Bên cạnh việc chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ rõ trong vòng 2 năm tới cần chấm dứt việc dạy học "đọc-chép" ở THCS và THPT.

Chiều 1/9, nhân dịp khai giảng năm học mới, Phó thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân gửi thư cho lãnh đạo Đảng, chính quyền các tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm chỉ đạo 5 công việc nhằm tạo môi trường chăm lo phát triển tốt cho giáo dục đào tạo trong năm học 2009-2010.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, thứ nhất, cần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện bằng cách tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và trong năm học 2009-2010 mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có một đổi mới trong dạy học hoặc quản lý giáo dục, mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học…

Các địa phương cần chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, bỏ học xuống dưới 0,5%. Vận động ngành giáo dục, trong vòng 2 năm bắt đầu từ năm học này chấm dứt việc dạy học "đọc-chép" ở THCS và THPT. Rút kinh nghiệm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 để ổn định tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2010.

Ảnh: Hoàng Hà.
Việc tiếp thu bài giảng chủ yếu qua "Đọc-chép" đang khiến học sinh không hứng thú trong học tập. Ảnh: Hoàng Hà.

Thứ hai, người đứng đầu ngành giáo dục nêu rõ, tiếp tục triển khai phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" để mỗi gia đình và toàn xã hội quan tâm hơn nữa đến việc học tập của học sinh. Phấn đấu thực hiện yêu cầu "3 đủ" đối với học sinh: "đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở". Tổ chức "Lễ Tri ân và trưởng thành" cho học sinh lớp 12 trên toàn quốc.

Tiếp đó là đổi mới công tác quản lý giáo dục. Theo Bộ trưởng Giáo dục, các địa phương căn cứ vào văn bản của Chính phủ chủ động xây dựng khung học phí mới đối với bậc mầm non, phổ thông trình HĐND, UBND tỉnh, thành phố để thực hiện từ năm học 2010-2011. Ưu tiên ngân sách để thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ, phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, đảm bảo tiền lương cho đội ngũ nhà giáo và kinh phí hỗ trợ cho học sinh chính sách, học sinh nghèo.

Ông Nhân cũng đề nghị các địa phương phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục; xây dựng và triển khai đề án xây dựng nhà ở cho học sinh dân tộc bán trú; đề án phát triển giáo dục ở 61 huyện khó khăn nhất; và đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2015.

Và cuối cùng là chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, kiên quyết khắc phục việc thiếu giáo viên tại một số tỉnh, nâng cao chất lượng giáo viên được tuyển. Mỗi địa phương cần xác định nhu cầu giáo viên giai đoạn 2009-2015, đặt hàng các trường sư phạm trong và ngoài tỉnh đào tạo, kết hợp các chính sách khuyến khích giáo viên công tác tại địa phương.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *