Bên bờ hạnh phúc

Những ngày cuối năm, thị trường hàng điện máy thi nhau khuyến mãi với các mức giảm 30-50% để kích cầu tiêu dùng, trong khi thực phẩm, đồ dùng là những mặt hàng thiết yếu lại lũ lượt rủ nhau tăng.

Từ đầu tháng 12, hầu hết các cửa hàng, siêu thị điện máy tại Hà Nội đều treo biển giảm giá, siêu khuyến mãi với các mức giảm trung bình 30%, thậm chí có sản phẩm lên tới 50% để kích cầu tiêu dùng. Nếu như Trần Anh có chương trình mua sắm ưu đãi giảm giá các mặt hàng TV Panasonic 20-35%, thì Pico có mức giảm 10-20% với cùng nhãn hiệu sản phẩm. Mức giảm giá tương tự cũng được công bố tại hệ thống siêu thị của Topcare.

Ngoài giảm giá, khách hàng mua tivi còn nhận được các sản phẩm có giá trị như bếp hoặc xoong nồi, ấm chảo… Hệ thống siêu thị Media Mart cũng rầm rộ treo biển “Đại hạ giá đón Giáng sinh” với hầu hết các sản phẩm tivi kèm theo quà tặng như bàn là, thẻ mua sắm… gọi là tri ân khách hàng dịp cuối năm.

Nhiều cửa hàng điện tử đang ồ ạt tung các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo lý giải của các chủ cửa hàng, việc khuyến mãi, giảm giá được coi là biện pháp hữu hiệu nhằm kích thích sức tiêu thụ của thị trường. Nhất là trong bối cảnh giá cả các mặt hàng leo thang, người tiêu dùng đang có xu hướng hạn chế mua sắm những mặt hàng không thiết yếu để tập trung cho sinh hoạt, ăn uống hằng ngày. “Không giống như những năm trước, dù Giáng Sinh và Tết Nguyên đán đang đến rất gần song thị trường hàng điện tử vẫn khá trầm lắng. Khuyến mãi, giảm giá cũng chỉ kéo được một bộ phận khách hàng nhỏ lẻ tới đây”, chủ một cửa hàng điện máy trên phố Hai Bà Trưng cho biết.

Trong khi đó những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thịt cá rau quả vẫn âm thầm tăng với đủ các lý do, bất chấp nỗ lực bình ổn. Chị Vân ở Cầu Diễn, Hà Nội cho biết gia đình chị có kế hoạch thay mới tủ lạnh từ vài tháng trước. Thế nhưng do dự mãi, chị quyết định tận dụng chiếc tủ cũ thêm một thời gian nữa, dù rằng vài ba lần qua siêu thị điện máy, chị cũng bị hấp dẫn bởi tấm biển đề khuyến mãi tới 50%. Chị nhẩm tính, với tình hình giá cả biến động như hiện nay, nếu chị bỏ gần chục triệu đồng để sắm tủ lạnh thì bữa ăn gia đình chị những tháng tiếp theo chắc chắn sẽ hẻo đi. "Trong thời buổi này đành phải chọn lựa giữa mua sắm và bữa ăn thôi", chị Vân nói.

Bà Bình ở Nam Đồng, Hà Nội cho biết mỗi lần đi chợ về nhẩm tính cứ xót hết cả ruột. Cùng thời điểm này năm ngoái, một buổi đi chợ, gia đình bà chỉ chi khoảng 120.000 đồng giờ mức chi tăng lên gần 300.000 đồng. “Chỉ khi cẩn thận ghi chép từng ngày, tôi mới thấy giá hầu hết các mặt hàng rau, củ quả, thịt cá cứ lũ lượt rủ nhau tăng giá. Mỗi lần tăng vài trăm đồng nên chỉ những người thực sự chặt chẽ trong chi tiêu mới nhận ra”, bà Bình cho biết.

Chị Hạnh ở Thái Thịnh, Hà Nội nhận xét: “Đi chợ về người cứ ngẩn ngơ như vừa bị móc túi. Thắc mắc tại sao giá thịt, giá rau tăng, người bán chỉ đưa ra một lý do rất cụt lủn: 'Vàng đôla còn biến động nói chi thực phẩm, hàng tiêu dùng'. Cứ như dây chuyền, hôm nay anh bán thịt tăng vài nghìn mỗi kg, chị bán cá cũng chép miệng 'hàng bên cạnh tăng lẽ nào mình giữ nguyên', rồi cô bán rau cũng âm thầm hét thêm một mức giá".

Trong khi thực phẩm, thịt, cá tôm, các mặt hàng thiết yếu phục vụ bữa ăn hàng ngày lại lũ lượt rủ nhau tăng giá với đủ mọi lý do. Ảnh: Hoàng Hà.

 

Không chỉ thị trường tự do, các siêu thị những ngày này cũng liên tục nhận được đề nghị tăng giá của khá nhiều nhà cung cấp. Trong đó, mức tăng chủ yếu tập trung chủ yếu vào mặt hàng rau, củ, quả và hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà. Mức tăng phổ biến đối với sản phẩm thịt đông lạnh này là 7-10%. Ngoài ra, một số hãng mỹ phẩm cũng đã có kế hoạch tăng giá.

Nhân viên hệ thống siêu thị Hapro – một trong những điểm bán hàng bình ổn giá ở Thái Thịnh, Hà Nội nhân viên bán hàng mất rất nhiều thời gian để giải thích khi khách hàng thắc mắc chuyện hôm qua mua hàng giá còn 20.000 đồng đến hôm nay đã tăng thêm 2.000 đồng. Tập trung phổ biến tăng trong những ngày này là các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả, đồ chế biến sẵn… Những mặt hàng này hầu như không còn áp dụng bất cứ chương trình khuyến mãi, giảm giá nào.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong – Viện nghiên cứu Kinh tế – Xã hội, Hà Nội nhận xét cũng phải nhìn nhận rằng thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ bằng việc tung ra các chương trình khuyến mãi giảm giá. Đi tiên phong là các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng điện máy, công ty du lịch, các hãng hàng không với các chương trình siêu giảm giá tới gần 50%. Mỗi mặt hàng, dịch vụ đều có đối tượng khách hàng nhất định và vận hành theo quy luật thị trường nhu cầu nhiều, giá cả ắt tăng.

Tuy nhiên, theo ông Phong, thị trường đang tồn tại một nghịch lý đó là giá tăng không phải do thiếu hụt nguồn cung mà chủ yếu do tâm lý hay nói cách khác là nạn "té nước theo mưa". Nếu như năm trước, giá cả tăng cao do nguồn cung không phong phú, kém dồi dào thì hiện tại, hàng hóa nhiều nhưng giá cả vẫn bị đẩy lên.

Theo ông Phong với những người có nhiều tiền hoặc nhu cầu mua sắm hàng điện tử, tivi, tủ lạnh… chơi Tết, cuối năm được coi là thời điểm thích hợp để mua sắm vì hầu hết các điểm bán đều thi nhau khuyến mãi để xả hàng. Song với đại bộ phận người làm công ăn lương, thu nhập thấp, họ sẽ phải lựa chọn giữa chuyện mua sắm và bữa ăn hằng ngày.

“Người ta không thể bỏ tiền ra thay mới tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa nhiệt độ, ôtô khi mà gạo trong bồ hết, rau ở chợ đội giá lên gấp đôi, xăng nay dọa tăng mai đòi điều chỉnh giá bán. Chưa kể, than, điện và nhiều mặt hàng khác cũng rục rịch lên phương án tăng vào năm tới”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo VnExpress
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *