Bên bờ hạnh phúc

Thầy giáo Tâm bên bộ sưu tập hổ chào xuân Canh Dần 2010.

Hành trình sáng tạo giáo cụ

Ông Nguyễn Thành Tâm vốn là giáo viên dạy môn tiếng Anh ở THPT Marie Curie, quận 3. TP HCM. Sau khi nghỉ hưu vào năm 1990, ông nhận dạy kèm tại nhà trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp. Để truyền hứng thú cho học trò và có hình minh họa cho những bài giảng, ông nảy ra ý tưởng tạo những nhân vật có trong bài học ở sách giáo khoa.

Với đôi bàn tay khéo léo và khả năng thẩm mỹ, năm 2001, ông Tâm bắt đầu làm những con thú bằng gốm, giấy bồi, giấy bìa, mút, giấy báo nhồi. Tuy nhiên, tất cả đều không như ý cho đến khi ông phát hiện ra vỏ trứng cút rất dẻo và có thể tạo hình cho hầu hết con thú và nhân vật.

Theo ông Tâm, vỏ trứng cút rất dễ cắt, không bị vỡ bất thình lình và tẩy màu cũng dễ dàng bằng nước chanh. Từ đó, các sản phẩm làm từ vỏ trứng cút, vỏ trứng gà, vỏ trứng đà điểu bắt đầu ra đời và hiện diện hầu như khắp nơi trong căn phòng nho nhỏ ở lầu 4, chung cư Nguyễn Văn Lượng 2, quận Gò Vấp.

Những cô cậu học trò vừa học vừa được thầy giảng bằng những công cụ trực quan. Hai con voi tay cầm đuốc làm bằng vỏ trứng được ông Tâm đặt tên là Champa và Champi. Với mẫu này, ông sẽ dùng để hỏi học trò những câu bằng tiếng Anh như Where are you from?,  What’s his name? hoặc hỏi kỹ hơn như voi Champi tay cầm gì, mặc cái gì, màu gì, cái này là biểu tượng của sự kiện gì?.

Nghề chơi cũng lắm công phu: phải đưa hình dáng thực trở về hình tròn và có chút hoa tay.

Lật một trang sách giáo khoa tiếng Anh lớp 9 đến bài How the tiger got his tripes? (Làm sao con cọp có vằn?), ông chỉ cho phóng viên Đất Việt bài này không có hình minh họa. Chính vì vậy, một mẫu tạo hình dựa theo câu chuyện Trí khôn của ta đây đã được ra đời với hình một con cọp đặt bên một con trâu kéo cày ngoài đồng ruộng. Ông nói: “Nhiều bài học trong sách giáo khoa không có hình minh họa. Nếu được nhìn, nghe, sờ những nhân vật này thì các em dễ dàng tiếp thu bài hơn”.

Khao khát phổ biến cách tạo hình bằng vỏ trứng

Với hơn 400 mẫu tạo hình bằng vỏ trứng với khá nhiều hình ảnh các con thú, ông Tâm đang sở hữu cả một vườn thú mini. Ở đó có những con sâu, con kiến, chú chuột thổi kèn đánh trống, chim cánh cụt, rùa, hươu, trâu, có gấu trúc, kanguru, đà điểu, tê giác, khủng long… Những mẫu tạo hình được lấy ý tưởng từ câu chuyện cổ tích, tranh ảnh như Đám cưới chuột, 12 con giáp, phim hoạt hình như Chuột Mickey, theo sự kiện như Seagames, Olympic, Euro… theo lễ hội như Hội chọi trâu, tết Dương lịch, tết Canh dần… Ông còn tạo hình ông già Noel, vua hề Charlie Chaplin, tượng Phật…

Vườn thú làm từ vỏ trứng của thầy giáo Tâm.

Chào đón Tết Canh Dần 2010, ông đã kịp tạo ra 50 mẫu cọp với những chủ đề như: cọp Ngũ hành, cọp chúc xuân, cọp trong chuồng sắt (theo bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ), cọp đội lốt cừu, cọp chết để da, ngồi trên lưng cọp, đàn cọp với các tư thế từ nằm, ngồi đến chạy nhảy, hổ phụ sinh hổ tử…

Đến thời điểm hiện tại, ông Tâm là một trong số ít những người tạo hình bằng vỏ trứng. Cũng có người sử dụng vỏ trứng để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật nhưng chủ yếu là khảm vỏ trứng trên những bức tranh. Những cô cậu học sinh đến học kèm môn tiếng Anh được ông hướng dẫn cách làm để tặng cho bạn bè dịp sinh nhật nhưng cũng rất ít trò nào làm được. Đàm Duy Tấn, học sinh lớp 7, THCS Phan Tây Hồ, Gò Vấp, khoe, em làm được một con hổ con đang để ở nhà. 

Ông Tâm muốn phổ biến rộng rãi sáng kiến của mình cho mọi người biết và thực hiện. Ông đã đánh máy lại quy trình thực hiện và in màu trên khổ giấy A4 nhưng vẫn chưa thông tin được rộng, vì “không rành lắm về mạng internet”.

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *