Trong một bước đi hứa hẹn sẽ tạo ra hàng triệu việc làm và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã nhất trí sẽ khởi động tiến trình đàm phán về Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) vào ngày 8/7 tới. Theo các chuyên gia, việc xây dựng một liên minh được ví như một Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thương mại này sẽ giúp củng cố vị thế của Mỹ và Châu Âu trên bản đồ kinh tế toàn cầu trước sự vươn lên của những nền kinh tế mới nổi.

Mỹ là nhà nhập khẩu hàng hóa Châu Âu lớn nhất.

Được biết đến như những đồng minh chính trị thân thiết, tuy nhiên mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và EU lại chưa hề được ràng buộc bởi một thỏa thuận toàn diện và có sức nặng nào. Ý tưởng về TTIP được đưa ra vào những năm 1990 và nhiều lần được hâm nóng rồi lại nguội lạnh do hai bên có quá nhiều bất đồng liên quan đến vấn đề trợ giá nông sản nội địa cùng với cơ chế bảo hộ đối với hai hãng máy bay đối thủ là Airbus của Châu Âu và Boeing của Mỹ. Chưa kể đến các qui định khác nhau giữa Mỹ và EU về an toàn xe hơi, chỉ số môi trường và một số sản phẩm về tài chính, thì chương trình thu thập thông tin qua internet (PRISM) của Mỹ mới bị tiết lộ gần đây đã đem đến một khó khăn khác cho TTIP.

Đề cập đến những trở ngại trong quá trình đàm phán TTIP, tổng thống Barack Obama thừa nhận Mỹ và EU sẽ phải đối mặt với những vấn đề nhạy cảm cũ, song nếu có thể nhìn xa hơn để tập trung vào tầm quan trọng chiến lược của hiệp ước này thì hai bên có thể đạt được thỏa thuận toàn diện theo các tiêu chuẩn mà hệ thống thương mại toàn cầu đang cần đến.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Mỹ và EU đang muốn thoát khỏi tình trạng kinh tế yếu kém kéo dài, đồng thời hợp lực để đối phó với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ thì việc Washington và Brussels đẩy nhanh quá trình đàm phán TTIP là sự thể hiện rõ ràng về chiến lược thắt chặt mối quan hệ đồng minh trên mọi mặt. Bởi nếu đàm phán thành công, TTIP sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại khổng lồ với 800 triệu dân, mỗi năm có thể giúp tăng thêm đến 1% GDP cho cả hai bên. Cơn khát việc làm ở cả hai bờ Đại Tây Dương cũng có thể được giải tỏa phần nào khi hàng triệu việc làm mới được tạo thêm như một hệ quả tích cực từ làn sóng gia tăng đầu tư và trao đổi thương mại.

Mặc dù đang đối mặt với những trì trệ, song Mỹ và EU vẫn là những trụ cột cực kỳ quan trọng của kinh tế thế giới khi chiếm gần một nửa GDP toàn cầu và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Vì thế, cái bắt tay trong lĩnh vực thương mại để lấp đầy phần còn thiếu trong vòng tròn hợp tác giữa hai đồng minh chủ chốt được tin là sẽ giúp Mỹ và EU củng cố vị thế trong nền kinh tế thế giới.

Hồng Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *