Mặc dù quy định bắt buộc những người hành nghề xe ôm phải đăng ký đã được ban hành từ năm 2009 nhưng chỉ sau khi nghị định 34/2010/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải có hiệu lực từ ngày 20.5 tới, quy định này mới được bắt buộc thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, những người hành nghề xe ôm không đăng ký sẽ bị phạt từ 40.000 – 60.000 đồng.

Chiều 8.4, ông Ngô Quang Đảo, phó tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ cho biết, tới thời điểm này rất ít địa phương đã ban hành các quy định cụ thể hướng dẫn việc đăng ký. Nhưng do quy định bắt buộc được ban hành từ năm 2009 chỉ là quy định liên bộ nên các địa phương có thể “lần lữa” hướng dẫn. Sau khi nghị định 34 của Chính phủ có hiệu lực, các địa phương sẽ buộc phải hướng dẫn, tiếp nhận đăng ký và tổ chức quản lý hoạt động này.

Theo quy định tại thông tư 08/2009 có hiệu lực từ ngày 20.8.2009 của bộ Giao thông vận tải, những người hành nghề xe ôm phải được cấp biển hiệu và trang phục do cấp tỉnh quy định để phân biệt với những người tham gia giao thông khác. Còn hướng dẫn đăng ký như thế nào, đăng ký ở đâu để được cấp phát biển hiệu và trang phục “đặc thù” thì do các địa phương ban hành.

Ông Đảo cho biết, tới đây bộ Giao thông vận tải có thể sẽ tập huấn cho các địa phương về các quy trình đăng ký thủ tục hành nghề xe ôm, sau đó các địa phương về tập huấn lại cho cấp cơ sở và sẽ yêu cầu những người làm nghề xe ôm phải đăng ký. Nhưng tiến độ thực hiện việc tập huấn ở nhiều cấp này có kịp trước ngày 20.5, khi mà việc xử phạt theo nghị định 34 có hiệu lực hay không, thì ông Đảo không chắc chắn.

Trao đổi về chuyện việc quản lý xe ôm giống như một loại giấy phép con không cần thiết trong bối cảnh cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ bớt giấy phép con hiện nay, ông Đảo cho rằng mục tiêu chính vẫn là giảm bớt sự lộn xộn của đường phố, bảo vệ khách đi xe ôm (không bị “chặt chém”, mất đồ…) Còn thực tế triển khai như thế nào, tới đâu thì phải đợi tới khi triển khai trực tiếp mới có thể kết luận được.

Tuy nhiên, hiện tại nhiều ý kiến cho rằng kể cả khi việc xử phạt những người hành nghề xe ôm có hiệu lực thi hành thì cũng khó khả thi. Bởi trong trường hợp không đăng ký, cơ quan chức năng cũng không xác định được là người đó có phải hành nghề xe ôm hay không. Bên cạnh đó, cũng không nhất thiết cứ làm nghề xe ôm là phải mặc loại quần áo riêng. Vậy nên, có quy định nhưng không khả thi và không thực hiện hậu kiểm tốt thì cũng chỉ là ban hành cho vui, lãng phí thời gian soạn thảo.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *