Bên bờ hạnh phúc
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia 

 Tâm điểm rủi ro vĩ mô của Việt Nam hiện nay được cho là nằm trong khu vực ngân hàng thương mại. Hệ thống ngân hàng đang tồn tại những méo mó và kém minh bạch bởi chính sách áp đặt hành chính.

Số liệu ngân hàng kém minh bạch

Bất chấp quy định về trần lãi suất 14%, lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng đã lên đến mức 20% bằng nhiều cách khác nhau. Trong khi đó lãi suất cho vay có nơi dao động từ 27 – 30%. Người gửi tiền có thể thoải mái mặc cả lãi suất tại các ngân hàng như… đi chợ.

Theo ông Đàm Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, xảy ra tình trạng này là do các quy định mang tính áp đặt hành chính mà không tuân theo biến động của thị trường. Tình trạng lạm phát và cả tâm lý lo sợ lạm phát đã khiến người dân chuyển tiết kiệm từ tiền đồng sang các tài sản như vàng, ngoại tệ hay bất động sản. Các ngân hàng khan hiếm tiền đồng buộc phải đẩy lãi suất lên cao để thu hút vốn.

Tại cuộc họp báo công bố Báo cáo Kinh tế thường niên năm 2011 ngày 17/5, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng chưa bao giờ hệ thống ngân hàng lại kém minh bạch và méo mó như hiện nay. Các chỉ số không còn độ chính xác cao và đáng tin cậy (chẳng hạn mức lãi suất, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ tín dụng và tăng trưởng tín dụng).

Một trong những ví dụ được ông Nghĩa đưa ra để minh hoạ tính méo mó của hệ thống ngân hàng là khi các ngân hàng lớn cho các ngân hàng nhỏ vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất trên 20% trong khi cấm các ngân hàng nhỏ vay với lãi suất trên 14%. Cùng với đó là việc các ngân hàng thậm chí phải thực hiện những “biến báo” trong hệ thống số sách kế toán để hợp thức hoá mức lãi suất huy động vượt trần quy định.

Quy định siết tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất xuống dưới mức 20% cũng khiến nhiều ngân hàng lao đao, đặc biệt là những ngân hàng có tỷ trọng cho vay phi sản xuất cao tới gần 50% như SeaBank, Phương Tây, TrustBank… Một trong những biện pháp để “lách” quy định này là tăng quy mô tín dụng bằng huy động lãi suất cao.

Ông Lê Xuân Nghĩa đánh giá: “Như quy định trần lãi suất, việc áp quy định hành chính hạ tỷ lệ dư nợ phi sản xuất trái với nguyên tắc thị trường thì sẽ có phản ứng “lách” từ các ngân hàng thương mại”. 

Bỏ trần để đưa lãi suất thực về dương

Sự kém minh bạch này cùng những biện pháp áp đặt hành chính không mang tính thị trường như vậy cũng là nguyên nhân làm giảm lòng tin vào tính hiệu quả của chính sách. Đặc biệt tại Việt Nam, tâm lý của người dân vốn rất nhạy cảm với nỗi lo lạm phát bởi những câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ.

Theo nhóm tác giả của Báo cáo kinh tế thường niên năm 2011, lãi suất thực (lãi suất thực hiểu một cách nôm na là sự chênh lệch giữa lãi suất ngân hàng và tỷ lệ lạm phát) của Việt Nam đã luôn âm trong vài năm gần đây. Điều này hàm ý lãi suất đã đánh mất vai trò dẫn dắt nền kinh tế phân phối nguồn lực một cách có hiệu quả. Thông thường lãi suất là công cụ để kìm chế lạm phát nhưng với những biện pháp áp đặt như hiện nay, lãi suất chỉ đang chạy theo để đuổi kịp lạm phát.

Theo ông Nghĩa, để khắc phục tình trạng này, mức trần lãi suất 14% nên được dỡ bỏ để các ngân hàng tự xác định lãi suất theo cung, cầu của thị trường. Ngân hàng Nhà nước không nên quá lo ngại về lãi suất huy động từ dân cư, mà thay vào đó thị trường liên ngân hàng mới là trọng tâm của Ngân hàng Nước cần quan tâm. Nếu thị trường liên ngân hàng ổn định, thì thị trường tài chính bên ngoài sẽ ổn định. Lãi suất các ngân hàng cho nhau vay hiện đã vênh quá xa so với lãi suất cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở. Các ngân hàng lớn có lợi thế về vốn đang trở thành nhà cho vay nặng lãi với các ngân hàng nhỏ, gián tiếp đẩy cuộc đua lãi suất lên cao.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2001 – 2006, lãi suất thực của nền kinh tế hầu như duy trì ở mức dương. Đây là giai đoạn mà nền kinh tế Việt Nam về cơ bản đã vận hành theo các qui tắc của thị trường, các can thiệp của Nhà nước không mạnh và thay đổi đột ngột như từ năm 2007 trở lại đây.

Các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khuyến nghị rằng Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới cần có chính sách để đưa lãi suất thực trở về mức dương. Để nâng cao lãi suất thực, cách tốt nhất là duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong một thời gian đủ dài.

Trong bối cảnh lạm phát tiếp tục tăng như hiện nay thì nên chấp nhận để lãi suất danh nghĩa (lãi suất niêm yết tại ngân hàng) duy trì ở mức cao hơn cho đến khi lạm phát giảm xuống mức thấp. Ngân hàng Nhà nước cũng nên cân nhắc chuyển sang điều hành chính sách lãi suất một cách độc lập, tuân theo những quy tắc đơn giản nhất định.

Theo Hoàng Yến (VnMedia)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *