Biến đổi khí hậu sẽ khiến cho Hà Nội mùa hạn bị khô kiệt hơn, mùa mưa ngập úng nhiều hơn. Các nhà khoa học đề xuất cách có thể thu lợi từ cả hai tình trạng trên.

Những năm gần đây về mùa khô mực nước sông Hồng ở hạ lưu xuống rất thấp. Năm 2009, có những thời điểm mức nước ở chỗ cao nhất chỉ gần 1,6m (mức thấp nhất kể từ năm 1902 – theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn). Tình trạng này đã gây nhiều tác hại, như: nước mặn xâm nhập sâu, việc lấy nước canh tác gặp nhiều trở ngại; giao thông thủy khó khăn, cảnh quan sông Hồng trở nên “tiêu điều”…

Có thể mở "tour ngắm bão" ở khu vực Hồ Tây. Ảnh: Trung Kiên.

Giữ nước sông Hồng mùa khô

Theo TS Doãn Tam Hòe, Trường Đại học Xây dựng, có thể khắc phục tình trạng nước sông Hồng cạn kiệt bằng cách khá đơn giản: xây hệ thống đập ở cuối các chi lưu gần cửa biển để điều tiết. “Các loại đập này có thể là dạng đập cao su giúp vận hành dễ dàng và mỗi khi lũ về có thể trả lại dòng chảy tự nhiên một cách dễ dàng”, TS Hòe nói. Cũng theo TS Hòe, các vị trí cần làm đập điều tiết gồm: gần cửa Ba Lạt, cửa sông Ninh Cơ, cuối sông Đào (sông Vị Hoàng) Nam Định, cửa Trà Lý, cuối sông Luộc và cuối sông Đuống. Như vậy, tổng cộng sẽ có 6 con đập cần làm.

Tính toán của TS Hòe cho thấy, với các con đập này vào mùa cạn kiệt nếu đóng cửa xả có thể dâng nước sông Hồng ở Hà Nội lên cao trình 4-5m. Ngoài việc khắc phục các bất lợi trên, việc lấy nước cho nông nghiệp sẽ rất thuận lợi. “Đương nhiên để đảm bảo điều chế dòng chảy tự nhiên cho các dòng sông sau đập, chúng ta cần tính toán điều tiết dòng thích hợp. Nếu kết hợp hệ thống đập này của ba sông Hồng, Ninh Cơ và Trà Lý với việc xây dựng tuyến cầu đường ven biển thì chi phí tổng thể sẽ giảm đi nhiều. Thêm nữa còn khai thác triệt để hơn nguồn nước ngọt trước khi chúng chảy ra biển”, TS Hòe nói.

Thu lợi từ ngập lụt

Ở góc độ khác, TS Nguyễn Thu Hạnh, Liên hiệp Khoa học du lịch phát triển bền vững lại có ý tưởng biến thách thức khi Hà Nội bị ngập lụt thành cơ hội. Theo TS Hạnh, nếu nhìn từ một góc nhìn khác sẽ thấy rất nhiều giá trị tiềm ẩn có được từ các yếu tố thiên nhiên khắc nghiệt để phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và độc đáo.

Bà Hạnh cũng chỉ ra, nhiều năm qua không chỉ Hà Nội mà nhiều thành phố khác đã phải chịu những tổn thất thường xuyên về doanh thu du lịch những ngày mưa, bão. Chính vì thế, TS Hạnh đề xuất ý tưởng quy hoạch các tuyến, điểm du lịch trong những ngày mưa, bão, lụt là vấn đề dầu tiên cần được sự phối hợp nghiên cứu của các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực du lịch, khí tượng thủy văn, môi trường, kiến trúc.

Theo TS Hạnh, hồ Gươm sẽ là điểm du lịch lý tưởng để cảm nhận các giá trị nghệ thuật từ mưa. Cần tổ chức các hoạt động văn hóa trong nhà như: vẽ tranh, ngâm thơ, chơi đàn, và các hoạt động ngoài trời như: chụp ảnh, biểu diễn rối nước.

“Các tuyến du lịch bằng thuyền trong khu vực phố cổ hàng Ngang, hàng Đào trong những ngày lụt cũng sẽ là hoạt động du lịch hấp dẫn cho du khách nước ngoài. Một số loại hình ẩm thực và sản phẩm lưu niệm đặc biệt thích hợp trong những ngày mưa, lụt có thể ưu tiên đầu tư như: khoai nướng, ngô nước, lạc rang”, TS Hạnh đề xuất.

Ngoài ra, tại khu vực hồ Tây, với không gian mặt nước và tầm nhìn thoáng rộng, thích hợp cho việc trải nghiệm các cảm xúc đặc biệt từ bão. Có thể mạnh dạn đầu tư tại đây một trung tâm nghiên cứu bão với kết cấu kính chịu lực để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, khám phá của cá khách du lịch nước ngoài về hiện tượng thiên nhiên đặc biệt này. TS Hạnh cho rằng: “Hàng loạt vấn đề sẽ được đặt ra để kích thích tư duy năng động sáng tạo của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân Hà Nội”.

Theo Đất Việt
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *