Trong những năm qua, bằng sự sáng tạo, năng động, anh Phan Tuấn Thanh, ở ấp Phú Mỹ, xã Tân Phú, huyện Tam Bình đã cố gắng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng bằng mô hình nuôi lươn mùa nước lũ.  

Nuôi lươn trong bể lót vải bạt. Ảnh minh họa

Sống trong một gia đình nghề nông, nhiều năm qua, cứ đến mùa nước nổi, anh Phan Tuấn Thanh, ở ấp Phú Mỹ, xã Tân Phú, huyện Tam Bình thường hay đi đặt chúm và thả dớn. Thấy trên thị trường lươn có giá cao nên năm 2005, anh cùng với gia đình nghĩ ra cách nuôi lươn trong bể nuôi lót vải bạt. Với diện tích bể nuôi 15m2, anh thả hết số lươn đánh bắt được trong tự nhiên. Qua 6 tháng nuôi, số lượng lươn trong bể hơn 500 con, anh thu lãi được 5.000.000 đồng.

Theo anh Thanh, lươn bắt tự nhiên ngoài đồng có sức đề kháng tốt, dể nuôi, mỗi tuần chỉ thay nước 1 đến 2 lần, ít công chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả cao. Năm 2006, anh Thanh và gia đình tiếp tục làm thêm 6 bể nuôi. Ngoài số lươn gia đình đánh bắt mỗi đêm, anh Thanh và gia đình còn tìm mua nguồn lươn giống của bà con trong xóm, nhờ đó, số lượng lươn mỗi ao nhiều gấp đôi so với trước.

Thịt lươn có giá trị dinh dưỡng cao

Anh Thanh cho biết, chi phí làm một bể nuôi chỉ khoảng 200.000 đồng. Bên cạnh đó, do tận dụng nguồn con giống và thức ăn sẵn có nên nghề nuôi lươn tự nhiên khá hiệu quả. Lươn có giá trị dinh dưỡng cao nên giá lươn có thể dao động từ 75.000đồng đến hơn 100.000đồng/kg. Tính trong mùa lươn năm 2009, gia đình anh thu lợi trên 60.000.000 đồng.

Với tinh thần tự lực tự cường, lao động sáng tạo, anh Thanh và gia đình đã khởi xướng mô hình chăn nuôi hiệu quả, góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình và bảo vệ được nguồn lợi thuỷ sản hiện nay.

Bích Tuyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *