Ngày 16/01, Quốc hội Afghanistan đã bác bỏ 10 trong số 17 nhân vật được Tổng thống Hamid Karzai đề cử lần hai vào thành phần nội các. Cuộc bỏ phiếu này diễn ra 2 tuần sau khi các nghị sỹ không phê chuẩn đối với hầu hết các lựa chọn lần đầu của ông Karzai.

Ông Hamid Karzai

Sau đợt bỏ phiếu ngày 16/01, hai vị trí quan trọng trong nội các mới đã được chấp thuận. Cựu cố vấn an ninh của Tổng thống Karzai, ông Zalmay Rasul, đã được phê chuẩn chức vụ Ngoại trưởng Afghanistan, trong khi ông Habibullah Ghalib được giao chiếc ghế Bộ trưởng Tư pháp.

Trong số 3 phụ nữ được đề cử vào nội các, chỉ có bà Amina Afzali được chấp thuận chức vụ Bộ trưởng Các vấn đề Xã hội và Lao động. Hai nữ chính khách khác được ông Karzai đề cử vào chức Bộ trưởng Y tế Công cộng và Các vấn đề Phụ nữ đã không vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.

Theo báo giới, Tổng thống Kazai hy vọng sẽ hoàn tất việc thành lập chính phủ mới trước Hội nghị quốc tế về tài trợ cho Afghanistan, dự kiến diễn ra vào ngày 28/01 tại thủ đô Luân đôn, Anh nhưng diễn biến trên cho thấy, mục tiêu đó của ông Kazai đã trở nên bất khả thi.

Tuy đối mặt với tình thế khó khăn nhưng đến nay, ông Karzai đã bổ nhiệm được 14 trong tổng số 24 bộ trưởng nội các, trong đó có các vị trí quan trọng về quyền lực như ngoại giao, quốc phòng và nội vụ.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào Tổng thống Afghanistan sẽ đề cử người khác thay thế cho những chiếc ghế trống và cũng chưa biết thời điểm Quốc hội tổ chức bỏ phiếu thông qua lần nữa.

Sau lần phê chuẩn đầu tiên vào ngày 02/01, ông Karzai đã yêu cầu các nghị sỹ hủy bỏ kỳ nghỉ đông để đẩy nhanh tiến độ thành lập chính phủ. Khi đó, việc Quốc hội bác bỏ 17 trong tổng số 24 ứng viên do ông Kazai đề cử được ví như một đòn chính trị nữa giáng vào ông, nhất là sau khi ông vừa được công nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử gây tranh cãi. Một số nghị sỹ than phiền rằng, những nhân vật được ông Karzai đề cử là không thích hợp do có mối liên hệ mật thiết với các thế lực dân quân.

Hiện, ông Karzai đang phải chịu sức ép từ trong và ngoài nước về việc thành lập một chính phủ có năng lực để điều hành đất nước. Liên hiệp quốc từng nói rằng, việc tài trợ cho cuộc bầu cử Quốc hội Afghanistan trong năm 2010 sẽ phụ thuộc vào quá trình cải cách thể chế của chính phủ nước này.

Vĩnh Thới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *