Những công trình nghiên cứu của ông đều được ứng dụng thành công trong thực tiễn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Với quan điểm, “Khoa học phải chứng minh bằng thực tiễn…” vì thế, hơn 30 năm gắn bó với ngành y, Bác sỹ CK II Phan Xuân Khôi, trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba – Đồng Hới (Quảng Bình) luôn không ngừng nghiên cứu những phương pháp điều trị mới.

Người say mê nghiên cứu

Sau gần 30 năm miệt mài nghiên cứu, ông đã cống hiến cho ngành y học 17 công trình nghiên cứu khoa học. Những công trình này đều được ứng dụng thành công trong thực tiễn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhờ nổ lực không ngừng đó, nỗ lực ba năm liền (2007 – 2009), ông liên tục nhận Bằng khen Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động và nhiều bằng khen cấp Bộ, cấp cơ sở khác.

Trong ảnh: Bác sỹ CKII Phan Xuân Khôi (bên phải) trong một ca phẫu thuật u xơ tử cung.

Khởi đầu cho chuỗi cống hiến đáng trân trọng đó là “Kỹ thuật mổ thắt động mạch hạ vị cầm máu”. Kỹ thuật này đã được áp dụng để cứu sống cho bao bà mẹ băng huyết đờ tử cung mà không phải cắt bỏ tử cung nên vẫn giữ được khả năng sinh sản bình thường.

Tại Hội nghị sản phụ khoa toàn quốc năm 1999, đề tài này của ông đã khiến cho hội đồng khoa học và các bác sỹ sản phụ khoa từ các bệnh viện lớn trong nước phải sửng sốt. Bởi lúc bấy giờ, đó thực sự là một bước đột phá lớn đối với một bệnh viện tuyến tỉnh và với một ngành y tế còn nhiều khó khăn như Quảng Bình.

Không thỏa mãn trước những thành công ban đầu ấy, ông lại tiếp tục học hỏi và nghiên cứu về phẫu thuật nội soi. Lương tâm và trách nhiệm của một người thầy thuốc không cho phép ông chấp nhận tụt hậu trong dòng chảy không ngừng của nền y học.

Tại các Hội nghị sản phụ khoa Châu Á Thái Bình, đề tài nghiên cứu về “Kỹ thuật phẫu thuật nội soi treo tử cung trực tiếp vào thành bụng trong điều trị sa sinh dục” (năm 2010) đã được các y bác sỹ, giáo sư đầu ngành đánh giá là một trong những kỹ thuật sáng tạo của ngành y học Việt Nam.

Không chỉ nghiên cứu những phương pháp điều trị bệnh, ông còn là một nhà kỹ thuật. “Máy hút dự trữ áp lực âm” do ông chế tạo đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2008.

Trăn trở…

Ông tâm sự, trong nửa đời người theo nghiệp thầy thuốc, động lực giúp ông không ngừng nghiên cứu, sáng tạo chính là niềm vui của những bệnh nhân nghèo.

Phần đông những bệnh nhân mắc phải chứng bệnh u xơ tử cung là những phụ nữ nông thôn nghèo khó. Không đủ tiền trang trải cho những cuộc phẫu thuật với kinh phí quá lớn, họ đành chấp nhận chịu đựng những cơn đau hành hạ thể xác. Hình ảnh những bệnh nhân nghèo mang trong mình căn bệnh hiểm ác cứ ám ảnh mãi tâm trí của người thầy thuốc tận tâm. “Phải làm sao để thành tựu y học trở thành thành tựu chung mà mọi bệnh nhân đều được thụ hưởng?” Câu hỏi đó cứ xoáy vào lòng ông.

Và sau suốt một thời gian nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn, phương pháp “Kỹ thuật tắc động mạch tử cung bằng nội soi trong điều trị u xơ tử cung” của ông đã ra đời. So với phương pháp đang được áp dụng phổ biến tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương, phương pháp này giúp bệnh nhân giảm đáng kể áp lực về kinh phí, nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, hạn chế tai biến và phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của một bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba – Đồng Hới thì đây là một bước tiến vượt bậc đáng tự hào.

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *