Đây là dự án có sự phối hợp giữa Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, Cty Tư vấn và chuyển giao kỹ thuật, Trường Đại học Thủy lợi và Quỹ Bảo vệ Môi trường Mỹ (EDF) thực hiện. Bình Hòa là xã đầu tiên của huyện Châu Thành (An Giang) được chọn thí điểm thực hiện dự án này, sau đó sẽ nhân rộng ra ĐBSCL.

Mục tiêu của dự án hướng đến việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cải thiện điều kiện làm việc và tăng thu nhập cho những người nghèo, cận nghèo; bảo vệ môi trường, gia tăng các biện pháp thích ứng, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Qua đó các chất mê-tan, khí cacbonic và oxit nitơ phát thải trong quá trình phát triển của cây lúa sẽ giảm đáng kể. Theo báo cáo lần thứ 2 của Việt Nam về phát thải khí nhà kính lên Khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, đến năm 2000, phát thải khí nhà kính (KNK) trong nông nghiệp chiếm 43,1% trên tổng phát thải KNK của Việt Nam và trong lĩnh vực nông nghiệp, phát thải từ canh tác lúa chiếm tới 57,5%.

Được biết, dự án sẽ được tiến hành tại Việt Nam trong vòng 3 năm (từ tháng 11/2010 đến tháng 10/2013) với tổng kinh phí đầu tư dự kiến gần 1 tỷ USD, nhằm trả lời ba vấn đề chưa từng được thử nghiệm ở nước ta đó là: Phát thải khí nhà kính được đo đạc thế nào theo tiêu chuẩn quốc tế trong điều kiện canh tác lúa; Mức giảm phát thải khí nhà kính có thể là bao nhiêu dưới mức tham chiếu cơ bản từ kết quả áp dụng các cách thức canh tác khác nhau; tính khả thi và các lợi ích tài chính mà người nông dân Việt Nam có được khi họ thu các chứng chỉ giảm phát thải và bán ra thị trường carbon tự nguyện.

Theo đó, dự án sẽ sử dụng các phương pháp mô hình hóa và đo đạc mức tham chiếu cơ bản phát thải của 3 KNK (khí cacbonic CO2, khí oxit nito N2O và khí mê-tan CH4) trong canh tác lúa ở ĐBSCL; đo lượng giảm phát thải các khí này sau khi có các áp dụng canh tác thích hợp, như tưới tiêu hợp lý, bón phân chính xác và quản lý rơm rạ sau thu hoạch; tiếp cận các nguồn tài chính, thu nhập mới bằng việc tập hợp các chứng chỉ giảm phát thải KNK và bán chúng ra thị trường cacbon tự nguyện; chuyển giao công nghệ và các kỹ năng và kinh nghiệm được gây dựng ở Việt Nam liên quan tới tài chính cacbon và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Dự án cũng hỗ trợ duy trì đóng góp của Việt Nam trong an toàn lương thực thế giới bởi Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của thế giới. Hiện tại đã có 57 hộ nông dân ở khu vực xã Bình Hòa (huyện Châu Thành, An Giang) được chọn tham gia thử nghiệm đầu tiên, với tổng cộng 66,6 ha lúa vụ đông xuân 2010 (trồng giống lúa Jasmine). Đây là các tiểu vùng vừa bắt đầu chuyển sang canh tác lúa vụ 3 ở địa phương. Đầu năm 2011, đoàn nghiên cứu dự án đã tổ chức hội thảo sơ kết giai đoạn đầu của việc thử nghiệm trên ruộng lúa.

Tiến sĩ Huỳnh Quang Tín, Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, điều phối viên dự án cho biết: “Nhằm chuẩn hóa lại các quy trình canh tác của bà con nông dân theo “1 phải 5 giảm”, đồng thời tạo ra một mô hình tốt nhất áp dụng đại trà, chúng tôi đã chia các ruộng thử nghiệm ra thành 5 khu vực nhỏ, mỗi khu vực sẽ tiến hành thử nghiệm các mô hình khác nhau: đối chứng (canh tác theo kỹ thuật truyền thống); tưới ngập khô xen kẽ; tưới ẩm; bón phân đạm theo bảng so màu lá; sử dụng phân vi sinh hữu cơ bón cho đất. Các chỉ tiêu, số liệu về chiều cao, số chồi, màu sắc và độ phát triển của rễ, lượng khí thải… được chính người nông dân cùng kỹ thuật viên nông nghiệp đo đạc, theo dõi hàng ngày, hàng tuần, so sánh lại với nhau để tìm ra sự chênh lệch”.

Ông Phạm Quang Trường, kỹ thuật viên trồng trọt của xã Bình Hòa, người trực tiếp hướng dẫn và lấy các số liệu của ruộng lúa thử nghiệm cho biết: “Chưa đầy tháng nữa có thể thu hoạch lúa, tình hình hiện rất khả quan. Giai đoạn đầu chúng tôi gặp một số khó khăn như bù lạch, rét lạnh kéo dài ức chế sự phát triển của cây lúa, thời điểm xuống giống tương đối gấp. Tuy nhiên, từ 40 ngày tuổi trở về sau lúa đã phát triển bình thường. Bà con nông dân thường xuyên đo đếm các chỉ tiêu để có thể đưa ra kết quả phân tích chính xác nhất. Đặc biệt, dù chưa thể biết chính xác năng suất lúa như thế nào, nhưng các hộ nông dân đều tỏ ra phấn khởi, vì chi phí sản xuất giảm nhiều so với kỹ thuật thông thường: giảm từ 10-15kg phân/công, tiết kiệm nước, số lần phun xịt thuốc mà cây lúa vẫn chắc khỏe bình thường”.

Đây là những tín hiệu vui, báo hiệu sự thành công bước đầu của dự án, với mong mỏi giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường trong quá trình canh tác lúa hiện nay.

Theo Nông Nghiệp VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *