Bên bờ hạnh phúc

 Chuyện thất thu thuế tài nguyên cát sông trên địa bàn tỉnh đã được các ngành chức năng biết đến từ lâu. Thế nhưng để hạn chế tình trạng thất thu lại là việc làm không hề đơn giản vì đây là loại hình hoạt động rất khó kiểm soát.

 

Vĩnh Long hiện có 28 khu vực mỏ cát trải dài trên sông Tiền, sông Hậu và sông Cổ Chiên, với trữ lượng khai thác đến năm 2020 khoảng 125 triệu mét khối. Trong số 25 doanh nghiệp tham gia khai thác cát, năm 2011 thuế tài nguyên cát sông ngành thuế thu được trên 1,4 tỷ đồng, với sản lượng hơn 1,5 triệu mét khối. Mặc dù số tiền thuế thu được có tăng so với năm 2010 thế nhưng theo đánh giá của ngành thuế thì chỉ mới đạt khoảng 70%. Nghĩa là cứ bình quân 3 khối cát khai thác tại mỏ, ngành thuế chỉ thu thuế được khoảng 2 khối. Khai thác nhiều nhưng báo cáo ít là một thực tế đã và đang diễn ra tại các mỏ cát.

Theo ông Đặng Văn Danh, Cục phó Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long:   “Hiện nay doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp, các doanh nghiệp hoạt động trên sông nên việc kiểm tra rất khó khăn cho nên nhiều doanh nghiệp có tình trạng trốn thuế. Xác định của ngành thuế hiện nay tỷ lệ khai thuế với trữ lượng cấp phép chỉ đạt 70%, chúng ta vẫn còn thất thoát khoảng 30%. Ngoài việc thất thu thuế tài nguyên thì phí bảo vệ môi trường cũng thất thu theo.”

Nếu như các ngành chức năng không đẩy mạnh công tác hậu kiểm mà cứ tiếp tục dựa vào kết quả tự kê khai sản lượng cát khai thác của các doanh nghiệp để tính thuế thì tình trạng thất thu thuế nguồn tài nguyên cát sông trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiếp diễn. Bởi phần lớn những doanh nghiệp được cấp phép không trực tiếp khai thác mà lại giao khoán cho một đơn vị khác khai thác với hình thức hợp đồng gia công nên sản lượng cát khai thác thực tế khó mà kiểm soát được. Mặt khác, khi các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm thường chỉ mới dừng lại ở chỗ xử phạt đơn vị nhận khoán chứ chưa đề cập đến đơn vị giao khoán.

 Ông Nguyễn Văn Đấu, Phó GĐ Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh khẳng định:“Nếu tình trạng khai thác cát mà chúng ta không có quy định doanh nghiệp có phương tiện để khai thác mà hợp đồng với các phương tiện khác khai thác thì rõ ràng rất khó cho vấn đề quản lý.”

 Ông Đặng Văn Danh, Cục phó Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long cho biết:“Trong thời gian tới, ngành thuế tập trung thứ nhất là tuyên truyền cho các doanh nghiệp thông hiểu chính sách pháp luật về thuế trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Thứ 2 là tăng cường công tác hậu kiểm. Thứ 3 là khi doanh nghiệp cố tình không khai bổ sung thì sẽ tiến hành thanh tra tại doanh nghiệp. Thứ 4 là kiến nghị với UB tỉnh cho phép ngành thuế phối hợp với các ngành kiểm tra tất cả các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn có sử dụng cát sông để xem lại chứng từ hóa đơn của các doanh nghiệp này. Có quản lý như thế mới đảm bảo tính đúng, tính đủ trong quản lý khai thác cát sông.”

Tháng 4/2008, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành chỉ thị số 08 về việc tăng cường công tác quản lý thuế trong lĩnh vực khai thác cát sông. Nhìn chung từ khi có chỉ thị này thì tình hình quản lý thu thuế tài nguyên cát sông đã có sự chuyển biến, thế nhưng chừng nào các ngành chức năng vào cuộc một cách quyết liệt hơn thì lúc đó tình trạng thất thu thuế nguồn nguồn tài nguyên cát sông trên địa bàn tỉnh mới có thể hạn chế đến mức thấp nhất./.

Nguyễn Phước

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *