Không chỉ điện, giao thông, viễn thông được nối mạng với nhau, mà hệ thống kênh mương thủy lợi ở Bình Thuận nhiều năm nay cũng đã được nối mạng, để tận dụng lượng nước của các lưu vực khác nhau.

Người đưa ra ý tưởng, kiêm chỉ huy công trình, là kỹ sư Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, đại biểu tham dự đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.

Anh Tuấn (đứng) trình bày phương án thi công nối mạng hệ thống thủy lợi.

Có nước dồi dào, nông dân các huyện phía bắc tỉnh Bình Thuận đã sản xuất đều 2 – 3 vụ lúa trong năm, không còn tình trạng hàng nghìn ha lúa, hoa màu chết khô như trước.

Ngăn nước mưa chảy ra biển

Là “rốn” hạn của cả nước, người dân Bình Thuận suốt nửa năm phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, còn sản xuất phần lớn dựa vào mùa mưa. Dù đã được ưu tiên khá nhiều công trình thủy lợi, nhưng các hồ chứa không đảm nhận hết việc trữ nước, nước nguồn mưa đổ hết ra biển. “Ý tưởng trữ nước mưa, để dành cho sản xuất, sinh hoạt mùa khô, phân phối đều cho các vùng… có từ lâu lắm, nhưng phải đến khi nhà máy thủy điện Đại Ninh hòa lưới điện quốc gia, chứng kiến nguồn nước sau thủy điện đổ vào sông Lũy rồi chảy ra biển, giữa lúc người dân trầm trồ tiếc, tôi đã liều thực hiện, và thành công”, anh Tuấn kể.

Tháng 12/2007, kênh tiếp nước hồ Cà Giây, dẫn nước từ dập sông Lũy, với lưu lượng trên 10 m3/s hoàn thành. Từ kênh tiếp nước này, hồ Cà Giây, một hồ thủy lợi phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nông dân huyện Bắc Bình đã không còn cạn nước mùa khô. Công trình mang hiệu quả tức thì, đưa 6.000 ha lúa sản xuất ổn định, nông dân lãi gần 60 tỷ đồng chỉ trong vụ Đông Xuân. Huyện Bắc Bình có nguồn nước chủ động, nên sản xuất nông nghiệp tăng nhanh cả diện tích và sản lượng.

10 năm nữa hết hạn

Giữa năm 2008, tuyến kênh 812- Châu Tá, dài 32 km, dẫn nước từ sông Lũy về, bổ sung cho hồ Sông Quao – hồ thủy lợi cấp nước sản xuất và sinh hoạt của huyện Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết cũng hoàn thành. Đây là kênh tiếp nước mà tỉnh Bình Thuận đã táo bạo thực hiện trước quy hoạch gần 10 năm. Vì theo quy hoạch, đến năm 2015, hệ thống này mới thực hiện, khi công trình thủy lợi Phan Rí – Phan Thiết – dự án đang được Bộ NN-PTNT triển khai – đi vào vận hành. Từ nguồn nước bổ sung này, gần 20.000 ha diện tích đất bỏ trống được sản xuất quanh năm. Ngay vụ Đông Xuân 2008 – 2009, nông dân trồng lúa đã lãi trên 50 tỷ đồng.

Nông dân vùng hạn đã không còn lo khổ từ hệ thống thủy lợi được nối mạng trữ nước.

Gắn bó lâu năm với ngành thủy lợi, nhất là làm thủy lợi ở vùng hạn, kỹ sư Nguyễn Hoàng Tuấn đã có nhiều sáng tạo mang lại nguồn nước quý báu. Như sáng kiến nâng cao đập dâng các hồ thủy lợi bằng biện pháp tràn có cửa điều tiết, nâng tổng dung tích các hồ chứa lên hàng triệu mét khối nước so với thiết kế, hay xây dựng hoàn chỉnh hệ thống trạm bơm điện dọc sông La Ngà, để tận dụng nguồn nước xả của thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi tưới cho hơn 16.000 ha lúa ba vụ mỗi năm ở hai huyện Đức Linh và Tánh Linh… đưa vùng này trở thành vựa lúa ổn định của tỉnh. “10 năm nữa thôi, chúng tôi sẽ hoàn thành cơ bản nối mạng các hồ thủy lợi của cả tỉnh. Khi đó, vùng hạn này sẽ mãi là màu xanh”, anh Tuấn tự tin cho biết.

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *