Hôm nay, 5/9, khắp dọc dài dải đất Việt Nam rực rỡ màu cờ hoa và không khí tưng bừng trong lễ khai trường của hơn 22 triệu học sinh các bậc học, từ mầm non đến đại học. Sau lễ khai trường, các em sẽ chính thức bước vào năm học mới, năm học 2014-2015.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục vào Đào tạo, năm học này cả nước có trên 4,3 triệu học sinh mầm non, trên 15 triệu học sinh phổ thông các cấp, hơn 400.000 học sinh trung cấp và gần 2,2 triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng.
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có hơn 14.000 trường mầm non, gần 16.000 trường tiểu học, hơn 10.000 trường trung học cơ sở và phổ thông cơ sở, hơn 2.000 trường trung học phổ thông, gần 250 trường phổ thông dân tộc nội trú, hơn 600 trường phổ thông dân tộc bán trú, trên 500 cở sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và trên 400 trường đại học, cao đẳng.
Năm học 2014-2015, ngành giáo dục xác định bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm về công tác quản lý giáo dục, tổ chức hoạt động giáo dục, phát triển đội ngũ và tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính giáo dục.
Trong đó, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng hàng đầu với ngành là đưa Nghị quyết Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vào thực tiễn bằng việc triển khai Kế hoạch hành động của ngành giáo dục, thực hiện Chương trình hành động về đổi mới căn bản toàn diện với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, cơ sở giáo dục.
Đây là nhiệm vụ được ngành giáo dục đặt lên hàng đầu trong nhóm các nhiệm vụ về công tác quản lý.
Triển khai Kế hoạch này, năm học 2014-2015, ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện các đổi mới trong hoạt động giáo dục đào tạo.
Cụ thể, ở bậc mầm non, nhiệm vụ trọng tâm là phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ đồng thời tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Với bậc tiểu học, ngành giáo dục sẽ tiếp tục triển khai mở rộng các mô hình, biện pháp giáo dục mới như mô hình trường tiểu học mới, áp dụng dạy học tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục, phương pháp bàn tay nặn bột, dạy học thông qua di sản… Bộ cũng đổi mới về cách kiểm tra đánh giá với học sinh tiểu học theo hướng đánh giá năng lực học sinh, kết hợp với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.
Việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá cũng được thực hiện ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông theo hướng đánh giá năng lực người học. Đặc biệt ở bậc trung học phổ thông, Bộ đang lấy ý kiến về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia với mục tiêu “hai trong một”, kết quả vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa có thể dùng làm cơ sở tuyển sinh đại học.
Bộ cũng đặt việc tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp, giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, sức khỏe… cho học sinh là một nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới.
Với giáo dục nghề nghiệp, năm học 2014-2015 sẽ tiếp tục triển khai sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề cấp huyện nhằm giảm đầu mối quản lý đồng thời củng cố mô hình hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Bộ cũng sẽ tập trung chỉ đạo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu về nhân lực của xã hội. Bậc cao đẳng, đại học sẽ được tăng cường các quyền tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục Đại học như tự chủ trong tuyển sinh, tài chính…
Để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đổi mới trong cách dạy và học, kiểm tra đánh giá theo hướng tăng cường năng lực cho học sinh thì một nhiệm vụ hết sức nặng nề khác của ngành giáo dục được đặt ra trong năm học mới là công tác chuẩn bị về nhân lực.
Cụ thể, ngoài các vấn đề về tăng cường đội ngũ đã triển khai hàng năm như thực hiện kịp thời các chế độ chính sách, kiểm tra đánh giá giáo viên, phổ biến về chủ trương đường lối của ngành trong năm học mới… thì năm học này, ngành giáo dục có thêm nhiệm vụ quan trọng là bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý đáp ứng yêu câu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới vào năm 2016. Đây là vấn đề được các chuyên gia giáo dục đánh giá khá nan giải.
Để có nguồn lực đầu tư cho hàng loạt các nhiệm vụ quan trọng của ngành trong năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư và tăng cường xã hội hóa giáo dục.