Dân gian có câu nắng tốt dưa mưa tốt lúa, thế nhưng hiện nay dưa hấu không chỉ được trồng trong mùa nắng mà còn được trồng quanh năm. Tuy nhiên, trong mùa mưa thời tiết thường bất lợi trong việc trồng dưa hấu, vì vậy cần một số biện pháp kỹ thuật để chăm sóc tốt dưa hấu trong mùa mưa nhằm đem lại năng suất và chất lượng sản phẩm.

 

 

Theo nhận định của ngành chuyên môn, dưa hấu là loại màu có khả năng chịu úng kém cộng thêm điều kiện thời tiết ẩm ướt, cường độ ánh sáng yếu làm cây dưa rất dễ bị nhiễm bệnh, khả năng đậu trái ít cũng như chất lượng trái khó được ngọt như dưa trồng trong mùa nắng.

Theo kỹ sư Thái Thành Triều, Trưởng Phòng KT Chi cục BVTV tỉnh Vĩnh Long: “Nên thiết kế lại hệ thống liếp cũng như mương để thoát nước được tốt, đó là vấn đề hết sức quan trọng, cái thứ hai nên sử dụng một số lượng phân chuồng cũng như phân hữu cơ oai mục để bón lót và vấn đề thứ ba nữa nếu có điều kiện thì bà con nên sử dụng màng phủ nông nghiệp bởi vì vai trò của màng phủ nông nghiệp thứ nhất hạn chế được mốt số côn trùng gây hại chẳng hạn như bù lạch rồi hạn chế được vấn đề cỏ dại cũng như thất thoát phân bón.

Đặc biệt, để đảm bảo năng suất và phẩm chất trái thì bên cạnh việc ưu tiên chọn những giống dưa có đặc tính tốt thích nghi với điều kiện thời tiết mùa mưa, chuẩn bị mương liếp chu đáo thì các biện pháp canh tác trong suốt quá trình sinh trưởng của cây cũng cần được quan tâm thực hiện hiệu quả.

Cũng theo kỹ sư Thái Thành Triều, Trưởng Phòng KT Chi cục BVTV tỉnh Vĩnh Long: “Bên cạnh đó khi dưa bắt đầu bò thì bà con nên định hướng lại dây để cho dây bò song song và thẳng góc với hàng trồng, khi dưa ra hoa nên thụ phấn nhân tạo, ngắt những bông hoa đực tốt chấm lên hoa cái vào lúc buổi sáng khoảng từ 7 đến 9 giờ, sau đó chúng ta tuyển trái lại, mỗi dây nên chọn một trái ở cái thứ 3 hoặc thứ 4. Đối với một số côn trùng gây hại như bù lạch, bọ dưa hay sâu ăn tạp thì phải chú ý đối tượng này vì nó gây hại chủ yếu trên đọt non, còn một số bệnh hại, thứ nhất giai đoạn còn nhỏ là bệnh héo cây con, cái thứ hai bệnh chạy dây và bệnh sương mai, bệnh này tấn công ở lá bên dưới sau đó lan dần lên trên, còn bệnh thán thư ảnh hưởng đến thân của dây dưa, hoặc là trái.”

Và để phòng trừ tốt các đối tượng dịch hại kể trên, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nên tiến hành kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để theo dõi và có biện pháp phòng trị kịp thời. Ngoài ra, cũng cần cắt nước sớm 4, 5 ngày trước khi bắt đầu thu hoạch để đảm bảo chất lượng trái, nên chọn thời điểm thu hoạch khi ruộng dưa đạt tỉ lệ chín khoảng 80 – 90% và trước khi thu hoạch 10 ngày phải ngưng bón phân, xịt thuốc nhằm đảm bảo tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm./.

Bích Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *