Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đề nghị các địa phương rà soát phương án “4 tại chỗ”, đề phòng bão và lũ lớn gây chia cắt dài ngày, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.  

Mưa to từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế 

 



Các địa phương cần khẩn trương rà soát và sẵn sàng triển khai các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập 

 Tại cuộc họp ngày 29/9 của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết tổng lượng mưa 3 ngày (từ 19h 25/9 đến 19h 28/9) các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế phổ biến ở mức từ 150 đến 180mm, có nơi mưa rất to tập trung chủ yếu vào ngày 25-26/9: Hương Sơn (Hà Tĩnh): 185mm, Kỳ Anh (Hà Tĩnh): 188mm…

Đêm 27, sáng sớm ngày 28/9, lũ thượng nguồn sông La, các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế đã đạt đỉnh và đang xuống.

Hồ chứa thủy lợi các tỉnh từ Nghệ An trở ra hầu hết đã đầy và gần đầy. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận hầu hết ở mức thấp; dung tích phổ biến đạt từ 30 – 60% so với thiết kế, một số hồ có mực nước đạt 70 – 80%  như An Mã, Cẩm Ly (Quảng Bình); Kinh Môn (Quảng Trị)… Các hồ ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ đang ở mức cáo, dung tích đạt từ 70-90% so với thiết kế, một số hồ như Cà Giây (Bình Thuận), Đắc Uy (Kon Yum)…

Ngày 27/9/2011 trên địa bàn huyện Hương Sơn đã xảy ra mưa to làm nước dâng tràn qua thân đập Quát, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn khoảng 50cm gây sạt lở, lún sụt thân đập với chiều dài khoảng 10m, rộng 1m, sâu 3m. Huyện Hương Sơn đã huy động lực luợng, phương tiện tiến hành khắc phục sự cố. Hiện đập đã ổn định.

Các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An đã có công điện chỉ đạo các cấp, ngành tại địa phương triển khai phó với bão số 5.

Trong lúc này, các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An tích cực chỉ đạo việc thu hoạch lúa hè thu, lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng". Tỉnh Thanh Hoá cho học sinh các trường PTTH trên địa bàn tỉnh nghỉ học 2 ngày để giúp gia đình thu hoạch lúa.

ĐBSCL: Đỉnh lũ đầu tháng 10

Lũ sông Mê Kông từ thượng nguồn đến Kôm Pông Chàm (Căm Pu Chia) đang xuống, hạ lưu từ Cảng Phnôm Pênh về cuối nguồn (sông Cửu Long) đang lên nhanh. Dự báo trong 1 – 3 ngày tới, lũ hạ lưu sông Mê Kông từ Cảng Phnôm Pênh về Việt Nam sẽ lần lượt đạt đỉnh.

Tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên tiếp tục lên nhanh, sau đó lên chậm dần. Đến ngày 2/10, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,9m, trên BĐ3: 0,4m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 4,3m, trên BĐ3: 0,3m…

Đỉnh lũ cao nhất năm tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long sẽ xuất hiện vào những ngày đầu tháng 10, tại Tân Châu có khả năng ở mức 4,95m, trên BĐ3: 0,45m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 4,35m, trên BĐ3: 0,35m; sau đó xuống chậm.

Theo tổng hợp của Văn phòng Ban chỉ đạo, về tình hình thiệt hại do lũ đồng bằng sông Cửu Long, đáng chú ý tại An Giang đã có 1 người chết, 2.032 nhà ngập, 125m đê bị vỡ và ngập 2.700 ha lúa.

Tỉnh An Giang đã huy động hơn 3.000 người tham gia gia cố, tôn cao 254 km đê, bờ bao chống lũ; thành lập 32 điểm trông giữ trẻ với 1.380 cháu; củng cố lực lượng cấp cứu, tìm kiếm cứu nạn với 502 chốt, điểm, tăng cường phương tiện áo phao cứu sinh, di dời 5 hộ có nguy cơ sạt lở đến nơi ở tạm.

Đồng Tháp đang tiếp tục huy động lực lượng, vật tư, phương tiện gia cố bờ bao, bơm tiêu úng, bảo vệ lúa Thu Đông và tổ chức di dân khỏi vùng tại các vùng ngập sâu. Đã thu hoạch được 73.454 ha/98.818 ha lúa Thu Đông. Các trường mầm non, tiểu học, THCS tại các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự nghỉ học tránh lũ.

Đề phòng bão và lũ lớn gây chia cắt dài ngày

Ông Vũ Văn Tú, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 5 và tăng thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông báo cho nhân dân chủ động phòng, tránh.

Các địa phương ven biển cũng cần kiểm đếm tàu, thuyền, nắm chắc số lượng, vị trí tàu, thuyền hoạt động trên biển để thông báo, hướng dẫn di chuyển để không đi vào, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi trú tránh và tổ chức neo đậu an toàn. Nghiêm cấm người ở lại các chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản và trên tầu thuyền tại khu neo đậu. 

Theo báo cáo nhanh của Bộ Đội biên phòng, đến 16 giờ ngày 28/9 đã thông báo kêu gọi được 39.712 tàu, thuyền với 179.474 người và 2.037 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thuỷ sản với 4.694 người chủ động phòng chống bão.

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định việc cấm tàu thuyền ra khơi; việc cho học sinh nghỉ học; sơ tán dân tại các vùng trũng, thấp ở cửa sông, ven biển, các khu vực ven sông, suối có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở.

Bên cạnh đó cần khẩn trương rà soát và sẵn sàng triển khai các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, các công trình đang thi công ven sông, ven biển, các khu vực hầm, mỏ khai thác khoáng sản.

Triển khai các phương án phòng chống bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền bao gồm chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, các công trình công cộng, trường học, cơ sở y tế đối với khu vực có nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão.

Các địa phương cần phân công cán bộ lãnh đạo, chuyên môn xuống các khu vực để chỉ đạo trực tiếp, rà soát phương án 4 tại chỗ trong đó đặc biệt là việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng bão và lũ lớn gây chia cắt dài ngày, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. 

Theo Đỗ Hương ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *