất vắng vẻ và tất cả những âm thanh có thể nghe được là tiếng quai búa”, ông Hùng nói.

Ngày nay, giữa một thành phố lao mình về tương lai với tốc độ chóng mặt trong tiếng huyên náo của ô tô, xe máy và hoạt động kinh doanh, những âm thanh từ tay búa và chiếc đe của ông Hùng như tiếng vọng dội về từ một quá khứ xa xăm.

Xưởng làm việc của ông Hùng trên phố Lò Rèn.

Từ nhều năm trước, các hiệu rèn khác gần hiệu của ông Hùng đó đã bị các cửa hàng quần áo, hàng mỹ phẩm, ngân hàng, cửa hàng hàn và hai phòng trưng bày đá mỹ nghệ thế chỗ. Những người thợ rèn đã chuyển sang làm các công việc nhẹ nhàng nhưng thu nhập cao hơn. Họ cũng bỏ nghề cũ vì xã hội cho rằng phụ nữ hiện đại sẽ không kết hôn với một người thợ rèn.

“Có thể vẫn còn nhiều người thợ rèn khác ở Việt Nam, nhưng không phải là ở giữa Thủ đô này. Bây giờ nơi đây chỉ còn tôi. Tôi tự hào là người cuối cùng còn có thể rèn được những chiếc xà beng, búa con, mũi khoan…”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Hùng không truyền lại nghề rèn của gia đình cho con trai, hiện đang học tại một trường đại học, người mà theo ông Hùng thiếu một đôi tay mẫn cảm của người thợ rèn. Con gái ông cũng học đại học, và thậm chí cô còn không thể phân biệt được giữa lò rèn và ống bễ!

"Một khi tôi qua đời, tên gọi của con phố này sẽ không còn có ý nghĩa gì nữa. Lò Rèn sẽ chỉ còn là một cái tên gọi vô hồn”, ông nói.

Số phận của phố Lò Rèn sẽ giống như nhiều phố khác trong 36 phố phường Hà Nội cũ, nơi những con phố có cái tên gắn với một phường hội, ngành nghề hoạt động trên phố như phố Hàng Quạt, Hàng Khoai, Bát Sứ, Hàng Nón…

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, phố Lò Rèn hình thành vào thế kỷ 19, khi thực dân Pháp quy tập tại đây những người thợ rèn chuyên nghiệp nhằm phục vụ cho việc xây dựng cầu Long Biên, cây cầu bắc qua sông Hồng. Gia đình ông Hùng đã đến đây từ những ngày đầu tiên.

Bàn tay của người thợ rèn cuối cùng.

Dưới sự dẫn dắt của cha và ông nội, ông Hùng bắt đầu phụ việc rèn cho gia đình từ khi ông còn là một cậu bé 6 tuổi. Tuy nhiên, ông đã “nổi loạn”, bỏ nghề của gia đình để làm các công việc khác như lái xe và công nhân nhà máy cho đến khi được bố gọi về khi đã 35 tuổi.

Người cha nói với ông Hùng: “Nghề này nghề gia truyền và con là người duy nhất còn lại để kế thừa. Chỉ cần nhìn bố làm việc, con sẽ học được những gì phải làm”. Ông Hùng đã nhận ra rằng mình yêu công việc của một người thợ rèn, và nghề này đã gắn bó với số phận của ông.

Những chuyện thường ngày của người thợ rèn

Tại nơi làm việc, ông Hùng bày một bàn trà nhỏ trên vỉa hè. Cạnh bàn là một chiếc điếu cày, người đi qua có thể ngồi lại và rít một hơi sảng khoái. Vào mỗi buổi sáng, cha ông Hùng là ông Nguyễn Hữu Thịnh, 88 tuổi, lại qua đây bằng chiếc xe đạp của mình. Ông Thịnh ngồi trầm ngâm một lúc lâu, đọc một tờ báo nào đó hoặc nhìn người con trai đang quai búa trên những thanh sắt nóng đỏ.

Ông Hùng quai búa với sự tự tin của một thợ lành nghề, với đôi tay trần, bởi theo ông đôi găng tay sẽ làm giảm sự nhạy cảm của ông trong công việc. Đi một đôi dép nhựa, ông tỏ ra không mấy quan tâm đến các các tia lửa bắn xuống đôi chân cũng như để lại những vết thủng lỗ chỗ trên áo mặc. Lửa và khói phun ra từ các thanh kim loại nóng đỏ khi ông nhúng nó trong một thùng dầu. Đến cuối ngày, cánh tay và khuôn mặt của của ông đen màu muội than.

Khi ấy trông ông Hùng thật “kinh khủng”. Ông cho biết, vợ ông nói với ông rằng bà đã… không bao giờ kết hôn với ông nếu biết rằng sau này ông sẽ trở thành một thợ rèn. "Bởi vậy, vào cuối ngày, tôi lại tắm rửa, thay quần áo và về nhà như một người đàn ông sạch sẽ, điển trai. Và vợ tôi rất vui”, ông kể.

Ông Hùng kéo tay áo, để lộ phần trên cánh tay và nói với phóng viên: “Nhìn xem tôi có trắng không, thậm chí còn trắng hơn cả ông! Nếu không nói, sẽ chẳng ai biết rằng tôi là một thợ rèn".

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *