Thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh luôn quan tâm công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn. Qua đó góp phần đáng kể trong công tác xoá đói giảm nghèo, thu hút ngày càng nhiều chị em gắn bó với tổ chức Hội. Ở xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, mô hình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đang thu hút nhiều chị em tham gia vì đã giúp họ tăng thu nhập kinh tế gia đình.

Chị Mỹ Kim ( trái ) hướng dẫn chị em trong xã

 

          Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngữ văn Trường Đại học Cửu Long nhưng trong thời gian chưa tìm được việc làm, chị Trần Thị Mỹ Kim đã đến Trung tâm Dạy nghề huyện Vũng Liêm học nghề đan. Kết thúc khóa học, thấy nhiều chị em trong ấp Bào Xếp xã Tân An Luông chưa tận dụng được hết thời gian nông nhàn để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, chị Kim mạnh dạn mở tại nhà lớp dạy đan thùng bằng dây nhựa, dây lác, dây buông. Ban đầu, lớp chỉ thu hút trên 30 chị em trong ấp đến học nhưng sau 1 năm tìm được nguồn nguyên liệu ổn định tại địa phương và ký kết hợp đồng giao hàng với một doanh nghiệp, chị Mỹ Kim đã lần lượt mở thêm 4 lớp dạy nghề, tạo việc làm cho gần 120 chị em phụ nữ.

         Thấy nghề đan hàng thủ công phù hợp với chị em phụ nữ nông thôn vì có thể kết hợp với công việc nội trợ ở nhà; kỹ thuật đan không khó, chỉ cần học nghề khoảng 1 tháng là có thể nhận gia công sản phẩm cho công ty, không đòi hỏi phải đầu tư vốn liếng, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân An Luông đã tiếp tục khảo sát nhu cầu học nghề của chị em trong xã để tổ chức nhân rộng mô hình này.

          Chị Lê Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân An Luông – Vũng Liêm  Vĩnh Long cho biết:“Qua học hỏi nhiều kinh nghiệm đối với bản thân tôi đi tìm hiểu và tìm việc làm cho chị em. Đối với nghề này thì nói chung hiệu quả rất cao đối với phát triển kinh tế gia đình của các chị, ngoài giờ rảnh các chị còn làm tăng thu nhập gia đình. Hướng tới của chúng tôi sẽ mở thêm 5 lớp nữa có 3 lớp dạy nghề lá buông hoặc hàng nhựa, 2 lớp quay sơ tơ dừa để tạo thu nhập cho chị em phụ nữ”.

         Hiện nay, nghề đan thùng bằng dây nhựa, dây lác, dây buông thu hút hằng trăm phụ nữ ở mọi lứa tuổi trong xã tham gia. Có những hộ, 3 – 4 thành viên tranh thủ giờ rỗi rảnh trong ngày cùng góp công làm nên sản phẩm để tăng ngân quỹ cho gia đình.

         Theo chị Nguyễn Thị Út Em, xã Tân An Luông : “Thu nhập hàng tháng chị em mần nội trợ chuyện nhà, giúp nhà nấu cơm, nấu nước sáng trưa chiều, giờ rảnh mà nghỉ thì làm, tháng bình quân 600 – 700 ngàn, thấy chị em làm với  tinh thần chị em làm hăng hái, tích cực lắm”.

           Còn chị Trương Kim Khoa cùng xã Tân An Luông cho biết: “Thời gian rảnh rỗi mình đến đây mình làm để kiếm thêm cho con ăn học, phụ giúp trong gia đình cũng đỡ. Sản phẩm này mình rảnh mình làm nhiều, bận thì mình làm ít”.

            Không chỉ giúp chị em phụ nữ tăng thu nhập kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, nghề đan hàng thủ công mỹ nghệ ở xã Tân An Luông còn tạo sinh khí vui tươi, đoàn kết trong chị em, thúc đẩy chị em tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do Hội LHPN các cấp phát động, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương./.

          Ngọc Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *