Bên bờ hạnh phúc

Tháng 4 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Với Nghị định này, các hợp tác xã hay chủ trang trại có thể vay tối đa lên đến 500 triệu đồng mà không cần phải thế chấp tài sản. Song vấn đề đặt ra là nguồn vốn này vẫn chưa đến được với bà con nông dân đúng như sự kỳ vọng vì đã gần 2 năm qua mà vẫn chưa có HTX nông nghiệp hay trang trại nào của tỉnh có thể tiếp cận được nguồn vốn vay tín chấp từ các ngân hàng.

 

HTX nông nghiệp Thành Đạt ở xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn được thành lập vào cuối năm 2008. HTX hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp thông qua việc đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch lúa để hạn chế thất thoát trong thu hoạch, đảm bảo được mùa vụ, giảm chi phí nhân công, giúp nông dân tăng lợi nhuận. Do yêu cầu tăng khả năng cạnh tranh nên HTX có ý định thay đổi dần những máy gặt đập liên hợp cũ bằng những máy mới chất lượng hơn nhưng HTX lại thiếu vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Can Đảm, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thành Đạt, xã Xuân Hiệp – Trà Ôn cho biết: “Nhà nước nói hỗ trợ cho tổ kinh tế hợp tác, HTX tiếp cận nguồn vốn tín chấp không quá 500 triệu, nhưng thực tế địa phương chưa có giải quyết nguồn vốn đó. HTX tui và các HTX khác muốn tiếp cận nguồn vốn đó nhằm phục vụ tốt hơn nhưng hoàn toàn hổng có, phải thế chấp hết chớ hổng có vay tín chấp được chục nào hết trơn.”

Để phát triển sản xuất kinh doanh, HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu (huyện Long Hồ) cũng đang cần khoảng 200 triệu đồng làm vốn lưu động và xây dựng kho lạnh bảo quản hàng nông sản cho nông dân nhưng lại không xoay sở được nguồn vốn.

Theo ông Trần Văn Hiền, Chủ nhiệm HTX sản xuất, tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu – Long Hồ: “Theo tôi thấy có lẽ về phía ngân hàng họ không tin tưởng vào HTX. Nhiều lúc làm đơn vay họ rà soát rất kỷ, đòi hỏi  điều kiện rất khó khăn mà HTX không thể đáp ứng được là về phương án SX kinh doanh và vốn điều lệ nhưng mà hiện nay đối với HTX vốn điều lệ rất ít.”

Không chỉ có HTX nông nghiệp Thành Đạt hay HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp từ các ngân hàng theo Nghị định 41 của Chính phủ mà hầu hết các mô hình kinh tế hợp tác trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh đều có chung khó khăn như vậy.

Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Theo Nghị định 41 của Chính phủ và thông tư 14 của Thống đốc ngân hàng cho phép các HTX, tổ kinh tế hợp tác vay tín chấp tối đa 500 triệu đồng nhưng thời gian qua trong tổ chức thực hiện các HTX chưa tiếp cận được nguồn vốn này với lý do tài sản của HTX phải gởi vào ngân hàng cũng như thế chấp cho nên tập hợp tài sản của HTX hay tổ kinh tế hợp tác thì không đủ khả năng để tiếp cận nguồn vốn nay.”

Vì sao mô hình kinh tế hợp tác vẫn chưa tiếp cận được chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị  định 41 của Chính phủ. Theo ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng phòng Tín dụng Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện Long Hồ: “Quy mô tổ hợp tác nhỏ giống như quy mô hộ. Thứ 2 là tổ hợp tác không có đủ thành phần như kế toán hạch toán rõ ràng để ngân hàng có cơ sở  đầu tư. Thứ 3 là nguồn vốn đối ứng của tổ hợp tác hạn chế.”

Làm gì để các mô hình kinh tế hợp tác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi của của nhà nước. Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo kiểm tra lại các HTX coi còn yếu mặt nào thì  chúng tôi cùng với địa phương để tháo gỡ cho các HTX có quy trình quản lý chặt chẽ và có phương án SX kinh doanh khả thi để đi vào hoạt động có nề nếp.”

Toàn tỉnh hiện có 99 HTX, trong này có 33 HTX nông nghiệp. Tồn tại chung của các HTX nông nghiệp hiện nay là Ban chủ nhiệm chưa được đào tạo chuyên môn bài bản về quản lý kinh tế tập thể mà chỉ thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn. Trong hoạt động thì chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính nên chưa hoạch định được phương án sản xuất kinh doanh hợp lý. Mặt khác, HTX nông nghiệp thường là không có tài sản riêng để đảm bảo khi vay vốn, chủ yếu là do xã viên dùng tài sản cá nhân để thế chấp cho các khoản vay nhưng giá trị lại không lớn. Trong khi đó hiện nay vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra bảo lãnh tín dụng cho các HTX khi vay vốn nên các tổ chức tín dụng luôn e dè khi xem xét cho vay vốn đối với các HTX. Để tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư phát triển sản xuất cho các HTX sản xuất nông nghiệp thì rất cần có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả từ các ngành chuyên môn mà trong đó vai trò then chốt vẫn là Liên minh các HTX./.

Nguyễn Phước

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *