Bên bờ hạnh phúc

 Yêu nghề, mến trẻ và luôn có tinh thần cầu tiến, đổi mới để phát triển, cô Trần Thị Thanh Thảo, giáo viên trường Mầm non Tuổi Xanh 1, TPVL đã có nhiều đóng góp tích cực trong suốt 22 năm tham gia vào sự nghiệp trồng người.

 

Cô Trần Thị Thanh Thảo sinh năm 1971. Năm 1989, cô tốt nghiệp trung học sư phạm mẫu giáo và về công tác tại trường Mầm non Tuổi Xanh 1, TP Vĩnh Long. Với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, cô Thảo đã đề xuất nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy, được lãnh đạo trường, ngành giáo dục và đồng nghiệp đánh giá cao như: “ Dạy trẻ tạo hình từ nguyên vật liệu mở”, “ Tạo hứng thú cho trẻ học Âm nhạc qua tiết dạy hát”, “ Nâng cao phát triển ngôn ngữ cho trẻ 5-6 tuổi qua trò chơi đóng kịch”…. 

Cô Hồ Thị Vi, Gv Trường Mầm non Tuổi Xanh 1, TPVL cho biết:  “ Cô Thảo là 1 giáo viên năng nổ, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Điều mà tôi ấn tượng nhất đối với cô Thảo là sự chân thành và quan tâm chia sẻ với các chị em trong trường”.

Với niềm say mê yêu nghề, cô Thảo đã dành nhiều thời gian đầu tư cho việc soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học. Những tiết dạy do cô phụ trách được truyền đạt đến học trò bằng tất cả tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm và vốn kiến thức mà người thầy có được. Chính sự tận tụy hết lòng vì học sinh thân yêu, Cô đã tạo được niềm tin nơi phụ huynh, sự yêu mến nơi học sinh và uy tín đối với tập thể sư phạm nhà trường.

Theo cô Trịnh Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm Non Tuổi Xanh 1, TPVL: “ Tất cả những công việc mà nhà trường phát động thì cô rất là nhiệt tình, làm việc đến nơi đến chốn và rất hiệu quả. Cái nữa là giao tiếp với phụ huynh, cô rất chuẩn mực và được sự tín nhiệm củ phụ huynh rất cao.  Thành tích đóng góp của cô rất là nhiều như các phong trào văn nghệ, thi bé khỏe bé ngoan lớp cô năm nào cũng có học sinh đạt giải cấp trường, cấp thành phố cũng như phong trào làm đồ dùng dạy học, phong trào thi giáo viên giỏi”.

Với cô Thảo, để hoàn thành tốt 2 nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ đòi hỏi người giáo viên mầm non không chỉ sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy mà còn phải có năng khiếu ca, múa, thường xuyên gần gũi tìm hiểu sở thích và tính tình của học sinh. Cô Thảo tâm niệm: “Đối với trẻ mình dạy bằng kiến thức không thì không mang lại hiệu quả mà mình phải có những đồ vật, tranh ảnh hoặc những hình ảnh thật  mà mình có được ở ngoài đời, mình mang vào để giáo dục trẻ thì từ đó những suy nghĩ của trẻ sẽ được mở rộng, trẻ được nghe, được nhìn và trẻ sẽ được hiểu dù ít nhiều thì trẻ cũng cảm nhận được những gì mới lạ mà cô giáo truyền đến trẻ”.

Luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở trường và vai trò người phụ nữ trong gia đình, cô Thảo được bình chọn tham dự Đại hội Điển hình tiên tiến ngành GD-ĐT Vĩnh Long giai đoạn 2005-2010. Sự nỗ lực, đóng góp của cô trong nhiều năm qua đã được Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh tặng bằng khen; Cô được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, danh hiệu “ viên phấn vàng”… và mới đây được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” ./.

Trâm Anh 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *