Gần tháng qua, toàn vùng ĐBSCL gần như không có cơn mưa trái mùa nào nên thời tiết nắng nóng, khô hạn ngày càng quyết liệt, đặc biệt mức độ xâm nhập mặn đang lan rộng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống và sản xuất của người dân.

Ảnh minh họa: vfej.vn

  

Theo Đài Khí tượng  thủy văn khu vực Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bị nước mặn xâm nhập sâu và ở mức cao. Cụ thể, trên sông Cổ Chiên, Cửa Đại, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền hơn 45km, trên sông Hàm Luông độ mặn 4 %o xâm nhập sâu gần 60km.

 Tại Trà Vinh, hiện có gần 10.000 ha lúa Đông Xuân đang có dấu hiệu úa vàng và có thể bị mất trắng do mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Tại Long An, nước mặn cũng xâm nhập sâu vào sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, tràn vào một số kênh đầu mối thủy lợi, ảnh hưởng đến việc bơm nước vào ruộng để cày ải gieo sạ lúa Hè Thu, nhất là phía thượng nguồn các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa. Các tỉnh vùng Bán đảo Cà Mau như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu nước mặn lấn sâu có nơi đến hơn 50 km. Đến đầu tháng 4-2011 này, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, các con sông Đốc, sông Trẹm, sông Gành Hào, Bảy Háp và các kênh rạch nối liền các dòng sông này đều bị mặn hóa hoàn toàn với độ mặn từ 6 đến 10%o. Tỉnh Bạc Liêu cũng đã bị nhiễm mặn trên 2/3 diện tích ở các huyện Giá Rai, Hồng Dân, Phước Long…

Ngoài ra, do tác động của biến đổi khí hậu nên huyện U Minh, một trong huyện có bờ biển dài nhất của tỉnh Cà Mau với 42 km /92 km bị nhiễm mặn nặng. Năm nay tỉnh Cà Mau phải giành kinh phí cho dự án chống sạt lở đê biển Tây Nam lên đến 175 tỉ đồng để bảo vệ sản xuất của nhân dân. Trong tháng 3-2011, do ảnh hưởng của gió chướng, ở khu vực xã Khánh Tiến có 4,7 km đê bị sạt lở sâu vào đất liền 70 mét. Rừng tràm U Minh hạ thuộc các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời mực nước đang xuống thấp gây nguy cơ cháy rừng với mức độ cấp 4/5 (cấp nguy hiểm). Tại Bến Tre, từ sau Tết đến nay, hơn 227.000 hộ dân sống ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú đang phải mua nước từ nơi khác chuyển đến. Ở huyện Giồng Trôm, một số xã cặp sông Hàm Luông đã bị nước mặn xâm nhập với độ mặn trên 5%o. Ngành nông nghiệp Giồng Trôm khuyến cáo có khoảng 5.000ha đất sản xuất bị ảnh hưởng và có khả năng giảm năng suất 30-40%, trong đó, lúa Đông Xuân khoảng 300ha, còn lại là vườn cây ăn trái.

Tại Hậu Giang, từ tháng 2-2011, nước mặn đã lấn sâu đến gần thành phố Vị Thanh, cách cửa biển gần 50 km. Ngành nông nghiệp thông báo có khoảng 12.000 ha lúa Đông Xuân cuối vụ bị ảnh hưởng. Toàn tỉnh đã ra quân  thực hiện chiến dịch giao thông – thủy lợi mùa khô, nạo vét các kênh nội đồng để chứa nước, đồng thời gia cố bờ bao để giữ nước trong đồng phục vụ sản xuất. Ngành nông nghiệp tỉnh đã xúc tiến xây dựng công trình đê bao ngăn mặn Long Mỹ – Vị Thanh. Công ty Cấp thoát nước và Công trình đô thị Hậu Giang cũng nhanh chóng xây dựng và đưa vào sử dụng trạm bơm nước thô từ kênh Tám Ngàn, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy có công suất thiết kế 7.000m3 ngày/đêm có thể đủ khả năng đáp ứng được 2/3 công suất thiết kế của Nhà máy nước Vị Thanh và đáp ứng được khoảng 3/4 nhu cầu sử dụng của nhân dân trong địa bàn thành phố Vị Thanh. Ngoài ra, Công ty còn đề ra phương án dự phòng khi nước mặn xâm nhập sâu trên kênh xáng Xà No (tới vàm kênh Tám Ngàn) thì sẽ huy động toàn bộ số xe bồn chuyên dùng chở nước đang phục vụ tưới cây và nhờ xe của phòng cảnh sát PCCC hỗ trợ lấy nước sạch từ khu vực khác về cung cấp miễn phí cho nhân dân khoảng 500m3 nước/ngày, nhằm giải quyết nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Hạn mặn đang đến hồi quyết liệt. Cuộc sống, sinh họat và sản xuất của người dân đang bị đảo lộn. Nhiều vùng ven biển đang đối mặt với khó khăn không chỉ vì thiếu nước ngọt trong sinh hoạt hằng ngày mà còn phải mua nước ngọt với giá cao đang là nỗi khó khăn của hàng trăm nghìn hộ nông dân nghèo. 

Theo Lê Khánh và CTV (Đại đoàn kết) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *