Những ngày qua, hàng loạt hộ nuôi cá tra ở các tỉnh, thành ĐBSCL tỏ ra bất bình trước thông tin Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ và khuyến cáo người tiêu dùng châu Âu lựa chọn những loại thủy sản khác thay thế cho sản phẩm cá tra xuất xứ từ Việt Nam.

WWF đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ là hoàn toàn vô lý.

Mặc dù Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP và các ngành liên quan đều lên tiếng phản đối sự cáo buộc trên, nhiều hộ nuôi cá ở ĐBSCL cũng không thể kiềm chế sự phẫn nộ trước những thông tin phí lý này.

Nằm ở vị trí giữa sông Tiền và sông Hậu nên tỉnh Vĩnh Long rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi cá tra xuất khẩu. Riêng năm 2010, tỉnh Vĩnh Long cung cấp cho thị trường 120.000 tấn cá tra các loại, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 17 triệu đô la Mỹ.

Đặc biệt, cá tra ở các tỉnh, thành ĐBSCL cho chất lượng thịt trắng, không có dư lượng thuốc kháng sinh, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của ngành chức năng các nước nhập khẩu mặt hàng thủy sản này. Sản phẩm cá tra Việt Nam không chỉ được ưa thích vì hương vị thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, mà còn đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, việc Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ đã gây nhiều bất bình cho người nuôi cá ở Vĩnh Long nói riêng và các hộ nuôi cá ở các tỉnh thành ĐBSCL nói chung.

Anh Nguyễn Văn Yến, xã Bình Hoà Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Việc WWF đưa thông tin cá tra vào danh sách đỏ khiến người nuôi cá tra rất bất bình bởi nguời nuôi cá tra đã thay đổi tư duy nuôi cá. Hiện tại, những người nuôi cá đã biết áp dụng tiêu chuẩn IGMP hoặc Golpalgap vào quá trình nuôi theo đúng yêu cầu chất lượng của thị trường quốc tế.”

Ông Hồ Văn Vàng, xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long thì cho rằng, những người nuôi cá tra đã được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sinh hoạt vấn đề nuôi cá sạch đúng theo tiêu chuẩn chất lượng, theo quy định quốc tế nên việc làm của WWF là vô lý, thiếu cơ sở khoa học, gây bất lợi cho người nuôi cá ĐBSCL.

Để vượt qua những khó khăn, những quy định khắt khe của thị trường các nước, thời gian qua, ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL đều quy hoạch phát triển nghề nuôi cá tra theo hướng thân thiện với môi trường, khuyến cáo hộ nuôi phải cam kết bảo vệ môi trường và áp dụng các tiêu chuẩn nuôi cá an toàn chất lượng theo hướng bền vững. Trong khi đó, việc Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã đưa cá tra vào danh sách đỏ với nguyên nhân là do các trại nuôi gây ô nhiễm môi trường tự nhiên với mức độ lo ngại ngày càng lớn, thức ăn, hóa chất và thuốc trừ sâu được thải trực tiếp ra sông, hồ khiến nguy cơ lây bệnh của cá tra sang các loài cá tự nhiên là thiếu cơ sở khoa học.

Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long cũng tỏ ra bức xúc: “Quỹ WWF liệt cá tra vào danh sách đỏ, khuyến cáo người tiêu dùng 6 nước Châu âu không sử dụng sản phẩm cá tra là cảnh báo hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học, đánh giá không toàn diện. Tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã có cuộc họp báo với cơ quan thống tấn trên cả nước để yêu cầu WWF phải đưa ra bằng chứng cảnh báo của họ nhưng WWF không hề đưa ra được bằng chứng nào cả.”

Mới đây, Ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thủy sản, hiện làm việc tại Hội nghề cá Việt Nam cũng cho rằng, chúng ta không nên quá hoang mang trước việc WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ. Cẩm nang tiêu dùng thủy sản mà WWF ban ra chỉ là một tài liệu hướng dẫn tiêu dùng, không phải là một rào cản thương mại. Theo ông Nguyễn Tử Cương, trong khi WWF chưa cung cấp được các bằng chứng để đưa cá tra vào danh sách đỏ, Việt Nam đang đề nghị WWF nhanh chóng thu hồi các tờ rơi đã lưu hành. Người nuôi thủy sản hãy an tâm đầu tư sản xuất theo đúng quy định của ngành chuyên môn khuyến cáo nhằm duy trì và đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Lê Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *